Đan Mạch quyết định tham gia Chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU
Hơn 2/3 cử tri Đan Mạch ngày 1/6 đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân và ủng hộ quyết định lịch sử về việc tham gia Chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU, sau gần 3 thập kỷ đứng ngoài. Đây được xem là một hệ lụy địa chính trị tiếp theo của cuộc chiến tại Ukraine.
Theo thông tin được các hãng truyền thông lớn tại Đan Mạch công bố vào nửa đêm 1/6 theo giờ địa phương, kết quả kiểm phiếu cho thấy, khoảng 67%, tức hơn 2/3 cử tri Đan Mạch, đã bỏ phiếu ủng hộ việc Đan Mạch tham gia Chính sách Quốc phòng và an ninh chung của Liên minh châu Âu (EU), và con số phản đối là khoảng 33%.
Là quốc gia thành viên EU từ năm 1973 nhưng vào năm 1993, Đan Mạch đã tổ chức trưng cầu ý dân từ chối tham gia vào Chính sách Quốc phòng và an ninh chung của Liên minh châu Âu. Các đảng phái chính trị và đa số người dân Đan Mạch nhiều năm qua luôn cho rằng các chính sách quốc phòng của EU làm giảm vai trò của khối quân sự NATO cũng như không hài lòng với cách quản trị bị xem là quá quan liêu của Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, quan điểm trên thay đổi nhanh chóng sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Hai tuần sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen đã công bố kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về việc tham gia vào Chính sách quốc phòng chung của EU và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của 11/14 đảng phái vốn chiếm 3/4 ghế trong Nghị viện Đan Mạch, kể cả các đảng đối lập.
Phát biểu khi đi bỏ phiếu trong ngày 1/6, bà Mette Frederiksen tuyên bố, thế giới đang thay đổi theo chiều hướng xấu nên đã đến lúc Đan Mạch buộc phải thay đổi.
“Lần này tôi bỏ lá phiếu ủng hộ với tất cả trái tim của mình vì tôi thấy đây là điều đúng đắn cho châu Âu, cho Đan Mạch và cho tương lai của chúng ta. Bởi lẽ tôi nghĩ rằng thời kỳ sắp đến còn bất ổn hơn những gì đang diễn ra và vì thế cần phải có sự đoàn kết, chung sức và cần thể hiện điều đó qua lá phiếu ủng hộ này”, bà Frederiksen nói.
Việc Đan Mạch thay đổi quan điểm duy trì gần 3 thập kỷ qua và tham gia vào chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU là một biến động địa chính trị lớn tiếp theo tại châu Âu do cuộc chiến tại Ukraine gây ra. Hồi giữa tháng 5/2022, hai quốc gia Bắc Âu khác là Phần Lan và Thụy Điển cũng nộp đơn xin gia nhập khối quân sự NATO, chấm dứt các chính sách trung lập kéo dài hàng thế kỷ của hai quốc gia này.
Với việc gia nhập vào chính sách quốc phòng chung của Liên minh châu Âu, Đan Mạch có thể gửi quân tham gia vào các chiến dịch quân sự mà châu Âu đang tiến hành như tại Somali, Bosnia hay Mali cũng như được trực tiếp thảo luận các chủ đề về quốc phòng của châu Âu tại mỗi kỳ họp của EU./.