Đan Mạch sẽ tham gia hiệp ước quốc phòng EU sau cuộc bỏ phiếu lịch sử

an Mạch sẽ tham gia hiệp ước quốc phòng với Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Tư (1/6). Đây là sự chuyển hướng quân sự mới nhất trong nhóm các nước Bắc Âu sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Đan Mạch là thành viên EU duy nhất không nằm trong chính sách quốc phòng và an ninh của khối. Cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi có kết quả là 67% cử tri ủng hộ việc tham gia vào Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung (CSDP) của EU. Đây là sự ủng hộ lớn nhất được ghi nhận trong cuộc trưng cầu dân ý về một vấn đề của EU ở Đan Mạch.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (trái) và chồng bà Bo Tengberg bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tham gia hiệp ước quốc phòng EU tại Vaerloese, Đan Mạch vào ngày 1 tháng 6 năm 2022. Ảnh: Reuters

Người dân Đan Mạch đã rất tích cực tham gia bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Cựu thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, lãnh đạo đảng Moderaterne bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Kết quả bỏ phiếu được xem như một chiến thắng cho những người ủng hộ sự hợp tác lớn hơn với EU, trong khi những người phản đối cho rằng hiệp ước quốc phòng của EU sẽ gây thêm tình trạng quan liêu và rằng việc Đan Mạch tham gia vào các hoạt động quân sự của EU sẽ quá tốn kém.

"Chúng tôi đã gửi một tín hiệu đến các đồng minh của chúng tôi trong NATO ở châu Âu. Và chúng tôi đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin", Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết vào cuối ngày thứ Tư sau khi hầu hết các phiếu bầu đã được kiểm đếm.

Christine Nissen, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết rằng mặc dù không phải là một kết quả có ý nghĩa thực tế lớn đối với Liên minh châu Âu, nhưng kết quả này sẽ được nhìn nhận một cách tích cực ở Brussels. Ông nói: “Đó là một phần của xu hướng chung hiện nay, nơi các quốc gia đang xích lại gần nhau hơn”.

Trong những thay đổi chính sách lịch sử, Thụy Điển và Phần Lan trong tháng này đã quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Ngoài ra, Đức cũng đã có sự chuyển biến lớn trong chính sách an ninh, khi liên tục tăng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.

Sau khi tham gia vào hiệp ước quốc phòng, Đan Mạch sẽ có thể tham gia vào các hoạt động quân sự chung, chẳng hạn như ở Somalia, Mali và Bosnia, để đạt được các khả năng phối hợp quân sự chung giữa các nước trong khối.

Hoàng Anh (theo Bloomberg, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dan-mach-se-tham-gia-hiep-uoc-quoc-phong-eu-sau-cuoc-bo-phieu-lich-su-post197485.html