'Dẫn mặn nhập đồng' để nuôi tôm tự phát - một việc làm, nhiều hệ lụy. Bài 2: Cần một giải pháp khắc phục mang tính bền vững, hiệu quả

Tình trạng nuôi tôm trên diện tích đất trồng lúa, hoa màu, trong khu dân cư không đúng quy hoạch gây hậu quả là nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu không thể canh tác được do nhiễm mặn, phèn; khai thác quá mức nguồn nước ngầm, bơm nước mặn vào ao hồ nuôi tôm đã khiến nhiều hộ dân vùng biển bãi ngang lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng… đang rất cần có những giải pháp khắc phục mang tính bền vững, lâu dài.

Một số diện tích đất ở xã Triệu Lăng, Triệu Phong trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng sau đó người dân không nuôi tôm nữa, cần có phương án cải tạo để đưa vào sản xuất trở lại - Ảnh: H.A

Một số diện tích đất ở xã Triệu Lăng, Triệu Phong trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng sau đó người dân không nuôi tôm nữa, cần có phương án cải tạo để đưa vào sản xuất trở lại - Ảnh: H.A

Từng bước quy hoạch vùng nuôi tôm ở Triệu Phong

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết, đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ của toàn huyện là 431,51 ha, trong đó xã Triệu Phước có 204,21 ha, xã Triệu Độ có 27,8 ha, xã Triệu Trạch có 10,8 ha, xã Triệu Lăng có 67 ha, xã Triệu An có 90 ha, xã Triệu Vân có 31,7 ha… với tổng số hộ nuôi tôm là 892 hộ.

Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm có xu hướng giảm dần với việc số hộ nuôi tôm bị thua lỗ ngày càng tăng (nhiều hộ nuôi tôm không có khả năng tái sản xuất phải chuyển nhượng, cho thuê ao nuôi). Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng thấp triều, vùng ao nuôi bãi ngang ven biển trên địa bàn huyện Triệu Phong không đảm bảo với việc không có ao chứa xử lý nước, hệ thống ao cạn và không được cải tạo đúng kỹ thuật… dẫn đến môi trường vùng nuôi tôm lâu năm bị ô nhiễm.

Trước tình trạng đó, huyện Triệu Phong đã yêu cầu các phòng, ban, địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người nuôi tôm cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải và hệ thống cấp nước. Huyện Triệu Phong cũng đã nỗ lực từng bước quy hoạch vùng nuôi tôm. Đề nghị Chi cục Thủy sản tăng cường công tác quản lý các vùng nuôi tôm; thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi tôm… Các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn chú trọng tuyên truyền, vận động người dân có đủ điều kiện mới được nuôi tôm thâm canh; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND các xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi tôm thâm canh.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị chuyên môn (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) và UBND các xã đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao; nuôi tôm 2, 3 giai đoạn; nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm tuần hoàn khép kín; nuôi tôm an toàn sinh học; áp dụng các mô hình nuôi, đối tượng nuôi mới như cá kình, ốc hương… và các mô hình liên kết sản xuất giúp người dân chủ động sản xuất.

Xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, trước đây (khoảng năm 2005 trở về trước) do lợi nhuận con tôm mang lại gấp nhiều lần so với cây lúa, hoa màu nên người dân ồ ạt đào ao lót bạt nuôi tôm một cách tự phát đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường sinh thái tự nhiên, đặc biệt là quá trình mặn hóa đất. Bởi việc nuôi tôm sử dụng nước ngầm sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác xung quanh.

Lúc bấy giờ, hoạt động nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng của người dân đa phần là tự phát; một số vùng nuôi tôm bị phá vỡ quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương nên việc chuyển mục đích từ đất trồng lúa, hoa màu sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tự ý khoan giếng khai thác nước mặn hoặc bơm nước mặn trực tiếp từ sông để phục vụ nuôi tôm cũng không đúng quy định…

Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng từng bước xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm và tích hợp nhiều diện tích nuôi tôm vào vùng quy hoạch nuôi tôm nhằm tăng cường công tác quản lý các vùng nuôi tôm; thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi tôm…

Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ của toàn tỉnh là 1.350 ha. Riêng đối với diện tích nuôi tôm trong khu dân cư, trên đất trồng hoa màu, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý và không mở rộng diện tích nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng ở các xã vùng biển bãi ngang; xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm; tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao và thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác…

Các địa phương cần tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

Tập trung phát triển ngành tôm trở thành ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Để hướng đến một nền nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng năng suất, hiệu quả và an toàn gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của vùng cát ven biển, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng với các địa phương tập trung phát triển ngành tôm trở thành ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái với việc nhân rộng, phát triển nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm đưa năng suất, sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng ven sông và vùng bãi ngang ven biển không ngừng tăng qua các năm. Tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tích cực mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Hiện các dự án nuôi tôm công nghệ cao đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư như dự án xây dựng khu nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn nước đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường của Công ty Growmax tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (cụ thể là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) với tổng diện tích khoảng 42 ha; dự án nuôi trồng, chế biến thủy sản công nghệ cao của Công ty Camimex tại thị trấn Cửa Tùng và xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh với việc trong giai đoạn 1 sẽ nuôi cá hồi theo công nghệ RAS với diện tích khoảng 4,5 ha; nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình RAS với diện tích khoảng 8,5 ha. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở xã Vĩnh Thái với diện tích khoảng 30 ha; sẽ đầu tư nhà máy chế biến thủy sản để thu mua nguồn nguyên liệu tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh lân cận.

Mặt khác, để khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, ngành nông nghiệp đang tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp từ khâu chăm nuôi đến thu mua sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả trên diện tích sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn…

Hoàng Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dan-man-nhap-dong-de-nuoi-tom-tu-phat-mot-viec-lam-nhieu-he-luy-bai-2-can-mot-giai-phap-khac-phuc-mang-tinh-ben-vung-hieu-qua/179066.htm