Dân mạng Hàn Quốc chế giễu nhau vì một từ đồng âm

Hàn Quốc có tỷ lệ người dân biết chữ là 98%, song ngày càng nhiều người trẻ gặp khó khăn khi sử dụng kỹ năng đọc, viết trong cuộc sống thường ngày.

Ngày 20/8, một quán cà phê ở Seoul (Hàn Quốc) đã đăng thông báo trên trang Twitter, xin lỗi vì sự cố kỹ thuật trong hệ thống đăng ký tham gia buổi ký tặng của một họa sĩ webtoon.

"Hệ thống đăng ký đã đóng. Một lần nữa, chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc từ đáy lòng vì những bất tiện trong quá trình này", dòng trạng thái được đăng bằng tiếng Hàn.

Trong đó, quản trị viên đã dùng từ "shim shim", có nghĩa "sâu sắc từ đáy lòng". Tuy nhiên, trong tiếng Hàn còn có một từ đồng âm khác có nghĩa "buồn chán".

Một số dân mạng khi đọc dòng trạng thái đã hiểu nhầm sang nghĩa "buồn chán", họ chỉ trích quán cà phê vì đưa ra lời xin lỗi thiếu chân thành, The Korea Times đưa tin.

 Nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, gặp khó khăn khi dùng kỹ năng đọc, viết trong đời sống thường ngày.

Nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, gặp khó khăn khi dùng kỹ năng đọc, viết trong đời sống thường ngày.

"Xin lỗi vì buồn chán ư? Tôi chẳng thấy buồn chán chút nào", "Thông báo này càng khiến tôi tức hơn. Sao họ lại dùng từ đó?", "Họ nên chọn đúng người để viết thông báo xin lỗi", nhiều người tỏ ra bức xúc.

Dòng trạng thái nhanh chóng gây nên một cuộc tranh cãi trên diễn đàn. Dân mạng Hàn Quốc chế giễu nhau vì thiếu kiến thức từ vựng.

Thực tế, Hàn Quốc có tỷ lệ người dân biết chữ là 98%, nghĩa là hầu hết người từ 15 tuổi trở lên đều có khả năng đọc và viết. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người gặp khó khăn khi sử dụng kỹ năng đọc, viết trong cuộc sống hàng ngày.

Trước đó, vào năm 2020, khi chính phủ chỉ định ngày 17/8 làm ngày nghỉ tạm thời sau Ngày Giải phóng 15/8, các hãng truyền thông đã đưa tin rằng cả nước sẽ tận hưởng kỳ nghỉ "Sa-heul", có nghĩa là "3 ngày".

Một số người dân đã nhầm Sa-heul có nghĩa là 4 ngày, vì "sa" trong tiếng Hàn có nghĩa là "bốn". Họ chỉ trích hãng tin đưa thông tin không chính xác.

Một số nhà phê bình cho rằng những sự cố như trên cho thấy người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang thiếu trình độ đọc hoặc viết do dùng nhiều thiết bị kỹ thuật số và xem nội dung video.

Theo khảo sát của Viện Giáo dục đời sống quốc gia Hàn Quốc vào năm 2017, có 9,6 triệu người (chiếm 22% dân số trưởng thành) gặp khó khăn khi sử dụng kỹ năng đọc, viết trong cuộc sống thường ngày.

Sự suy giảm dần khả năng đọc, viết cũng đang xuất hiện ở trẻ em.

 Người trẻ Hàn Quốc không hiểu hết những từ vựng có nguồn gốc Hán tự. Ảnh: iStock.

Người trẻ Hàn Quốc không hiểu hết những từ vựng có nguồn gốc Hán tự. Ảnh: iStock.

Theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), do Viện Giáo trình và Đánh giá Hàn Quốc (KICE) công bố tháng 12/2021, điểm trung bình của học sinh Hàn Quốc trong các môn đọc, Toán và khoa học giảm so với năm 2009. Trong đó, điểm đọc giảm nhiều nhất.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sinh viên gặp khó khăn trong việc xác định thông tin cụ thể trong các câu dài và đoạn văn ngắn.

Shin Ji-young, giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại ĐH Hàn Quốc, nhận xét rằng những cuộc tranh luận trực tuyến này cho thấy khoảng cách ngôn ngữ thế hệ. Trong đó người lớn tuổi thường đổ lỗi cho giới trẻ vì họ không đủ vốn từ vựng.

"Chỉ vì người đó không biết một số từ nhất định, không có nghĩa là họ thiếu kỹ năng từ vựng hoặc trình độ văn hóa nhất định. Thay vào đó, chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn về lý do tại sao người trẻ không biết chúng, đặc biệt là những từ có nguồn gốc từ các ký tự chữ Hán", Shin nói với The Korea Times.

Theo nữ giáo sư, "shim shim" không được người trẻ biết tới nhiều vì nó có nguồn gốc Hán tự, họ quen thuộc hơn với các từ ngữ có nguồn gốc tiếng Anh.

Theo bà Shin, thay vì tham gia những "cuộc tranh luận không hồi kết" về việc ai biết nhiều từ vựng hơn, hoặc đổ lỗi cho nhau vì không biết hết mọi từ, nên tìm kiếm giải pháp bằng cách đo lường thực tế kiến thức từ vựng của mỗi người tùy vào trình độ học vấn của họ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-mang-han-quoc-che-gieu-nhau-vi-mot-tu-dong-am-post1348880.html