Dân mong chờ câu trả lời về dự án BT do ông Nguyễn Đức Chung ký
Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trong đó, lĩnh vực đất đai rất dễ nảy sinh tham nhũng.
Ngày 8/12, báo Tiền Phong đưa tin về buổi tiếp công dân định kỳ với vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì .
Nhiều nội dung bức xúc đã được các công dân kiến nghị tới Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Nổi bật trong những nội dung phản ánh là việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện việc đổi 60 ha đất lấy hạ tầng là 1,6km đường thông qua hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) gây thất thoát tài sản rất lớn của Nhà nước?.
Do đó, công dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền thanh tra toàn diện dự án trên.
Theo phản ánh của công dân, dự án hạ tầng giao thông tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) được thực hiện theo hợp đồng BT, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng) được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư.
Theo Quyết định phê duyệt (ngày 13/2/2017), con đường có tổng chiều dài khoảng 1.650m, mặt cắt 40 m, tổng vốn đầu tư là 1.574,2 tỷ đồng, thực hiện từ quý I năm 2016 và hoàn thành vào tháng 6/2019. Hình thức giao dự án là chỉ định thầu. Quyết định do ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thời điểm đó ký.
Đổi lại, Công ty Vĩnh Hưng được tạo điều kiện khai thác quỹ đất “vàng” với các khu đất khoảng 60 ha.
Các khu đất đối ứng gồm: Khu nhà ở Ao Mơ (cạnh dự án, rộng 22,9 ha), khu di dân tổ 24, 25 (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cạnh dự án, rộng 11,9 ha) và 3 khu đất khác được chủ đầu tư đề nghị bổ sung gồm khu Ao cây dừa (ở quận Thanh Xuân, rộng 0,52 ha), dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (11,9 ha), dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì (khoảng 13 ha).[1]
Đáng nói, đây là dự án đã gặp rất nhiều tai tiếng được báo chí, nhân dân và dư luận phản ánh thời gian qua.
Ngày 02/08/2018, trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đã đăng tải việc Bộ Tài chính có công văn số 8759/BTC-QLCS gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Trong đó có nêu lên rất nhiều dự án bao gồm Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5;
Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. [2]
Ngày 22/7/2019, báo Đại Đoàn Kết đã có bài phản ánh Dự án BT nghìn tỉ chậm tiến độ. Theo người dân phản ánh, trước và sau khi có Quyết định 1082 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Công ty Vĩnh Hưng đã dùng toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án Đầu tư xây dựng đồng bộ kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trên tuyến Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (Dự án Ao Mơ) để đổi lại được khoản vay lớn từ Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh Hà Nội.
Đồng thời Công ty Vĩnh Hưng cũng thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án “Đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy” cho Ngân hàng Việt Á. [3]
Cũng theo thông tin đăng tải trên tờ Tiền Phong ngày 09/12, đến nay tuyến đường chưa vẫn thực hiện xong, nhiều đoạn chưa giải phóng mặt bằng xong...
Thế nhưng, tại các khu đất phê duyệt đối ứng đã xuất hiện các tòa chung cư cao tầng.
Ngoài ra, khu nhà ở Ao Mơ (một phần đối ứng, gần dự án BT) đã được phân lô và rao bán (cả đất nền và chung cư).
Bên cạnh đó, đã xuất hiện các tòa chung cư thương mại... Còn phần đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 (có khu đất đối ứng cho dự án) đang bị người dân khiếu kiện đòi cấp quyền sử dụng đất.
Năng lực của doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” cho Dự án cũng đã bị dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi nghi vấn.
Trên tờ Tiền Phong ngày 25/6/2018 đã đăng tải bài viết "Hé lộ bất ngờ doanh nghiệp làm 1,6 km đường để lấy 60ha đất “vàng”" phản ánh về doanh nghiệp thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5.
Theo thông tin phản ánh, Công ty Vĩnh Hưng có 05 cổ đông sáng lập trong đó có 02 cổ đông là tổ chức và 03 cổ đông là cá nhân.
“Điều đáng nói, Công ty Vimedimex-hiện cổ đông đang nắm giữa cổ phần chính tại Công ty Vĩnh Hưng, DN được Hà Nội giao dự án “khủng” làm hơn 1,6 km đường để đổi lấy 60 ha đất trên, lại DN hoạt động trong ngành dược”, tờ Tiền Phong thông tin.[4]
Có thể thấy, dự án Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 theo hình thức BT đang để lại quá nhiều câu hỏi nghi vấn cho người dân.
Do vậy người dân cần các cơ quan chức năng sớm làm rõ những uẩn khúc trong một dự án BT được đánh giá là “đắt đỏ” và có nhiều nghi vấn như dự án Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5.
Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn. Thế nhưng, đất đai cũng được ví như miếng mồi ngon của các quan chức tham nhũng.
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. [5]
Đảng ta cũng có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng.
Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. [6]
Từ thực tế xử lý những vụ việc thời gian qua, có thể thấy, chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua.
Điều này một mặt cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ngày càng quyết liệt và điểm “đúng huyệt” của nạn tham nhũng. Nhưng mặt khác nó cũng cho thấy việc giám sát phòng ngừa tham nhũng tiêu cực có ý nghĩa quan trọng như thế nào, đặc biệt là giám sát của nhân dân và các cơ quan báo chí.
Qua đó cũng cần phải rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực thi các chính sách về kinh kế-xã hội…
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tienphong.vn/yeu-cau-lam-ro-thong-tin-doi-60ha-dat-lay-1-6-km-duong-o-ha-noi-post1399632.tpo
[2] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=UCMTMP128697
[3] http://daidoanket.vn/du-an-bt-nghin-ty-cham-tien-do-442635.html
[4] https://tienphong.vn/he-lo-bat-ngo-dn-lam-1-6-km-duong-de-lay-60ha-dat-vang-post1039540.tpo
[5][6] https://tuyengiao.vn/tim-hieu-noi-dung-cac-van-kien-dai-hoi-xiii/phong-chong-tham-nhung-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang-134365