'Đàn ngân trong gió': Một góc nhìn khác về chiến tranh
'Đàn ngân trong gió' là những câu chuyện, đề tài chiến tranh viết về những nhân vật của thời hậu chiến, tác giả Từ Nguyên Thạch; hy vọng sự hòa hợp, hòa giải trong gia đình lan tỏa, hướng đến phạm vi dân tộc.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), tác giả Từ Nguyên Thạch ra mắt truyện dài hư cấu Đàn ngân trong gió (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành).
Theo tác giả Từ Nguyên Thạch, Đàn ngân trong gió được ông khởi viết từ 2022 nhưng dừng lại sau khi viết xong 2 chương của tác phẩm.
Đến cuối 2023 tình cờ đọc lại bản thảo và ông quyết định hoàn thành tác phẩm này với tâm nguyện "viết trung thực với lòng mình là được".

Tác giả Từ Nguyên Thạch
Viết từ chuyện của người thân trong gia đình, dòng họ
Đàn ngân trong gió là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh được tác giả Từ Nguyên Thạch chọn theo một lối đi rất riêng.
Tác giả không viết những điều lớn lao như những trận đánh lớn hay chiến dịch quy mô mà là những câu chuyện được chứng kiến, cảm trực tiếp từ chiến tranh và nhân vật là những người thân trong gia đình, dòng họ của ông.
"Họ tham gia cả phía bên này và phía bên kia. Cụ thể, có người đi tập kết ra miền Bắc, có người ở lại tham gia lực lượng du kích địa phương, nhưng ngược lại cũng có người đi lính, làm việc cho phía bên kia.
Là người con trong gia đình, tôi viết về họ một cách chân thật với sự thấu cảm và yêu thương. Nên bạn đọc sẽ thấy trong ngày hòa bình đầu tiên, những người trong dòng họ về bên nhau không có bên nào chiến thắng, mà chỉ có nụ cười và nước mắt. Nụ cười cho người trở về và nước mắt cho người mãi mãi ra đi" – tác giả Từ Nguyên Thạch cho hay.
Qua Đàn ngân trong gió' người đọc cảm nhận cuộc chiến tranh đã đẩy con người đến biên độ của đau thương, nhọc nhằn, tủi nhục. Tác phẩm không chỉ lột tả sự đau đớn của phận người mà còn phơi bày sự phi lý kỳ lạ của chiến tranh.
Là một người dân, sống tại vùng đô thị miền Nam chính vì vậy việc bắt tay thực hiện một tác phẩm về đề tài chiến tranh khiến tác giả Từ Nguyên Thạch nhiều lúc phải e ngại, khó khăn.
Theo tác giả, viết về chiến tranh là một thử thách lớn đối với một người dân chưa một lần cầm súng vì chưa có những trải nghiệm, cảm xúc thật của người lính.
Thêm nữa sống ở một đô thị miền Nam, nên tất nhiên cái nhìn của bản thân sẽ khác với cái nhìn lâu nay về chiến tranh đã được mặc định "ta thắng địch thua".
"Mà viết khác, nói khác về lịch sử “hào hùng” là điều không dễ được chấp nhận, không ai khuyến khích. Mảng đề tài này cũng đã có nhiều nhà văn lớn, trong quân đội, trực tiếp cầm súng viết và họ đã thành công. Nên nếu không khéo, rất dễ gặp thất bại" - tác giả nói.

Tập truyện dài "Đàn ngân trong gió"
Lòng người đang chuyển mình trong ngày đại lễ
Chia sẻ với PLO, tác giả Từ Nguyên Thạch cho rằng cái nhìn về chiến tranh dù muốn hay không cũng ít nhiều có sự khác biệt, nhưng không thể không viết.
"Chiến tranh dù đã qua đi nhưng vết thương của nó để lại trong lòng người còn đó. Viết về chiến tranh không chỉ nói về nụ cười mà còn cả nước mắt nữa. Thà chịu đau để nhìn rõ và bỏ vết thương còn hơn để nó mưng mủ âm ỉ không nguôi.
Tôi dự cảm trong những ngày kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lòng người đang chuyển mình, tay trong tay hướng đến một tương lai hạnh phúc" - tác giả bày tỏ.
Tác giả Từ Nguyên Thạch cũng nhìn nhận rằng chiến tranh đã khép lại lại nửa thế kỷ, đất nước liền một dải. Người Việt mình không còn lý do gì để chia phe thì hãy đọc 'Đàn ngân trong gió' trong tâm thế đó.
Dù đã nửa thế kỷ trôi qua (1975-2025) những vết thương trong chiến tranh đến nay vẫn chưa lành. Thật ra, ở một góc độ nhỏ gia đình, họ hàng của tôi vết thương đã lành lâu rồi. Mọi hận thù, hiểu lầm đã tiêu tan.
Mọi người cùng bắt tay xây dựng tương lai trong tình yêu thương, bù đắp cho những ngày chiến tranh mất mát. Tôi mong sự hòa hợp, hòa giải trong từng gia đình sẽ lan tỏa, hướng đến phạm vi dân tộc, đất nước.
Tác giả Từ Nguyên Thạch
Từ Nguyên Thạch sinh năm 1956, quê quán Thừa Thiên Huế. Năm 1975, ông vào Sài Gòn học, làm việc và sinh sống cho đến nay. Năm 1983, ông làm biên tập cho tạp chí Văn Hóa Sông Bé, Văn Nghệ Sông Bé. Năm 1991, ông chuyển về báo Người Lao Động, rồi sang báo Pháp Luật TP.HCM và hiện nghỉ hưu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-ngan-trong-gio-mot-goc-nhin-khac-ve-chien-tranh-post847471.html