Đàn ông có 'ổn' không?
Bà lão 75 tuổi quẩy gánh rau đi chợ từ sớm. Gần trưa, bà thất thểu trở về nhà, một nửa gánh rau cũng về theo. Hôm ấy rau nhiều giá rẻ, người ta trả giá thấp hơn giá mà ông định ra cho bà trước khi đi chợ, nên bà có muốn bán rẻ hơn cũng không dám, đành mang rau về. Ông nhìn chỗ rau ế, rồi lại nhìn bà. Ông điên tiết, rồi ông đánh bà, rồi ông chán đời, ông lại uống rượu…
Câu chuyện tôi từng chứng kiến ngày bé ở quê, cho đến bây giờ vẫn làm tôi ám ảnh. Lúc ấy tôi chỉ thấy thương bà lão, thấy ghét ông lão tàn nhẫn và riết róng. Nhưng đến bây giờ thì tôi hiểu, ông lão, hay nói rộng ra là những người đàn ông cũng có nỗi khổ của riêng mình. Tuy đóng vai trò trụ cột gia đình, tuy được thể hiện quyền uy, nhưng bản thân họ cũng rơi vào buồn chán và bế tắc…
Áp lực "người đàn ông đích thực"
Ngày 8-3, đã thành quen, cả xã hội tập trung công nhận sự cố gắng, sự hy sinh của phụ nữ, động viên, khuyến khích họ tiếp tục thể hiện thiên chức của mình. Vì từ xưa đến nay, phụ nữ được mặc định là giới phải chịu thiệt thòi, đang bị thụt lùi phía sau. Những nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu về giới cũng tập trung vào đối tượng là nữ giới, giải quyết những vấn đề của nữ giới. Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc nam giới đang rất ổn?
Thực tế, nam giới không ổn như mọi người vẫn tưởng, họ đã và đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý, tinh thần. Là phái mạnh - nam giới không dễ chia sẻ những khúc mắc của mình với người khác. Điều đó khiến vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn, kéo theo mối quan hệ của họ với phụ nữ cũng căng thẳng hơn, bạo lực gia đình tăng cao hơn. Và theo khảo sát thì trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tình trạng này càng trở nên trầm trọng.
Vậy nguyên nhân sâu xa của sự không ổn đó là gì? Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì ở Việt Nam từ xưa đến nay duy trì một hình mẫu chuẩn của người đàn ông đích thực: Về sự nghiệp thì phải có vị trí cao, có bằng cấp cao, có tay nghề cao. Với gia đình, phải lấy vợ và sinh con, là trụ cột gia đình, phải đủ tiền để lo cho vợ con. Về sinh lực, phải có khả năng tình dục cao, biết uống rượu bia, luôn hào phóng và chở che cho phụ nữ.
"Con đường đi đến bình đẳng giới là con đường rất đặc biệt mà độ dài không đo bằng khoảng cách vật lý, mà có thể đo bằng những trở ngại, thách thức được đặt ra bởi sự thiếu biểu biết, thờ ơ, ngăn cản của rất nhiều người.
Những thay đổi gần đây cho thấy phụ nữ không còn độc hành trên con đường đó. Nam giới là người đồng hành cùng phụ nữ đi đến bình đẳng giới, thành công và hạnh phúc của mỗi người. Đi cùng nhau từ gia đình đến ngoài xã hội, phụ nữ, nam giới và cả những giới khác nữa sẽ đến đích nhanh hơn" - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)
Về năng lực và tính cách: phải có cơ thể khỏe mạnh, tính cách mạnh mẽ dám nghĩ dám làm, biết sử dụng công nghệ hiện đại, không để bản thân và gia đình thua kém người khác. Việc đạt được những chuẩn mực này sẽ giúp nam giới duy trì được vị thế cao hơn so với phụ nữ trong trật tự giới. Từ bé, bé trai đã được dạy, được định hướng đến những chuẩn mực này, không được khóc, ăn to nói lớn. Thậm chí từ nhỏ chúng đã thấy bố đánh mẹ, quát mẹ để thể hiện uy quyền.
Nhưng chính những tiêu chí quá cao về chuẩn nam tính truyền thống đã tạo áp lực không hề nhỏ cho nam giới, buộc họ phải tuân thủ và nỗ lực không ngừng để hướng tới. Khi mà người đàn ông không phải là người có thu nhập chính, trong khi anh ta lại đang được trông đợi phải là trụ cột thì gánh nặng ấy không dễ mang. Theo thống kê, có gần ¼ số nam giới được phỏng vấn bởi nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2019 nói rằng họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.
Cũng giống như chuyện ông chồng trong câu chuyện phía trên. Ông áp đặt cả giá của một mớ rau trước khi cho vợ đi chợ bán để kiểm soát việc chi tiêu của bà. Để đến khi bà vợ mang rau ế trở về thì ông cáu bẳn và bất lực khi sự thống trị của ông trong gia đình gây ra những tác dụng ngược. Áp lực trụ cột gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nam giới khi họ thấy chán nản, thất vọng về bản thân và có ý định kết thúc cuộc đời. Có đến 5,43% số nam giới tuổi từ 18-29 từng nghĩ đến việc tự sát khi rơi vào tình trạng này.
Việc theo đuổi dài hơi những chuẩn nam tính truyền thống đã khiến người đàn ông phải trả giá rất đắt. Khi họ coi trọng các mối quan hệ ngoài xã hội, giao du nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá, coi thường sức khỏe, chưa từng đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh mãn tính. Hệ quả của việc uống rượu bia là tai nạn giao thông, là mất đi mạng sống, khuyết tật cơ thể, trở thành gánh nặng trong gia đình.
Không ít nam giới cho rằng vợ/ người yêu không nên trang điểm và ăn mặc nổi bật để thu hút người khác, rằng phụ nữ phải như thế nào thì mới bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục. Trong khi việc họ có nhiều bạn tình là điều bình thường, dẫn đến việc mắc các bệnh lây truyền, trong đó có HIV không phải là hiếm.
Họ cho rằng, họ có quyền đánh đập, quát mắng, áp đặt, thậm chí kiểm soát vợ, con mình. Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 thì có đến 63% phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong bốn hình thức bạo lực: về thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. Bạo lực đặc biệt thường đến từ người bạn đời hoặc người chồng của mình. Điều đáng buồn là nhiều nam giới cho rằng họ có lý do chính đáng khi sử dụng bạo lực.
Như vậy, chính những chuẩn nam tính đã gây ra bất bình đẳng giới. Và bất bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ, mà của chính các đấng mày râu.
Những lệch chuẩn tích cực
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chỉ ra rằng, hiện nay những chuẩn mực về nam tính đang có dấu hiệu suy yếu, lệch chuẩn - nhưng là những lệch chuẩn tích cực để thúc đẩy bình đẳng giới.
Dấu hiệu lệch chuẩn tích cực xuất hiện chủ yếu ở nhóm những người đàn ông trẻ, sống ở đô thị, di chuyển nhiều, tiếp cận toàn cầu hóa, dẫn đến việc ít bị phụ thuộc vào hình mẫu người đàn ông đích thực. Nam giới độ tuổi 18-29 ở đô thị tham gia nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ nhiều hơn nam giới ở các độ tuổi khác và nam giới ở nông thôn. Khoảng 60% nam giới trong nghiên cứu nói rằng cả hai vợ chồng cùng đóng góp vào việc chăm sóc con cái và người cao tuổi. Họ cũng chia sẻ quyền quyết định với vợ nhiều hơn, bàn bạc nhiều hơn. Lý do của sự thay đổi này có thể do nam giới đã đánh giá cao đóng góp kinh tế của phụ nữ cho gia đình, do vậy họ thấy cần hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế bằng cách chia sẻ việc nhà.
Rất nhiều nam giới chia sẻ rằng khi họ không quá coi trọng vấn đề trụ cột, trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ, khi đó họ sẽ bớt đi những áp lực cho bản thân. Việc bàn bạc mọi chuyện với vợ giải phóng cho họ áp lực phải đưa ra quyết định một mình. Khi vợ chồng cùng làm việc nhà thì cả hai sẽ vui vẻ hơn, thoải mái hơn. Chính việc nam giới tự dịch chuyển khỏi những chuẩn mực truyền thống đã cải thiện chất lượng sống của nam giới, giải phóng nam giới khỏi những ràng buộc đã khắc chế họ. Đồng thời thúc đẩy, cải thiện mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới, từ đó người phụ nữ sẽ hạnh phúc hơn.
Không ai khác, nam giới sẽ đưa chính họ thoát khỏi những nỗi khổ của họ bằng cách cởi bỏ những quan niệm cũ, những áp lực, chuẩn mực cứng nhắc. Vấn đề đặt ra là liệu nam giới có sẵn sàng dịch chuyển hay không, bởi đây là một quá trình không hề dễ dàng. Mấy tháng trước, chị bạn tôi gọi cho tôi khoe rằng, sau rất nhiều năm chồng chị không cho chị học lái ô tô thì giờ anh đã đồng ý. Tôi nghĩ thầm, chắc hẳn anh ta đã có "sự dịch chuyển tích cực" khi tâm lý hơn, thoải mái hơn với vợ. Nhưng cách đây mấy ngày, chị gọi cho tôi, giọng buồn thiu. Tưởng chị đã có bằng lái ô tô, đã có thể tự do đi bất cứ đâu chị thích. Nhưng không phải, chồng chị chỉ cho phép chị sử dụng xe trong trường hợp anh ta đi uống rượu say và cần người đón về nhà. Thành ra, chị bây giờ còn bị ràng buộc, bí bách hơn cả lúc chưa biết lái xe. Thế mới thấy, nhiều khi, sự thay đổi chỉ ở bề mặt mà chưa thực sự ở tầng sâu.
Ngày 2-3 vừa qua tại Hà Nội lần đầu tiên có một diễn đàn quốc gia về "Nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới". Sự kiện do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Mạng lưới Phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới (GBVNet) tổ chức với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia.
Tại đây, những quan niệm tích cực về nam tính được đưa ra để làm thay đổi những chuẩn mực giới cứng nhắc, giúp nam giới cởi bỏ những áp lực và tích cực tham gia vào những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới ở Việt Nam. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã thống nhất thành lập Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới ở Việt Nam.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dan-ong-co-on-khong-634639/