Đàn ông sợ nhất là bị mất... mặt
Một trong những điều đàn ông cực kỳ coi trọng chính là thể diện. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà điều ấy bị 'bào mòn' đi, lâu dần họ cũng chẳng cần, thậm chí chẳng có nhu cầu thể hiện bản thân nữa. Mỗi lúc cần bàn luận, quyết định chuyện gì, những câu đại loại như 'tùy', hay 'muốn làm gì thì làm' rất dễ dàng được thốt ra.
Huyền năng động và tự chủ, là người cá tính mạnh mẽ. Những điều đó đã thu hút, khiến An mê cô như điếu đổ khi cả hai học chung trường sư phạm. Trong lúc bạn bè hằng tháng phải trông chờ phụ cấp từ gia đình, thì Huyền đã biết sắp xếp để đi làm thêm, thu nhập rủng rỉnh.
Ra trường chẳng cần phải chạy vạy xin việc đúng ngành, Huyền được nhận về làm công tác truyền thông cho một bệnh viện tư nhân, rồi còn tranh thủ thêm việc chăm sóc truyền thông cho vài trường mầm non trong thành phố nữa.
Lối sống khoa học và nền nếp, mọi việc vào tay Huyền đều vận hành trơn tru, hiệu quả. Thế nên tự bao giờ, trong nhà cô là người có vai trò quan trọng quyết định từng việc lớn nhỏ. Từ chuyện mua đất, xây nhà, thuê thiết kế ra sao, trồng hoa, cây cảnh thế nào… đến việc cho con học ở đâu, học thêm môn gì, đi chơi dịp nào... Quen độc lập tự chủ, nên Huyền luôn xác định tâm thế chủ động lo toan thu vén.
An là giáo viên, an phận với cuộc sống giản dị, ít đua tranh, tính việc gì cũng rất cẩn trọng. Mà nhiều khi cẩn thận quá cũng dở, lúc quyết được thì đã vuột mất cơ hội. Thành ra Huyền cứ phải xông pha là vì thế.
Chuyện "vợ làm chủ" lắm cái hay, nhưng cũng không ít điều dở. Dở nhất là nó khiến An thấy mình ngày càng như đứa trẻ con to xác trong nhà. Cái cảm giác thua kém vợ làm An nảy sinh tâm lý bỏ mặc. Từ lúc nào anh chẳng cần bận tâm đến vai trò trụ cột nữa.
Anh không phụ giúp chuyện bếp núc, bởi mấy lần nấu không đúng vị bị Huyền càu nhàu. Cây cối anh cũng chẳng ham tưới nữa, vì vài lần làm vương đất cát ra nền nhà phải nghe Huyền gắt gỏng. Là giáo viên, anh biết rõ năng lực của con, đưa ra định hướng học tập, nhưng vợ một mực bảo vệ quan điểm "điều gì cũng có thể, ai cũng có thể"… nên nhiều khi ép uổng con trẻ.
Cô ôm hết việc vào người, tay làm miệng nói không ngớt. Những lúc bực bội la rầy con cái, Huyền xiên xỏ sang cả chồng khiến An nhiều lúc chán nản, làm gì cũng tùy ý vợ cho lành.
Chẳng phải lo toan như Huyền, nhưng Hòa là mẫu phụ nữ luôn quan trọng hóa vấn đề, và cũng thường bi kịch hóa mọi chuyện. Lúc nào cô cũng sợ không có cô thì nhà cửa sẽ rối tung, chồng con sẽ đói mốc mép. Mỗi lần phải đi công tác, Hòa bận rộn "chỉ đạo" từ xa cho chồng con đủ thứ việc.
Chồng Hòa làm mảng thị trường cho một công ty du lịch, anh còn cùng bạn đầu tư mở cửa hàng ăn uống, rồi làm trung gian buôn bán đất, xe hơi… cũng thuộc hàng "đầu có sỏi" chứ khờ khạo gì. Vậy nhưng lúc nào cũng thấy Hòa loay hoay, nghĩ ngợi, lo chồng sa ngã. Cô chi li từng khoản thu nhập của chồng, bù đầu tính toán lãi lời.
Chồng Hòa làm ngoài nên cung cách giao tiếp khác với dân hành chính nhà nước như cô, nhưng Hòa thì cứ mang chuẩn mực công sở ra để hướng chồng phải giống anh nọ, phải cư xử như anh kia. Những sự so sánh khập khiễng khiến chồng cô nhiều khi phát cáu.
Việc ở công ty, chuyện kinh doanh, buôn bán lấy hết thời gian của anh, trong số đó có rất nhiều cuộc nhậu. Anh cũng đã nhiều lần phân tích, rằng việc ăn uống, nhậu nhẹt chẳng phải nghiện ngập rượu chè gì, đơn thuần là quan hệ đối tác. Đàn ông thiết lập mối thâm tình cũng có chút khác biệt như thế.
Nghe vậy, nhưng Hòa vẫn thấy khó chấp nhận. Lắm khi gặp gỡ bạn chồng, cô ý tứ xỏ xiên, trách cứ chồng ham vui, bê tha... Vợ chồng căng thẳng lời qua tiếng lại, không biết do Hòa vô tư hay cố tình không hiểu, cô cư xử như thế là thiếu tôn trọng bạn chồng, khiến anh mất mặt.
Làm bảo vệ cho một doanh nghiệp may mặc, Hải chẳng quá lo chuyện kinh tế. Được cha mẹ cho thừa kế đất đai, cũng là người biết nhìn xa trông rộng, anh đầu tư xây được mấy dãy phòng trọ cho thuê, mỗi tháng thu về hơn chục triệu đồng. Là tay hòm chìa khóa, vợ Hải là người khá căn cơ. Các khoản chi tiêu hằng tháng đều được cô lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng.
Lắm hôm nhà có khách, bạn bè lâu lâu mới gặp, Hải muốn bày vẽ tí để anh em lai rai. Vợ anh tính toán thấy phát sinh chi phí nên cũng chỉ sửa soạn đơn giản nhất có thể, với thái độ hờ hững được chăng hay chớ. Đàn ông "sang vì vợ", nhưng nhìn cách cô đối đãi như thế ai còn muốn đến chơi?
Kinh doanh phòng trọ, phòng này hỏng vòi nước, phòng kia cần thay bóng đèn, muốn đóng vài cái đinh… mọi người hay nhờ cậy Hải vì anh luôn sẵn dụng cụ và cũng rất nhiệt tình. Sự tận tâm của Hải đã khiến khách trọ quý mến, về quê hay đi chơi đâu xa cũng đều có đặc sản đem tặng.
Ai trong nhà ốm đau gì mọi người cũng đều thăm hỏi chu đáo… Vậy nhưng nhiều lúc đang làm dở mà tới giờ cơm, gọi vài lượt không thấy là vợ anh chạy xuống quát tháo ầm ĩ khiến Hải phát ngượng, khách thuê cũng khó xử.
Thực tế đã chứng minh rằng, không chỉ phụ nữ mới yêu bằng tai, mà đàn ông cũng vậy, thậm chí còn nhiều hơn. Đang trong cơn nóng giận, nghe được những câu nói dịu dàng nũng nịu, tâm tính đàn ông mềm ra liền.
Danh dự, thể diện là thứ đàn ông quý trọng, bản năng của họ là cầm cương, làm cây tùng cây bách, thì cớ gì phụ nữ cứ phải gồng lên lo toan. Đừng đánh mất vai trò trụ cột và trách nhiệm của họ dành cho gia đình, phụ nữ chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tam-su/dan-ong-so-nhat-la-bi-mat-mat-20200317120411784.htm