Đàn ông Trung Quốc mong kết hôn, phụ nữ thì không

Trong khi nam giới xứ tỷ dân ở các thành phố nhỏ vẫn giữ quan điểm hôn nhân truyền thống, ngày càng nhiều cô gái chọn sống độc thân, chờ người phù hợp chứ không vội lấy chồng.

Khảo sát trên 3.000 người trẻ sống ở 68 quận tại Trung Quốc do ứng dụng hẹn hò Tantan thực hiện cho thấy nam và nữ giới ở thành phố nhỏ, vùng nông thôn có quan điểm đối lập về tình yêu và hôn nhân, theo Sixth Tone.

Cụ thể, 60% đàn ông được hỏi khẳng định "sẽ lấy vợ khi đến một độ tuổi nhất định", trong khi tỷ lệ đó ở phụ nữ ít hơn nhiều.

65% nữ giới bày tỏ thái độ ít quan tâm tới việc kết hôn, chỉ lấy chồng khi có mối quan hệ yêu đương lâu dài. 41% còn nói họ "thà cô độc" còn hơn sống với người bạn đời không như ý.

 Đàn ông ở các thành phố nhỏ tại Trung Quốc vẫn giữ quan điểm truyền thống về hôn nhân, trong khi ngày càng nhiều phụ nữ muốn sống độc thân. Ảnh: New York Times.

Đàn ông ở các thành phố nhỏ tại Trung Quốc vẫn giữ quan điểm truyền thống về hôn nhân, trong khi ngày càng nhiều phụ nữ muốn sống độc thân. Ảnh: New York Times.

Thực tế, nữ giới độc thân ở xứ tỷ dân từ lâu đã phải chịu nhiều điều tiếng, mang danh phận "thặng nữ" (phụ nữ còn sót lại) và thường bị gia đình trách móc.

Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các thành phố nhỏ, vùng nông thôn, nơi cộng đồng gắn bó chặt chẽ và kém cởi mở hơn các đô thị lớn.

Theo khảo sát trên, 43% người thuộc thế hệ Millennials nhấn mạnh quê hương họ không chấp nhận xu hướng sống độc thân. Một nửa số họ thường phải tham gia các buổi xem mắt do gia đình sắp xếp.

Tuy nhiên, người trẻ xứ tỷ dân vẫn sẵn sàng lựa chọn lối sống đơn độc. Dữ liệu từ Bộ Dân sự Trung Quốc cho biết dân số độc thân ở nước này có chiều hướng tăng suốt nhiều năm, chạm mốc 240 triệu người chưa lập gia đình vào năm 2018.

 Cơ hội học tập, làm việc rộng mở và sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò cho phép phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn trong việc hẹn hò, kết hôn. Ảnh: Wall Street Journal.

Cơ hội học tập, làm việc rộng mở và sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò cho phép phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn trong việc hẹn hò, kết hôn. Ảnh: Wall Street Journal.

Jiang Yunfei, phó giáo sư nghiên cứu về giới tại ĐH Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, khẳng định quan niệm hôn nhân của phụ nữ thành thị và nông thôn đang dần có điểm tương đồng.

"Nhiều cô gái nhận ra ý niệm hôn nhân truyền thống mang tính bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Ngày nay, họ có nhiều cơ hội học tập, làm việc hơn nên không còn cần dựa vào nam giới để đảm bảo cuộc sống", bà Jiang nói.

Ngược lại, hầu hết nam giới sống ở các vùng nông thôn vẫn giữ tư tưởng lấy sự nghiệp làm trọng, coi hôn nhân như hình thức bắt buộc khi đến tuổi trưởng thành.

"Nếu nam giới không thay đổi thái độ với hôn nhân, tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm và không cổ vũ phụ nữ lập gia đình", phó giáo sư giải thích.

Khảo sát do Tantan thực hiện cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của các ứng dụng kết đôi với xu hướng này. Dù không sống ở các thành phố lớn, người trẻ vẫn có thể mở rộng vòng bạn bè, tìm kiếm đối tượng mà không cần dựa vào sự giới thiệu từ gia đình.

Hơn 66% thanh niên được hỏi đồng tình rằng "app hẹn hò là cách hiện đại hơn để kết bạn", gần 31% cho biết họ tìm được nửa kia thông qua hình thức này.

Wang Yunchu (25 tuổi) kể với Sixth Tone cô bắt đầu sử dụng ứng dụng kết đôi thường xuyên hơn khi chuyển về quê nhà ở tỉnh An Huy sau nhiều năm làm việc ở Thượng Hải.

"Khi còn ở thành phố lớn, tôi có cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu dành cho người độc thân như đi tập thể dục, dã ngoại hay thăm bảo tàng. Nhưng giờ về quê, tôi chỉ có thể phụ thuộc vào sắp xếp của gia đình để gặp người mới", cô chia sẻ.

Wang cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục đi xem mắt nhưng không hề tìm thấy điểm chung với bạn hẹn. Dù không thích hẹn hò với đối tượng trên mạng, cô buộc phải làm vậy để sớm thoát cảnh kết đôi sắp đặt.

"Ít nhất tôi có thể theo dõi hồ sơ, lựa chọn người mình thích theo ý muốn cá nhân. Tôi chưa gặp được người nào phù hợp trên ứng dụng hẹn hò, song cảm thấy khá lạc quan với hình thức này", cô gái trẻ nói.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-trung-quoc-mong-ket-hon-phu-nu-thi-khong-post1212550.html