Đàn ông Trung Quốc ngại lấy vợ vì sợ bị 'hét giá' sính lễ
Trước tình trạng thách cưới quá cao của gia đình cô dâu, ngày càng nhiều đàn ông Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, xem việc lấy được vợ là điều xa vời.
Ngày 8/10, tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), đoạn video ghi lại cảnh một chú rể đến nhà gái rước dâu trong sự reo hò, cổ vũ được lan truyền trên mạng. Theo phong tục, nhà gái sẽ chặn cửa, không cho vào, chú rể phải đưa một bao lì xì mới có thể đi qua.
Tuy nhiên, dù bên trong chứa tới 18.000 NDT (2.600 USD), bao lì xì của chú rể vẫn bị mẹ cô dâu chê ít, ngăn không cho tân lang vào đón dâu. Trước đó, chàng trai đã chi khoảng 800.000 NDT (119.000 USD) để mua quà cưới, sính lễ cho nhà gái.
“18.000 NDT vẫn ít quá, không đủ tiêu chuẩn làm con rể tôi”, bà thẳng thừng.
Chú rể ngại ngùng, lúng túng. Một số người nói đỡ, rằng không nên làm lỡ ngày vui. Tuy nhiên, bà mẹ vẫn kiên quyết. Cuối cùng, chú rể phải nhờ người nhà về lấy thêm 10.000 NDT mới thành công đưa được vợ đi.
Không chỉ gây tranh cãi về thái độ của gia đình cô dâu, đoạn video còn cho thấy tình cảnh chung của nhiều đàn ông Trung Quốc. Tiền quà cáp, sính lễ, thách cưới quá cao từ phía nhà gái khiến hàng triệu nam giới độc thân nước này chật vật kiếm vợ.
Không sính lễ, không gả con
Theo truyền thống Trung Quốc, nhà trai trước khi kết hôn sẽ chuẩn bị một số quà tặng nhà gái như tiền bạc, trang sức, đồ gia dụng, súc vật… bên cạnh tiền thách cưới.
Tuy nhiên, số tiền thách cưới mặt bằng chung ngày càng cao là vấn đề khiến nhiều gia đình có con trai đau đầu. Ở một số địa phương, nếu nhà trai chỉ có một người con, nhà gái sẽ không đòi nhiều sính lễ. Song nếu nhà trai có 2 người con trai, nhà gái sẽ "không khách khí", có thể đòi bao nhiêu thì đòi bấy nhiêu.
Theo cuộc khảo sát trực tuyến của một trang web mai mối Trung Quốc, gần 80% đàn ông độc thân coi tiền thách cưới cao là không thể chấp nhận được.
Tháng 6/2013, “bản đồ” giá thách cưới ở đất nước tỷ dân lần đầu được Sina đăng tải. Theo đó, tiền thách cưới cao nhất là ở Thượng Hải, bao gồm một căn nhà và 100.000 NDT (14.900 USD).
Tại tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tây và Thanh Hải vào khoảng 500.000 NDT (gần 75.000 USD); Sơn Đông, Hồ Nam, Chiết Giang có "giá chung" là 100.000 NDT (14.800 USD), con số tương đối cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân nước này, theo ThinkChina.
Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2014, tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của công dân thành thị là 27.000 NDT (4.020 USD) và 8.900 NDT (1.300 USD) đối với người ở nông thôn.
Như vậy, nếu bị nhà gái thách cưới 100.000 NDT, một chàng trai thành thị Trung Quốc phải tiết kiệm tiền trong khoảng 4 năm, còn anh chàng ở nông thôn phải tốn hơn 12 năm, chưa kể các loại phí khác.
Đến các năm gần đây, tiền thách cưới đã tăng gấp đôi ở nhiều vùng nông thôn trong khi thu nhập hàng năm chỉ tăng nhẹ. “Không đủ tiền thách cưới, không gả con” dường như là bức tranh tổng quát về thị trường hôn nhân ở Trung Quốc.
Tình trạng thách cưới “cắt cổ” còn là nguyên nhân gây ra nhiều sự việc đau lòng ở đất nước tỷ dân.
Năm 2017, cuộc tranh cãi về món quà đính hôn đã khiến một chú rể ở tỉnh Hà Nam tức giận, giết vợ ngay trong đêm tân hôn. Gia đình anh đã phải gánh khoản nợ gần 45.000 USD để lo số tiền thách cưới 16.300 USD và trang trải chi phí tiệc cưới.
Trước đó 2 năm, chàng trai tên Xiao Lei, sống tại tỉnh An Huy, bị nhà bạn gái thách cưới và tiền sính lễ khoảng 30.000 NDT (gần 4.500 USD) kèm một điện thoại iPhone cho mỗi thành viên trong gia đình.
Sau khi nỗ lực đáp ứng các yêu cầu, nhà nửa kia lại yêu cầu Xiao mua thêm rượu, thuốc lá cùng 20.000 NDT nữa. Quẫn trí, Xiao đã tự sát. Sau khi bố mẹ anh đâm đơn kiện, nhà gái đã trả lại tiền mặt song giữ lại trang sức, điện thoại.
Vòng luẩn quẩn
Theo nhiều chuyên gia, áp lực xã hội và vấn đề nhân khẩu học là các nguyên nhân sâu xa thúc đẩy tình trạng thách cưới “cắt cổ” ở Trung Quốc.
Chính sách một con được chính phủ đất nước tỷ dân áp dụng từ năm 1979 đến 2015 đã để lại hậu quả khôn lường, rõ rệt nhất là sự chênh lệch giới tính khi nhiều gia đình chỉ muốn sinh con trai.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia về những người trên 15 tuổi chưa kết hôn vào năm 2017, có 4.625 nam trên 3.060 nữ ở Trung Quốc, tương đương tỷ lệ nam/nữ là 1,5/1. Năm 2018, số nam giới nhiều hơn nữ khoảng 34 triệu người, theo The Post.
Tồi tệ hơn, tình trạng khan hiếm phụ nữ ở nông thôn do chính sách sinh đẻ càng làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn: vùng nào càng nghèo thì tiền thách cưới càng cao.
Bên cạnh đó, sự phân chia hộ khẩu theo thành thị - nông thôn khiến ngày càng có nhiều đàn ông ở các vùng quê và phụ nữ ở thành phố lớn chưa lập gia đình.
Các cuộc hôn nhân không thành vì gánh nặng tài chính còn gây áp lực lên vấn đề nhân khẩu học ở Trung Quốc, khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Để giải quyết vấn đề này cũng như giảm áp lực tài chính cho các gia đình có con trai, đầu năm 2019, chính quyền thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, đã ra quy định “mức trần” quà thách cưới.
Theo đó, tiền hoặc tài sản do nhà trai tặng gia đình cô dâu không được vượt quá 8.900 USD tại khu vực thành thị và 7.400 USD tại ngoại ô và nông thôn.
Quy định này cũng yêu cầu các gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới với tối đa 15 mâm cỗ. Chi phí đồ ăn tại các đám cưới cũng không được vượt quá 90 USD tại thành thị và 45 USD tại nông thôn cho mỗi mâm cỗ. Những người tiếp tục nhận quà hứa hôn đắt tiền sẽ bị nêu tên công khai và chính quyền sẽ ngăn cản đám cưới.
Trong khi đó, chính quyền một khu phố cũng ở tỉnh Hà Nam giới hạn tiền thách cưới ở mức 20.000 NDT (2.900 USD), những người trả hoặc nhận nhiều hơn số tiền đó sẽ bị báo cảnh sát vì tội buôn người.