Đàn ông Trung Quốc tự triệt sản, theo đuổi lối sống 'thu nhập gấp đôi, không con cái'
Trong khi chính phủ Trung Quốc tìm cách tăng tỉ lệ sinh đẻ vốn đang giảm sút, thì nhiều công dân thiên niên kỷ ở nước này đang theo đuổi lối sống được gọi là DINK - 'Double Income, No Kids' (Thu nhập gấp đôi, không con cái).
Huang Yulong không bao giờ muốn có con. Khi còn nhỏ, anh đã oán giận cha mẹ mình, những người đã để anh lại cho ông bà rồi bỏ đi làm trong các nhà máy xa xôi, mỗi năm chỉ về thăm con một lần. Anh không bao giờ cảm thấy cần phải sinh con để kế thừa dòng giống gia đình.
Vì vậy, năm 26 tuổi, Huang đã thắt ống dẫn tinh. “Với thế hệ chúng tôi, con cái không còn quan trọng. Bây giờ chúng tôi có thể sống mà không có bất kỳ gánh nặng nào. Vậy tại sao không đầu tư vào các nguồn lực kinh tế và tinh thần cho chính cuộc sống của mình?”.
DINK- xu hướng mới ở Trung Quốc
Năm nay 27 tuổi, Huang Yulong đang phấn đấu cho một lối sống được gọi là “Thu nhập gấp đôi, Không con cái”, viết tắt theo tiếng Anh là “DINK”. Từ viết tắt này đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ, nhưng chỉ gần đây mới trở thành xu hướng phổ biến ở Trung Quốc, nơi chi phí gia tăng và các vấn đề kinh tế khác đã khiến nhiều người trẻ né tránh làm cha mẹ. Một số cặp vợ chồng nói họ không muốn có nhiều hơn một đứa con. Số khác không muốn sinh con luôn.
Lối sống DINK đang xung đột trực tiếp với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Ngày 31/5, Bắc Kinh đã một lần nữa thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các gia đình có ba con, thay vì hai.
Thông báo này nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, nhưng những người đàn ông như Huang nói rằng họ thà không có con, thậm chí phải phẫu thuật để đảm bảo điều đó.
Ngày nay ở Trung Quốc, một số công ty bảo hiểm đã tiếp cận trực tiếp các gia đình theo xu hướng DINK. Các đại lý mời chào dịch vụ của họ cho những người đàn ông và phụ nữ độc thân không có con. Các đại lý nhà ở thì chào mời căn hộ dành cho những cặp vợ chồng không con cái. Phòng ngủ vốn được dùng cho trẻ được chuyển thành phòng tập thể dục.
Đảo ngược chính sách dân số
Mặc dù quyết định thắt ống dẫn tinh của Huang Yulong có vẻ cực đoan, nhưng các nhà nhân khẩu học từ lâu đã cảnh báo rằng số người Trung Quốc lựa chọn không sinh con ngày càng tăng là nguyên nhân chính khiến dân số nước này ngày càng thu hẹp. Theo điều tra dân số mới nhất, quy mô gia đình trung bình hiện nay ở Trung Quốc là 2,62 người/hộ, giảm so với mức 3,1 vào năm 2010.
Huan Yulong kiếm được 630 USD mỗi tháng nhờ công việc sửa điện thoại di động. Anh cho biết quyết định của anh chủ yếu liên quan quá khứ sống thiếu bố mẹ cũng như thiếu cơ hội kinh tế. Bố mẹ Huang là công nhân nhà máy ở Quảng Đông và hiếm khi về quê ở Hồ Nam thăm anh. Họ chưa bao giờ gắn bó với con, kể cả khi Huang là đứa con duy nhất.
“Nếu tôi kết hôn và sinh con, tôi sẽ vẫn thuộc tầng lớp dưới. Lúc đó tôi cũng có thể để con ở nhà giống như cha mẹ mình, nhưng tôi không muốn điều đó”, Huang nói.
Năm 14 tuổi, Huang cũng rời Hồ Nam để tìm việc ở Quảng Đông. Sau đó anh yêu một phụ nữ muốn có con và chật vật để dành dụm cho một đời sống gia đình. Cuối cùng họ chia tay, và vào tháng 6/2019, Huang đến bệnh viện ở Quảng Châu xin làm triệt sản nam. Anh coi đó là món quà sinh nhật cho bản thân.
Ngoài Huang, phóng viên tờ New York Times đã nói chuyện với hai người đàn ông Trung Quốc khác cũng chủ động thắt ống dẫn tinh. Cả hai đều yêu cầu giấu tên vì họ không cho gia đình và bạn bè hay biết về cuộc phẫu thuật.
Lựa chọn triệt sản tự nguyện, đặc biệt là khi một thanh niên chưa lập gia đình, vẫn được coi là điều cấm kỵ về mặt văn hóa trong xã hội gia trưởng của Trung Quốc. Ở nhiều thành phố, bác sĩ yêu cầu phải nộp giấy chứng nhận kết hôn và sự đồng ý của bạn đời.
Hầu hết người dân Trung Quốc đã nghe nói đến triệt sản trong thời kỳ chính sách dân số trước đây giới hạn mỗi hộ gia đình chỉ có một con. Thời đó, chủ yếu phụ nữ bị buộc triệt sản, nhưng trong một số rất ít trường hợp đàn ông cũng bị buộc thắt ống dẫn tinh.
Thông báo về chính sách ba con của chính phủ Trung Quốc trong tuần này là nỗ lực mới nhất nhằm đảo ngược chính sách cũ, nhưng một số nam giới lại đang tự mình tìm đến biện pháp này. Họ nói rằng một phần lý do là muốn chia sẻ gánh nặng tránh thai với bạn đời khi cả hai cùng theo đuổi lối sống DINK.
Anh Jiang, một huấn luyện viên cá nhân 29 tuổi sống ở tỉnh Phúc Kiến, cho biết anh đã tìm cách thắt ống dẫn tinh ở khoảng 6 bệnh viện và đều bị tất cả từ chối. Lý do là Jiang không thể cung cấp “chứng chỉ kế hoạch hóa gia đình”, một văn bản chính thức nêu rõ tình trạng hôn nhân và số con của một người. “Họ từ chối làm cho tôi và nói lý do là tôi chưa lập gia đình và chưa có con, tôi đang công khai đi ngược chính sách của đất nước”, Jiang cho biết.
Tháng 3 năm nay, Jiang cuối cùng đã tìm được một bệnh viện ở Thành Đô sẵn sàng triệt sản cho anh. Jiang đã chia sẻ chi tiết về quy trình này trên một diễn đàn dành cho các DINK trên Baidu. Anh cho biết muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về quan niệm sai lầm rằng thắt ống dẫn tinh cũng giống như bị thiến và khiến đàn ông mất nam tính.
"Đầu tư lớn, thành quả nhỏ"?
Từ nhiều thế kỷ, người Trung Quốc quan niệm rằng có con nối dõi là nghĩa vụ hiếu thảo, và để có người chăm sóc khi về già. Nhưng với mạng lưới an sinh xã hội ngày càng mở rộng, các kế hoạch bảo hiểm rộng rãi, người dân nay có nhiều lựa chọn hơn.
Trung Quốc hiện có số lượng người độc thân lớn nhất thế giới. Năm 2018, quốc gia này ghi nhận có 240 triệu người độc thân, chiếm khoảng 17% tổng dân số. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nhỏ hơn so với Mỹ, nhưng con số đó đã tăng khoảng 1/3 chỉ từ năm 2010.
He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập ở thành phố Trạm Giang, miền nam Trung Quốc, cho biết: “Những người trẻ ngày nay không có khả năng chịu đựng gian khổ như thế hệ cũ. Nhiều người nghĩ rằng có con cái không những không được chăm sóc khi về già mà còn bị phụ thuộc vào chúng. Tốt hơn hết bạn nên tiết kiệm nhiều tiền hơn và vào viện dưỡng lão hoặc mua các hợp đồng bảo hiểm”.
Theo một nghiên cứu năm 2018 được xuất bản bởi Tạp chí Nghiên cứu Phụ nữ Trung Quốc, chi phí kinh tế trực tiếp để nuôi dạy một đứa trẻ từ 0 - 17 tuổi là khoảng 30.000 USD, gấp 7 lần mức lương trung bình hàng năm của người dân Trung Quốc.
Những con số đó thường được thảo luận trên các diễn đàn DINK. Một người viết: “Tôi thực sự không thích trẻ con, thậm chí có thể nói là tôi ghét chúng. Tôi biết khó khăn thế nào để nuôi dạy trẻ! Những nỗ lực không tỷ lệ thuận với thành quả!”.
Anh Huang, 24 tuổi, một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở thành phố Vô Tích, cho biết kế hoạch nghỉ hưu của anh là di cư đến Iceland hoặc New Zealand, những quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội tốt. Huang nói rằng anh đã tính toán số năm mà một đứa trẻ có thể thực hiện nghĩa vụ hiếu thảo của mình - "khoảng 10 năm" - và kết luận rằng điều đó không đáng. “Nuôi dạy một đứa trẻ là một nhiệm vụ chi phí cao và thu lợi nhuận thấp. Tôi nghĩ có con cái là rất rắc rối”, Huang nêu quan điểm.