Đan Phượng có một loại hoa 'hái ra tiền'

Để hoa đồng tiền giúp nông dân 'hái ra tiền', xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc gắn sản xuất với khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch.

Là vùng trồng hoa đồng tiền lớn của Thành phố Hà Nội, Đồng Tháp trở thành điểm đến của nhiều người dân cũng như du khách. Theo ông Bùi Văn Khá, Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp, với sự kết nối của Hội Nông dân xã, huyện và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, Hợp tác xã cũng đã đón nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và từ các quận, huyện tại Hà Nội tới tham quan, học tập mô hình. Nhiều trường học trên địa bàn liên hệ với Hợp tác xã mong muốn đưa học sinh tới trải nghiệm nghề trồng hoa.

Cả xã Đồng Tháp có 134ha sản xuất nông nghiệp, đến nay, xã đã chuyển đổi 100% đất lúa sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có hoa đồng tiền... Riêng Hợp tác xã hoa Đồng Tháp có trên 25ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở nơi đây.

Nhiều trường học trên địa bàn liên hệ với Hợp tác xã mong muốn đưa học sinh tới trải nghiệm nghề trồng hoa.

Nhiều trường học trên địa bàn liên hệ với Hợp tác xã mong muốn đưa học sinh tới trải nghiệm nghề trồng hoa.

Chia sẻ về mô hình, ông Bùi Văn Khá cho hay, năm 2010, khi làm nông nghiệp trồng lúa với gia đình, ông nhận thấy điều kiện trồng lúa ở địa phương năng xuất, hiệu quả kém, nông dân chủ yếu 90% là cấy lúa, mặt khác diện tích đất chuyên trồng lúa của địa phương nhiều, người nông dân chưa tìm ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó đã dẫn đến thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn, người nông dân chủ yếu cho các hộ ở địa phương khác thuê để trồng hoa.

“Nhận thấy việc trồng hoa của các hộ nơi khác trồng, cây hoa rất phát triển, phù hợp với điều kiện canh tác, tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao họ làm được mà nông dân xã nhà không làm được. Bằng suy nghĩ, dự định ấp ủ nhiều năm, nghĩ là làm, nên tôi quyết định bàn bạc với gia đình, tham khảo ý kiến của một số bạn bè và Hội Nông dân xã rồi quyết tâm vay vốn, đầu tư thuê 2ha để trồng và triển khai mô hình trồng hoa đồng tiền trên đất trồng lúa”, ông Khá cho biết.

Để có tiền đầu tư, ông Khá nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã để vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội, và quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố để triển khai mô hình với 5 thành viên khác trong thôn. Ban đầu ông chỉ đầu tư trồng thử, bởi chưa có kinh nghiệm, đồng tiền trồng xen với các loại hoa khác để có thêm nguồn vốn qua lại.

Đến nay sau hơn 10 năm, gia đình ông Khá và các hộ gia đình đã cùng nhau mở rộng diện tích trồng hoa lên trên 25ha, đem lại nguồn thu nhập cao. Những cách làm, sáng kiến và kinh nghiệm của Hợp tác xã hoa Đồng Tháp do ông Bùi Văn Khá làm Giám đốc đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giảm chi phí trong sản xuất.

Các hộ gia đình tham gia Hợp tác xã đã cùng nhau mở rộng diện tích trồng hoa lên trên 25ha đem lại nguồn thu nhập cao.

Các hộ gia đình tham gia Hợp tác xã đã cùng nhau mở rộng diện tích trồng hoa lên trên 25ha đem lại nguồn thu nhập cao.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, năm 2022, Hội Nông dân xã đã thành Hợp tác xã hoa Đồng Tháp với mô hình sản xuất liên kết và không ngừng tuyên truyền cho hội viên nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, HTX đã được thành lập theo đúng luật và đang đi vào hoạt động và đang đang từng bước xây dựng mô hình ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng hoa.

Mô hình trồng hoa đồng tiền được áp dụng kỹ thuật trong sản xuất với hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới và quy trình đảm bảo kỹ thuật, nên tiết giảm được nhiều chi phí. Hợp tác xã Hoa Đồng Tháp luôn duy trì trồng trên 25ha hoa đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, trong năm 2022, sản phẩm đã được các cấp hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP với tiêu chuẩn 3 sao đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận vào tháng 2/2023.

Ông Thiều Văn Son cũng cho hay, Hợp tác xã đã tìm tòi học hỏi, khai thác thông tin trên báo, đài, trang mạng và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất; chọn lựa sản phẩm phù hợp với điều kiện địa phương đem lại năng suất, chất lượng, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền để tăng thu nhập cho người nông dân.

Hằng năm, Hợp tác xã đã tạo việc làm theo thời vụ và thường xuyên cho hơn 30 lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng; giúp đỡ, hỗ trợ về vốn và cây giống, tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp cho xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày một giảm. Mô hình đã xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng và nâng cao các tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện cũng bày tỏ mong muốn Thành phố và huyện Đan Phượng tiếp tục hỗ trợ để hoa đồng tiền trở thành sản phẩm kinh tế giúp người nông dân “hái ra tiền” theo định hướng của huyện.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dan-phuong-co-mot-loai-hoa-hai-ra-tien-173605.html