Đan Phượng phấn đấu đến năm 2030, 100% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2
Nếu như năm 2008, thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Đan Phượng mới đạt 44,2% thì đến nay, con số này đã đạt 98,2%, vươn lên nhóm dẫn đầu toàn Thành phố.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Trường Tiểu học Đồng Tháp, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng được thành lập từ năm 1992, ban đầu chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 với 16 phòng học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau một thời gian sáp nhập về Hà Nội, năm 2002, trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà cao tầng với 8 phòng học và phòng chức năng.
Qua nhiều năm được quan tâm đầu tư, đến nay diện tích đất của nhà trường mở rộng lên hơn 9.500m2. Trường được đầu tư xây mới hai dãy nhà lớp học 3 tầng với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, bếp ăn bán trú và công trình phụ trợ. Các phòng học có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy; 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Đặc biệt năm 2023, thầy và trò Trường Tiểu học Đồng Tháp rất phấn khởi khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. “Việc được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là điều kiện để nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý, dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tháp, nhà giáo Đậu Thị Thanh Hoan chia sẻ.
Không riêng gì xã Đồng Tháp, những năm qua, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường lớp luôn được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với các phòng, ban của huyện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để đề nghị tu sửa, bổ sung, đảm bảo các điều kiện xây dựng mới, nâng chuẩn, công nhận lại trường chuẩn quốc gia và các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, toàn huyện Đan Phượng có 55 trường công lập, 1.072 nhóm, lớp; 33 nhóm trẻ độc lập, tư thục với tổng số 40.006 học sinh. Toàn ngành cũng có 2.625 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 95,5%. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 98,2%, trong đó có 39 trường đạt chuẩn mức độ 2, tăng 7 trường so với năm 2022.
Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023 của huyện Đan Phượng có nhiều khởi sắc. Môn Toán đạt 7,2 điểm/học sinh; môn Ngữ văn đạt 6,8 điểm/học sinh (tăng 0,46 điểm so với năm học trước). Riêng môn Tiếng Anh đạt 6,3 điểm/học sinh - tăng 0,2 điểm so với năm ngoái. Các trường THCS có tổng điểm xét tuyển cao: Đan Phượng, Lương Thế Vinh, Đồng Tháp, Tân Hội, Tân Lập, Song Phượng...
Nhiều trường mầm non đã ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori, Reggio... trong phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục để tạo sự mạnh dạn, tự tin và các kỹ năng cho trẻ. Ở cấp Tiểu học và THCS, các trường tổ chức các hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đồng thời tăng cường hiệu quả các giờ lên lớp, tăng cường kiểm tra, đánh giá giờ dạy của giáo viên, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…
Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bồi dưỡng đội ngũ được quan tâm triển khai với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phù hợp thực tiễn. Kết thúc năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng được Sở GD&ĐT Hà Nội xếp loại 8/13 tiêu chí đạt xuất sắc, 4/13 tiêu chí đạt tốt.
Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu
Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và Kế hoạch 107-KH/HU (năm 2014) của Huyện ủy Đan Phượng. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, xây dựng thêm các trường học mới theo lộ trình trong quy hoạch mạng lưới trường học. Giữ vững, nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đến năm 2025, 100% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đến năm 2030.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khai thác các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục, đào tạo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng một số cơ sở giáo dục, đào tạo. Phấn đấu đầu tư xây dựng 4 trường liên cấp chất lượng cao tại xã: Đan Phượng, Hồng Hà, Tân Lập và Thọ Xuân. Đặc biệt, coi trọng công tác khuyến học, khuyến tài; định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, quan điểm lãnh đạo chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện để phát triển kinh tế - xã hội đối với GD&ĐT là tập trung vào 3 nội dung chính gồm: tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng trường học điện tử, lớp học thông minh tiến tới giáo dục thông minh; tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục đảm bảo đoàn kết, kỷ cương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, ngành giáo dục Đan Phượng cần khẳng định và nâng lên tầm cao mới tiếp cận toàn diện khi huyện trở thành quận. Đồng thời tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học, chú trọng giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh trên cơ sở nền tảng văn hóa và nét đẹp của người Hà Nội.
“Huyện sẽ nghiên cứu cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có nhiều nhà giáo giỏi tâm huyết muốn gắn bó và cống hiến cho ngành. Bởi nhiều nhà giáo giỏi sẽ có nhiều học sinh giỏi, đội ngũ ngành giáo dục là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sản phẩm giáo dục chính là thế hệ tương lai” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Kết thúc năm học 2022 - 2023, huyện Đan Phượng có 332 học sinh đạt giải các môn văn hóa, khoa học cấp huyện (trong đó, có 24 giải Nhất, 42 giải Nhì, 118 giải Ba, 148 giải Khuyến khích); 68 học sinh đạt giải các môn văn hóa, khoa học cấp Thành phố (10 giải Nhì, 26 giải Ba, 32 giải Khuyến khích); 2 học sinh đạt giải Ba cấp Thành phố cuộc thi Khoa học kỹ thuật...