Dân quân Armenia ở Nagorno-Karabakh giao nộp vũ khí
Lực lượng dân quân tại vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh bắt đầu giao nộp vũ khí và thiết bị quân sự dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/9 xác nhận, lực lượng gìn giữ hòa bình nước này đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí và các thiết bị quân sự khác do lực lượng dân quân người Armenia ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh giao nộp theo tinh thần lệnh ngừng bắn đạt được cách đây ít ngày, AP đưa tin.
Theo quân đội Nga, 6 xe bọc thép, hơn 800 thiết bị vũ khí cá nhân và hàng ngàn viên đạn đã được tiếp nhận. Quân đội Nga thông báo về hai vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, nhưng không có thương vong. Các cuộc điều tra về loạt sự cố trên đã được khởi động.
Giới quan sát đánh giá việc lực lượng người Armenia ở Nagorno-Karabakh giao nộp vũ khí là chỉ dấu quan trọng cho thấy lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh đang phát huy tác dụng.
Nagorno-Karabakh rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội Azerbaijan chiều 19/9 mở "các hoạt động chống khủng bố địa phương". Sáng 21/9 (giờ Hà Nội), Azerbaijan xác nhận dừng chiến dịch nêu trên sau thỏa thuận ngừng bắn đạt được với lực lượng ly khai địa phương thân Armenia chiều 20/9.
Theo thỏa thuận trên, do Nga làm trung gian hòa giải, lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh sẽ giải tán và giải giáp vũ khí. Azerbaijan cùng đại diện người Armenia sinh sống tại đây đã khởi động các cuộc đàm phán về tương lai của họ từ ngày 21/9.
Nagorno-Karabakh thuộc chủ quyền Azerbaijan, nhưng là nơi sinh sống của người gốc Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát từ những năm 1990, đã chứng kiến cuộc xung đột đẫm máu làm gần 5.000 người chết từ tháng 9 đến tháng 11/2020 giữa Azerbaijan và Armenia.
Tháng 11/2020, Nga môi giới thành công một thỏa thuận ngừng bắn, rồi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn nổ ra suốt 3 năm qua.
Hôm 22/9, Azerbaijan xác nhận đã bắt đầu đưa hàng viện trợ nhân đạo vào khu vực Nagorno-Karabakh. Azerbaijan năm ngoái phong tỏa hành lang Lachin, tuyến đường duy nhất nối vùng lãnh thổ này với Armenia, khiến nguồn cung nhu yếu phẩm ở Nagorno-Karabakh thiếu thốn.
Hai ngày trước, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố ông sẽ biến Nagorno-Karabakh thành "thiên đường". Ông cũng cam kết để 120.000 người gốc Armenia ở đó tham gia các cuộc bầu cử và hưởng tự do tín ngưỡng.