Dân quân tự vệ Phú Quý - chốt gác giữa trùng khơi
Giữa biển Đông, Đặc khu Phú Quý (tỉnh Lâm Đồng mới) hiện lên như một pháo đài sống giữa đại dương. Nơi đây không chỉ có những con thuyền vươn khơi ngày đêm, mà còn có lực lượng dân quân tự vệ, những người lính biển không quân hàm nhưng luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Họ là những ngư dân chân chất, vừa lao động sản xuất, vừa là 'tai mắt' giữa biển khơi, góp phần dựng nên hậu cứ tiền tiêu vững chắc cho Trường Sa.
Từ ngư dân thành chiến sĩ
Phú Quý hiện có 10 thôn, với hơn 1.500 tàu cá và trên 7.000 lao động biển, hơn một nửa trong số đó chuyên đánh bắt xa bờ. Những ngư dân chân chất ấy, khi khoác lên mình áo dân quân, bỗng trở thành những “cột mốc sống” giữa biển khơi. Anh Đỗ Công Liêm – dân quân biển cứ vào mỗi buổi sáng lại cùng bạn thuyền rẽ sóng ra khơi. Vừa làm nghề, vừa là tai mắt của lực lượng vũ trang. Anh chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi là dân quân biển. Không chỉ đi đánh cá, chúng tôi còn góp phần giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Có gì bất thường là báo ngay về Ban Chỉ huy Quân sự”.

Người dân Phú Quý chủ yếu dựa vào khai thác đánh bắt thủy sản
Mỗi tàu biển được bố trí từ 2 - 3 dân quân, 10 – 15 tàu hợp thành một trung đội, hoạt động tập trung ở tuyến khơi. Trên tàu, dân quân là cán bộ “2 trong 1”: vừa đánh bắt vừa quan sát, tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ khi xảy ra sự cố, và sẵn sàng phối hợp tác chiến khi cần.

Vừa là ngư dân trên ngư trường lớn vừa là dân quân bảo vệ biên giới.
Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Đảng về chiến lược biển, Đảng bộ, chính quyền Đặc khu Phú Quý đã chú trọng xây dựng dân quân biển trên địa bàn, sẵn sàng hiệp đồng với bộ đội địa phương, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo. “Lực lượng này còn là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền đặc khu. Họ vừa trực tiếp lao động sản xuất vừa hỗ trợ người dân từ kỹ thuật khai thác, kiến thức pháp luật đến việc gìn giữ ngư trường”, ông Lợi khẳng định.
Bảo vệ chủ quyền, giữ gìn luật pháp

Những ngư dân khoác trên mình màu áo của Dân quân tự vệ là “cánh tay nối dài” của chính quyền giữa biển khơi.
Cùng với việc giữ biển, dân quân tự vệ Phú Quý còn là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền chống khai thác IUU - hành vi đánh bắt bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Trước mỗi chuyến ra khơi, là những buổi tuyên truyền, những tờ rơi về Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc 1982 được trao tận tay ngư dân. Những hành động nhỏ nhưng góp phần vào mục tiêu lớn: Gỡ “thẻ vàng” của EU, giữ vững danh dự quốc gia.
Anh Nguyễn Văn Nguyên là ngư dân vừa được kết nạp Đảng chia sẻ, từ khi được trở thành dân quân tự vệ, đặc biệt được đứng vào hàng ngũ của Đảng, bản thân anh luôn gương mẫu. Không vi phạm pháp luật, không vượt ranh giới biển quốc tế và luôn báo cáo kịp thời mọi diễn biến bất thường về Ban Chỉ huy Quân sự địa phương. Mặt khác, chủ động vận động bà con chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng ở Phú Quý ngày càng kiên cố.
Cũng theo ông Lê Hồng Lợi, nhờ sự kiên trì tuyên truyền và bám sát thực địa của lực lượng dân quân, nhiều năm qua, Phú Quý không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây không chỉ là thành công của chính quyền mà còn từ sự đồng lòng của từng con người, từng hộ ngư dân và dân quân biển.
Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý chia sẻ thêm: Dù điều kiện huấn luyện còn nhiều thiếu thốn nhưng tinh thần học hỏi, cầu tiến của dân quân rất cao. Mỗi địa phương đều linh hoạt tổ chức huấn luyện phù hợp với thực tiễn biển - đảo. Các bài học không chỉ trên thao trường mà còn gắn với ngư trường, nơi mỗi người dân quân vừa học vừa thực hành kỹ năng sơ cứu, liên lạc khẩn cấp, xử lý tình huống tàu lạ, cứu hộ cứu nạn, phối hợp chặt chẽ với biên phòng, cảnh sát biển và bộ đội địa phương.
Với sản lượng khai thác thủy sản hàng năm lên đến 35.000 tấn, cùng hệ thống cảng cá, bến neo đậu cấp vùng và các công trình quân sự kiên cố, Phú Quý ngày càng khẳng định vai trò là “hậu cứ Trường Sa” – nơi sẵn sàng chi viện, tiếp ứng, giữ vững thế trận liên hoàn trên biển. Phú Quý đang vươn mình thành mắt xích chiến lược trong thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Và ở trung tâm mắt xích ấy những đảng viên, những dân quân - chính là ánh mắt, là cánh tay nối dài của chính quyền giữa biển lớn.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/dan-quan-tu-ve-phu-quy-chot-gac-giua-trung-khoi-381345.html