Dân Quảng Ngãi tất bật vào vụ hoa Tết
Còn khoảng 15 ngày là đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhiều nhà vườn trồng hoa cúc, hoa hồng ở Quảng Ngãi tất bật với công việc của vụ hoa Tết.
Nhiều người dân trồng hoa ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi những ngày này đang hối hả với những công đoạn chăm lo cho vụ hoa Tết như giăng lưới quanh chậu hoa để giữ cân bằng và tưới nước, tìm bắt sâu, bức bỏ lá vàng úa… Tất cả đang tập trung cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Bà con ở đây cũng cho biết, thời tiết năm 2019 thuận lợi hơn so với năm ngoái, vì trời nắng nhiều, ít có mưa bão nên hoa cúc, các cây hoa khác sinh trưởng phát triển tốt ít bị sâu bệnh. Từ giờ đến cận Tết Nguyên đán chắc chắn hoa sẽ phát triển tốt, nở đúng vụ.
Bà Hồ Thị Kiêm Hiệp (44 tuổi, trú xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa) cho hay, để phục vụ cho thị trường hoa Tết Nguyên đán năm nay, gia đình bà trồng được 6.000 chậu hoa cúc với đường kính từ 50 cm đến 60 cm trở lên. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bà thuê từ 10 - 20 người để tỉa lá, giăng lưới và chăm sóc cho các chậu hoa cúc để ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
“Đến thời điểm này, hầu như, các chậu hoa cúc của gia đình tôi đã được thương lái ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên đến đặt mua gần hết”, bà Hồ Thị Kiêm Hiệp nói.
Theo bà Hiệp, để trồng 6.000 chậu hoa cúc, gia đình bà chi phí hơn 100 triệu đồng, chưa tính tiền đúc chậu hoa và ngày công mà gia đình bỏ ra chăm sóc cho cây hoa. Nếu với giá bán hiện nay cho các thương lái từ khoảng 90.000 - 300.000 đồng/chậu hoa cúc đường kính các loại thì gia đình bà thu về hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi gặp ông Lê Quang Mạnh (43 tuổi, trú xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa) đang đi dạo quanh khu vườn hoa cúc của gia đình ông để cắt tỉa và kiểm tra các chậu hoa có bị bệnh hoặc sâu bọ phá hoại không.
Ông Mạnh chia sẻ, thời điểm xuống giống hoa thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch hằng năm, nhưng nhiều loại hoa mà thời điểm xuống giống sớm hoặc muộn khác nhau. Để xuống giống kịp, gia đình ông phải lo đúc chậu trước và chuẩn bị phân bón, cây giống từ nhiều tháng trước. Đến khi các chậu hoa cúc bắt đầu ra nụ thì phải cột dây, giăng lưới để giữ cho các cây hoa thẳng không bị ngã xuống đất để ra hoa đẹp.
Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Bùi Trai (trú xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) trồng hơn 500 chậu hoa hồng để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
“Vào khoảng tháng 4 hàng năm người dân địa phương bắt đầu trồng hoa hồng. Trước đó, hoa được chiết ra và chăm sóc cho ra rễ. Sau khi trồng khoảng 1 tháng thì có lứa hoa đầu tiên và định kỳ hàng tháng tiếp tục ra hoa. Các lứa hoa này sẽ được ngắt bỏ để cây tiếp tục đâm chồi, phát triển sao cho đúng vào dịp tết có nhiều nụ và nhiều hoa nhất”, ông Trai kể.
Theo ông Trai, nghề trồng hoa hồng rất vất vả, đòi hỏi phải tỉ mỉ nhưng bù lại, cho thu nhập rất khá. Tính nhẩm khoảng hơn 400 chậu hoa hồng, với giá bán khoảng 150.000 đồng/1 chậu, sau khi trừ chi phí thì có thể mang lại thu lãi hơn hàng chục triệu đồng.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn 500 hộ trồng hoa Tết, với nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là hoa cúc và hoa hồng, với số lượng mỗi hộ trồng ít nhất là khoảng 400 chậu.
Theo ông An, hiện nay, các thương ở mọi tỉnh, thành đã đến địa phương tìm hỏi mua hoa để phục vụ thị trường Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Nghề trồng hoa đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc bà con trồng hoa màu. Ngoài ra, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, sử dụng phân bón cho người dân trồng hoa.