Đan rọ tôm - Nghề của 'người miền núi làm việc miền xuôi'
Nơi núi non trùng điệp ôm ấp những bản làng yên bình, có một nghề thủ công đã tồn tại suốt hơn ba thập niên, đó là nghề đan rọ tôm. Tại vùng đất trước kia gọi là Phan Thanh - một xã của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũ, nay thuộc xã Tân Lĩnh, tỉnh Lào Cai, nghề truyền thống này giúp hơn trăm hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.
Ghé thăm thôn Rầu Chang - nơi được xem là cái nôi của nghề đan rọ tôm - có thể cảm nhận rõ không khí lao động rộn ràng trong từng nếp nhà. Gia đình chị Tăng Thị Tình là một trong những hộ giữ nghề lâu năm. Tiếng chẻ tre, tiếng vót nan và tiếng trò chuyện rôm rả vang lên. Âm thanh lao động tạo nên nhịp điệu mộc mạc giữa không gian núi rừng yên bình. Một nhóm phụ nữ và trẻ nhỏ đang miệt mài với từng công đoạn, người tước nan, người đan rọ.

Chị Tăng Thị Tình, xã Tân Lĩnh.
Chị Tình cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề đan rọ tôm qua nhiều thế hệ. Từ nhỏ, tôi được bà và mẹ truyền dạy từng động tác, từ cầm nan đến uốn lưới. Những kỹ thuật cơ bản, tôi quan sát rất kỹ và làm thử từng ngày. Hiện nay, con cháu trong nhà cũng đang tiếp nối nghề xưa. Trung bình mỗi ngày, tôi hoàn thiện từ 10 đến 15 chiếc rọ tôm. Nguồn thu nhập từ nghề đan rọ tôm giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Vào mùa cao điểm, số lượng rọ tôm bán ra tăng gấp đôi, kinh tế nhờ đó cũng khấm khá hơn”.
Cụ Hoàng Thị Máy năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn miệt mài với từng nan tre. Đôi bàn tay của cụ đã chai sần theo năm tháng. Tuy vậy, động tác vẫn nhanh nhẹn và đều đặn. Cụ chia sẻ, bản thân không còn đủ sức khỏe để lên nương như trước. Nhờ có nghề đan rọ, cụ vẫn tự chủ được cuộc sống hằng ngày. Mỗi tháng, cụ làm được hơn 400 chiếc rọ. Số tiền khoảng 2 triệu đồng đủ để cụ trang trải sinh hoạt cá nhân. Cụ coi nghề này như một chỗ dựa vững chắc khi về già.

Không khí làm rọ tôm rộn ràng tại xã Tân Lĩnh.
Nghề đan rọ tôm có nhiều đặc trưng thú vị, người làm có thể chủ động sắp xếp thời gian trong ngày. Người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên chưa có việc làm đều có thể theo nghề. Trước kia, mỗi hộ làm riêng lẻ tại nhà. Những năm gần đây, người dân đã thành lập các tổ hợp tác. Các tổ phối hợp với nhau trong việc chuẩn bị nguyên liệu, chia sẻ kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc liên kết sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo thống kê tại địa phương, hiện nay, có hơn 100 hộ tham gia nghề đan rọ. Mỗi năm, người dân trong xã xuất hàng triệu sản phẩm, tổng doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, cá biệt có những hộ đạt gấp đôi con số này. Sản phẩm rọ tôm không chỉ tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn vươn tới các tỉnh như Hòa Bình (cũ), Sơn La, thậm chí cả đồng bằng sông Hồng.
Mỗi chiếc rọ tôm là kết quả của đôi bàn tay khéo léo. Người làm nghề phải chọn loại tre già, chắc và ít mối mọt. Nguyên liệu sau khi thu hoạch cần được phơi khô đúng kỹ thuật. Tre phải được chẻ mỏng, chuốt đều và xử lý cẩn thận. Quá trình làm rọ đòi hỏi độ chính xác cao trong từng chi tiết. Người thợ phải tính toán đúng kích thước và độ khít giữa các nan. Chiếc rọ thành phẩm cần đảm bảo độ bền, dễ sử dụng và đẹp mắt. Với nhiều hộ dân, mỗi chiếc rọ là một sản phẩm lao động đầy tâm huyết. Người dân nơi đây xem đó là niềm tự hào không dễ phai mờ theo thời gian.
Ba mươi năm trước, người dân Tân Lĩnh chủ yếu sống bằng nghề nông. Vùng đất Phan Thanh khi đó còn nghèo, giao thông cách trở. Ít ai nghĩ rằng, một nghề gắn với sông nước lại bén rễ giữa miền núi. Tuy nhiên, thực tế sản xuất đã đặt ra yêu cầu mới. Người dân cần công cụ đánh bắt tôm cá ở ao hồ và khe suối. Từ đó, nghề đan rọ ra đời. Nghề không có trong truyền thống nhưng lại phù hợp với điều kiện sinh hoạt tại chỗ. Nhờ sự linh hoạt và học hỏi không ngừng, người dân đã làm chủ kỹ thuật. Nhiều người gọi vui đây là nghề của “người miền núi làm việc miền xuôi”. Câu nói mộc mạc ấy phản ánh đúng tinh thần sáng tạo và thích ứng của bà con vùng cao.
Bước ngoặt lớn đến vào ngày 1/7/2025, khi xã Phan Thanh chính thức sáp nhập vào xã Tân Lĩnh theo Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh, xã) được triển khai. Việc thay đổi địa giới hành chính không làm ảnh hưởng đến nghề truyền thống tại địa phương. Làng nghề đan rọ tôm vẫn duy trì được sự ổn định và tiếp tục phát triển; thậm chí còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân.
Phát triển kinh tế từ làng nghề là một hướng đi trọng tâm trong thời kỳ sáp nhập. Một số hộ dân đã bắt đầu bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ câu chuyện của chị Tình, cụ Máy, có thể thấy nghề đan rọ không đơn thuần là để mưu sinh. Nghề còn là nơi lưu giữ giá trị truyền thống, tinh thần gắn kết cộng đồng. Trong từng nan tre là công sức của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Mỗi mối đan phản ánh hình ảnh bàn tay tảo tần, khéo léo của người dân vùng cao.

Dù tên gọi địa phương đã đổi, dù cơ cấu hành chính có nhiều thay đổi nhưng tinh thần gìn giữ nghề truyền thống của người dân nơi đây vẫn nguyên vẹn. Chiếc rọ tôm giờ không chỉ là sản phẩm lao động mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, sáng tạo và hy vọng. Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm từ chính quyền cùng người dân, nghề đan rọ tôm Tân Lĩnh sẽ tiếp tục được duy trì, trở thành điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế - văn hóa nông thôn mới ở vùng đất này.