Dân số già có thể là 'điểm mạnh' cho các nền kinh tế châu Á
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, dân số già hóa có thể là một lợi ích đối với các nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính phủ áp dụng những chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc và hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.
Báo cáo “Tổng hợp Kinh tế Châu Á 2019/2020 (AEIR): Thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ” của ADB vừa công bố mới đây đã xem xét tiến triển của Châu Á và Thái Bình Dương trong hợp tác và hội nhập khu vực, trong đó đã dành một chương đặc biệt để bàn về vai trò và tiềm năng của công nghệ trong việc thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế đang già hóa.
Theo tính toán của ADB, tuổi thọ trung bình đã tăng gần 7 năm, từ 57,2 lên tới 63,8 tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 tới 2017 tại các nền kinh tế Châu Á và Thái Bình Dương. Số năm học tập trung bình của nhóm người cao tuổi, từ 55 tới 64 tuổi, cũng đã tăng từ 4,6 vào năm 1990 tới 7,8 vào năm 2015. Do đó, cần triển khai những biện pháp chính xác tùy thuộc vào điều kiện già hóa và giáo dục cụ thể của từng quốc gia, nhưng nhìn chung có bốn loại hình sau: già hóa nhanh hay chậm, và trình độ học vấn trên hoặc dưới mức trung bình.
Những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn cung lao động thấp đối với công việc thường nhật, trong khi các quốc gia có tốc độ lão hóa chậm và trình độ học vấn dưới mức trung bình có thể ưu tiên những ứng dụng công nghệ trong giáo dục để giúp dân số trẻ hơn tiếp cận giáo dục chất lượng cao.
Bất kể các điều kiện lão hóa và học vấn ra sao, báo cáo kêu gọi tư duy lại về giáo dục và đào tạo kỹ năng để bao gồm việc học tập suốt đời cũng như ứng dụng các công nghệ và phương pháp giúp công việc và môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với người lao động cao tuổi. Thị trường lao động, an sinh xã hội và cải cách hệ thống thuế cũng sẽ khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc. Cuối cùng, những chính sách tạo thuận lợi cho việc di chuyển dòng vốn, lao động và công nghệ qua các biên giới sẽ hữu ích để giúp những quốc gia ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và ứng dụng công nghệ đối phó với vấn đề này.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Xu hướng già hóa là không thể đảo ngược tại phần lớn khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, nhưng các chính phủ có thể biến điều này thành một khoản “lợi tức bạc”. Ngày nay, người cao tuổi có trình độ học vấn cao hơn và khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ. Những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể mở rộng thời gian làm việc, tạo ra sự đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung”.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển có nhiều thập kỷ đến hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Australia 73 năm; Trung Quốc 26 năm; tiến trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm.
Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình. Đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. Bên cạnh đó, sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế, tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.