Dân số Nhật Bản tiếp tục suy giảm trong năm 2023

Theo dữ liệu chính phủ Nhật Bản công bố ngày 24/7, dân số nước này trong năm 2023 giảm hơn 800.000 người trong bối cảnh tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp và già hóa dân số, đánh dấu năm thứ 15 liên tiếp dân số Nhật Bản suy giảm.

Dân số Nhật Bản giảm 0,7% trong năm 2023 so với năm 2022. Ảnh: Kyo News

Dân số Nhật Bản giảm 0,7% trong năm 2023 so với năm 2022. Ảnh: Kyo News

Tính tới tháng 1/2024, số liệu do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy dân số Nhật Bản đạt ngưỡng 121.561.801 người, giảm 861.237 người, tương đương 0,7% so với năm 2022 trong bối cảnh tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong đều đạt mức cao kỷ lục. Con số này đánh dấu mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay và đồng thời là năm thứ 15 liên tiếp quốc gia này ghi nhận dân số suy giảm.

Về các vùng cụ thể, hãng tin The Japan Times trích dẫn số liệu chính thức cho biết dân số Tokyo tăng 3.933 người, tương đương 0,03%, đánh dấu mức tăng đầu tiên sau 3 năm. Ngược lại, dân số tại 46 tỉnh khác trên khắp Nhật Bản tiếp tục suy giảm.

Số lượng cư dân nước ngoài tại Nhật Bản cũng tăng 11,01% trong năm 2023, tức khoảng 329.535 người lên mức 3.323.374. Hiện người nước ngoài chiếm gần 3% dân số và chủ yếu nằm ở độ tuổi lao động từ 15 đến 64. Đây là con số đạt mức cao kỷ lục kể từ khi Bộ Nội vụ bắt đầu thống kê cư dân nước ngoài vào năm 2013.

Nếu không thể đảo ngược xu hướng hiện tại, dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm khoảng 30% xuống còn 87 triệu người vào năm 2070. Khi đó, cứ 10 người Nhật bản dự kiến sẽ có 4 người từ 65 tuổi trở lên.

Kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2008, dân số Nhật Bản bắt đầu suy giảm dần theo mỗi năm do tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh trung bình của nhóm các quốc gia giàu có thuộc OECD, bao gồm Nhật Bản, là 1,66, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 cần thiết để duy trì dân số.

Có nhiều nguyên nhân được cho là dẫn tới tình trạng dân số suy giảm. Các nguyên nhân hàng đầu được liệt kê trong khảo sát của Bộ Nội vụ bao gồm việc giới trẻ Nhật Bản ngày càng ngại kết hôn hoặc sinh con, chán nản trước triển vọng việc làm ảm đạm, chi phí sinh hoạt cao và văn hóa doanh nghiệp thiên vị giới tính, từ đó tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ và các bà mẹ đi làm.

Sự già hóa dân số tại Nhật Bản đã và đang ảnh hưởng đáng kể tới gần như mọi khía cạnh của xã hội. Hiện có hơn một nửa thành phố của nước này được chỉ định là khu vực ít dân cư trong khi các trường học đang đóng cửa do thiếu học sinh và hơn 1,2 triệu doanh nghiệp nhỏ có chủ sở hữu ở độ tuổi khoảng 70 không có người kế nhiệm.

Do tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida coi việc giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ sinh là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của mình. Nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh thêm con, chính phủ đã dành 34 tỷ USD như một phần của ngân sách năm 2024 để triển khai các chính sách như tăng trợ cấp cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong 3 năm tới, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ chi 23 tỷ USD tiền thuế mỗi năm cho các chính sách hỗ trợ tương tự.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các biện pháp phần lớn nhằm vào các cặp vợ chồng dự định có hoặc đã có con và không giải quyết được số lượng thanh niên không muốn kết hôn ngày càng cao.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dan-so-nhat-ban-tiep-tuc-suy-giam-trong-nam-2023-31614.html