Dân ta phải biết sử ta
Dư luận xã hội đang chia phe tranh cãi về sự kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cải cách giáo dục về môn Lịch sử. Theo đó, ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử được bố trí dạy từ lớp 6 đến lớp 9. Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Nói khác đi Lịch sử là môn tự chọn chứ không bắt buộc. Ngành Giáo dục trong những năm gần đây, mỗi lần cải cách, mỗi lần thay sách giáo khoa bao giờ chả gây ra những tranh cãi sóng gió(!)
Tôi không nhớ triết gia nào đã nói: Lịch sử chính là ánh sáng của những thế hệ trước truyền lại, định hướng cho những thế hệ sau bước tiếp. Nhưng người ta nói quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại cắt nghĩa tương lai là theo nghĩa này. Đó chính là lịch sử. Đọc trong sách cổ ngày xưa, thấy từ thời Hán Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Mọi người dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương, có thể quan sát thấy sự thành bại, thịnh suy của các triều đại”. Tư tưởng ấy là nhất quán trong suốt lịch sử phong kiến phương Bắc. Tư tưởng ấy mới sinh ra nhà viết sử vĩ đại Tư Mã Thiên với bộ sử ký mẫu mực, và rồi sau này triều đại nào cũng có những bộ sử đồ sộ, nguồn tư liệu quí giá cho các nhà nghiên cứu đời sau.
Là người chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo, không có gì ngạc nhiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra chân giá trị của môn Lịch sử. Đến nay, giới học giả vẫn không ngừng nghiên cứu về tư tưởng vĩ đại của Người đối với môn Lịch sử. Ngày 28-1-1941 (tức mùng Hai Tết Tân Tỵ), sau 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc trực tiếp dẫn dắt phong trào đấu tranh cách mạng. Vừa trở về trong ngổn ngang công việc, công việc đầu tiên của Người là viết tác phẩm nổi tiếng Lịch sử nước ta. Đây là một bài diễn ca lịch sử Việt Nam gồm 208 câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ hiểu, tóm tắt toàn bộ tiến trình lịch sử của nước nhà. Tác phẩm rất phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ là hơn 95% dân số mù chữ. Hai câu đầu bài thơ đã trở thành kim chỉ nam cho môn Lịch sử: “Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Có đặt trong hoàn cảnh lực lượng Cách mạng Việt Nam khi ấy còn rất non yếu, con đường đi đến thắng lợi còn rất dài, mới hiểu hết tầm nhìn vượt thời đại khi Người bắt đầu bằng chú trọng vào giáo dục lịch sử cho nhân dân.
Tôi không hiểu ngày nay, sau bao lần cải cách, thay sách giáo khoa thì môn Lịch sử trở nên khô khan, học sinh sợ như thế nào. Chứ thời còn nhỏ tí, những khái niệm sử học dân gian mà cha ông truyền khẩu lại cứ tự động thấm vào trí óc non nớt: “Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà”, “Nguyễn Ánh rước voi về giày mả tổ”… Sau này các nhà sử học dù có tổ chức bao nhiêu hội thảo khoa học, đánh giá khách quan công lao của nhà Nguyễn thì những câu đó mãi lưu truyền trong dân gian. Các cụ chả nói Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…
Nhớ thời bao cấp, trong kho sách của nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô tài trợ, bao nhiêu người lùng mua cuốn “Daghextan của tôi” của R. Gamzatob, một nhà văn người dân tộc thiểu số của cộng hòa tự trị Daghextan. Trong tác phẩm của ông có câu nổi tiếng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bị bắn bằng đại bác”. Hình ảnh ví von ước lệ ấy về phải biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử không ngờ có ngày thành đúng nghĩa đen. Ai quan tâm theo dõi tình hình Nga - Ukraina thì hẳn thấy câu này vận đúng vào hôm nay. Sau sự kiện Maidan 2013, chính phủ mới của Ukraina thực hiện chính sách bài Nga, viết lại lịch sử quyết liệt. Tượng đài Lênin và tượng đài Hồng quân bị giật sập trên toàn quốc. Tiếng Nga bị cấm, người gốc Nga bị phân biệt đối xử… Và để đến hôm nay, chiến tranh đổ máu chưa biết khi nào chấm dứt.
Dân ta phải biết sử ta. Để soi vào những bài học lịch sử mà vững bước đi tới hôm nay. Để tự hào viết tiếp những trang sử mới.
Thủy Ngân
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202205/dan-ta-phai-biet-su-ta-8250444/