Dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ xô mua tiền mã hóa vì đồng nội tệ giảm giá mạnh

Người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ xô mua bitcoin và usdt (đồng tiền mã hóa ổn định có vốn hóa lớn nhất thế giới) trong bối cảnh đồng nội tệ lira giảm giá mạnh, lạm phát tăng cao do các chính sách tiền tệ không chính thống của chính phủ.

Các sàn giao dịch tiền mã hóa mọc lên nhan nhãn ở Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty

Bản thân các đồng tiền mã hóa cũng có mức biến động giá rất mạnh nhưng nhiều nhà đầu tư tin rằng giá của chúng sẽ tăng trong dài hạn.

Theo Công ty phân tích blockchain Chainalysis, trong khi đồng lira mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ vào quí cuối cùng của năm 2021, tổng giá trị giao dịch tiền mã hóa sử dụng đồng lira đã tăng lên mức trung bình 1,8 tỉ đô la một ngày trên ba sàn giao dịch lớn ở nước này, cao hơn so với bất kỳ quí nào trong năm quí trước đó.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt chuộng đồng tiền mã hóa usdt, có giá trị được neo với đồng đô la Mỹ. Công ty cấp dữ liệu tiền mã hóa CryptoCompare cho biết trong mùa thu vừa qua, đồng lira trở thành đồng tiền do chính phủ phát hành được giao dịch nhiều nhất so với usdt, vượt xa đô la và euro.

Từ lâu, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã chống chọi các thời kỳ bất ổn kinh tế bằng cách giữ tiền của họ bằng đô la, euro hoặc vàng. Sự trỗi dậy của tiền mã hóa trong những năm gần đây đã cung cấp một công cụ mới để giúp họ lưu trữ tài sản, mặc dù bản thân tiền mã hóa cũng biến động rất mạnh. Kể từ tháng 9 năm ngoái, đồng lira đã mất 40% giá trị so với đồng đô la. Bitcoin ban đầu tăng gần 40% so với đồng đô la vào đầu tháng 11, nhưng hiện đã giảm hơn 10%.

Tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, các quảng cáo mua bán tiền mã hóa xuất hiện trên tàu điện, biển quảng cáo ngoài trời và một trong hai sân bay của thành phố này. Các cửa hàng mua bán bitcoin mọc lên ở trong các con hẻm thuộc khu chợ Grand Bazaar, nơi các thương nhân mua bán ngoại tệ và vàng.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khiến hệ thống tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng hỗn loạn vào mùa thu năm ngoái bằng cách thúc đẩy nhiều đợt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.

Đồng lira đã ổn định phần nào trong những tuần gần đây sau khi chính phủ đưa ra các biện pháp bảo vệ lợi ích cho những người gửi tiền tiết kiệm nhưng người dân trong nước vẫn cảnh giác.

Kağan Şenay, một nhà đầu tư tiền mã hóa, 27 tuổi, ở TP Bursa, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Các chính sách phi lý của chính phủ liên quan đến tỷ giá đã làm giảm niềm tin đối với các số liệu thống kê được công bố về lạm phát, khiến tiền mã hóa trở thành nơi trú ẩn an toàn, dù đây cũng là tài sản tài chính khá rủi ro và dễ mất giá”.

Şenay cho biết anh bắt đầu giao dịch bitcoin vào năm 2017 để kiếm thêm tiền. Càng ngày, anh cũng coi đó là một cách để bảo vệ thu nhập bằng đồng lira của mình trước đà tăng của lạm phát. Sức mua của đồng lira mà anh kiếm được từ công việc của mình tại một nhà sản xuất vải đã giảm đi khi giá cả tiêu dùng tăng cao.

Trong tháng cuối cùng năm ngoái, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 36%. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ còn tăng cao nữa, có thể làm xói mòn thêm sức mua của đồng lira.

Người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đầu tư vào các đồng tiền mã hóa bất chấp chính phủ đã đưa ra lệnh cấm sử dụng chúng như một hình thức thanh toán trong nước vào hồi năm ngoái. Turan Sert, cố vấn của sàn giao dịch tiền mã hóa Paribu ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết lệnh cấm được ban hành mà không có cảnh báo trước đã gây tổn thương cho cộng đồng nhà đầu tư tiền mã hóa ở trong nước. Theo Sert, chính phủ đã cam kết sẽ sớm đưa ra quốc hội một đạo luật về tiền mã hóa nhưng nội dung chi tiết vẫn chưa được công bố.

Tiền mã hóa đã trở nên phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực của thế giới đang phát triển, nơi mà nhiều người dân mất lòng tin vào các chính sách kinh tế của chính phủ. Nhiều người dân ở Nigeria chuyển sang sử dụng bitcoin để thanh toán sau khi đồng nội tệ mất giá và chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận ngoại tệ. Năm ngoái, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên công nhận bitcoin là đồng tiền hợo pháp, được phép sử dụng trong các giao dịch thanh toán.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một phần của sự ngờ vực chính sách của chính phủ không liên quan đến đà giảm giá của đồng lira. 2/3 lượng tiền gửi ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ là ngoại tệ, chủ yếu là đô la và euro. Nhưng các ngân hàng ở nước này lại cho ngân hàng trung ương và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vay một lượng lớn đô la, để sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm đỡ giá cho đồng lira.

Nếu người dân đổ xô rút đô la, các ngân hàng sẽ cần lấy lại một số nguồn tiền đô la đó để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Câu hỏi đặt ra là hỏi liệu chính phủ có huy động đô la để gửi trả lại các ngân hàng hay không. Trong trường hợp xấu nhất, một số người lo ngại chính phủ có thể buộc các ngân hàng chuyển tiền gửi đô la của khách hàng sang đồng lira. Lo ngại đó đang thúc đẩy một số người gửi tiết kiệm đổi đô la sang các đồng tiền mã hóa ổn định như usdt, vốn được sử dụng để mua bán các đồng tiền mã hóa có mức biến động cao như bitcoin và ether.

Gần đây, Ege Tuluay, một sinh viên 24 tuổi, đã sử dụng những đồng đô la tiết kiệm của mình để mua usdt ở một cửa hàng giao dịch tiền mã hóa tại khu chợ Grand Bazaar. Anh dự định sử dụng usdt để mua các loại tiền mã hóa khác.

Esra Alpay, Giám đốc tiếp thị của sàn giao dịch tiền mã hóa Bitlo ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết sàn này ghi nhận số lượng nhà đầu tư mới tăng lên trong quí trước khi đồng lira giảm giá.

Bà nói: “Sự biến động giá của đồng lira và mức lạm phát gia tăng trong những tháng gần đây đã khiến các nhà đầu tư của chúng tôi coi tiền mã hóa là một khoản đầu tư có lợi nhuận trong dài hạn và là một biện pháp phòng thủ lạm phát trong ngắn hạn”.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dan-tho-nhi-ky-do-xo-mua-tien-ma-hoa-vi-dong-noi-te-giam-gia-manh/