Dân thôn đặc biệt khó khăn ở Yên Bái phải viết giấy vay tiền làm đường?
Những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội xôn xao thông tin người dân ở một thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái bị bắt viết giấy vay tiền do chưa đóng đủ tiền làm đường giao thông nông thôn. Phóng viên VOV đã tiếp xúc với một số hộ dân, cũng như trao đổi với chính quyền địa phương để xác minh nội dung vụ việc.
Bà Trương Thị Khôi ở xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, gia đình bà có 4 khẩu, phải nộp 8 triệu đồng để làm đường. Đến nay, bà đã nộp được 4 triệu đồng, đồng thời tham gia 2,5 ngày công lao động (được tính tương đương 750.000 đồng).
Hiện nay, đường đã làm xong, xóm yêu cầu gia đình bà ký giấy vay số tiền 3.250.000 đồng (bằng số tiền còn thiếu chưa nộp), thế chấp bằng rừng. Bà Khôi lo lắng, gia đình đang còn thiếu, chưa có khả năng đóng góp, nếu không gom được tiền để nộp, thì bà sợ xóm sẽ lấy đi đất rừng canh tác của mình.
"Tờ giấy ấy đọc ra tôi vay, thấy thế tôi lo sợ, hoang mang, tôi mới bảo con dâu tôi đăng lên mạng xem đúng hay sai", bà Khôi nói.
Trao đổi với bà Lý Thị Về (thành viên tổ tự quản thu chi làm đường nông thôn mới của xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái - người đại diện bên A, tức bên cho vay tiền trong tờ giấy vay nợ của nhà bà Khôi), được biết: Quá trình làm đường nông thôn mới dài khoảng 1,8 km, ngoài vật liệu xây dựng được nhà nước đầu tư thì xóm phải thuê máy móc san ủi mặt bằng, đổ bê tông và nhân công; ban đầu tạm tính là 1 triệu đồng/khẩu.
Tuy nhiên sau này đội chi phí, nên phát sinh lên 2 triệu đồng/khẩu. Gia đình bà Khôi có 4 khẩu, nhưng mới đóng 4 triệu đồng tiền mặt và 2,5 ngày công lao động (tương đương với 750.000 đồng), do vậy còn nợ 3.250.000 đồng. Bà Về cho biết, xóm đòi mãi không trả nên các thành viên trong tổ tự quản đã thống nhất in giấy để xác nhận họ còn nợ tiền, sau này sẽ phải trả.
Ông Lê Thế Vinh, trưởng thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái thông tin: Thôn có 208 hộ dân, riêng xóm Ngòi Bình có 22 hộ dân thì có 6-7 hộ nghèo. Việc làm đường nông thôn mới, thôn đã họp dân và được thống nhất thì mới triển khai. Do là đường xóm, nên bà con tự bầu ra tổ tự quản, giám sát thi công và thu chi.
Theo Trưởng thôn Ngòi Ngần thì hiện nay còn gần 10 hộ đóng thiếu tiền làm đường, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đi làm ăn xa.
Tìm hiểu tại xã Bảo Ái, được biết: Năm 2022, thôn Ngòi Ngần được đầu tư xây dựng 02 công trình đường giao thông nông thôn. Quá trình làm đường xóm Ngòi Bình, để đảm bảo kế hoạch đã đăng ký với Nhà nước là 1,8 km thì thôn đã cùng với xóm thành lập Ban phát triển thôn (đại diện các thành viên trong xóm) để thực hiện công tác quản lý, thi công đoạn đường. Sau đó qua triển khai họp dân thì người dân nhất trí 100% với mức đóng góp.
Sau khi đoạn đường hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều hộ gia đình chưa đóng góp đầy đủ số tiền phải đóng, nên công tác quyết toán cho đơn vị đổ bê tông, san gạt mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Tính tới tháng 6/2023, xóm mới thu được khoảng 130 triệu đồng và số tiền người dân còn nợ là 70 triệu đồng. Trước tình hình đó, đối với các hộ dân chưa đóng đủ tiền, tổ tự quản của xóm đã đứng ra vay tiền để trả trước cho bên thi công; sau đó làm hợp đồng vay tiền đưa đến các gia đình trên.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin người dân phản ánh vụ việc lên mạng xã hội, chính quyền địa phương đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ huyện.
"Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện, xã đã thành lập đoàn, trực tiếp chỉ đạo thôn, xóm báo cáo, giải trình lại toàn bộ quá trình triển khai làm đường. Hiện nay huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan xác minh, làm rõ để xử lí theo qui định", ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết thêm: Việc người dân phải viết giấy vay tiền và thế chấp, trước đó xã không nắm được thông tin. Việc này không được sự chấp thuận của chính quyền xã, cũng như không có tính pháp lý.