Tiêm kích MiG-19 là máy bay chiến đấu phản lực, hai động cơ; đây cũng là loại máy bay đầu tiên của Liên Xô có tốc độ vượt âm. MiG-19 được thiết kế để giải quyết các vấn đề tồn tại của MiG-15 và MiG-17.
Mặc dù cả hai máy bay chiến đấu MiG-15 và MiG-17 đều có tính năng tương đối xuất sắc, so với các máy bay chiến đấu cùng thời, nhưng chúng chưa đạt tới tốc độ âm thanh; đặc biệt là gặp phải các vấn đề về khả năng điều khiển, khi đạt tới tốc độ cận âm.
MiG-19 được thiết kế để xử lý tốc độ siêu thanh tốt hơn và có tầm bay lớn hơn cả MiG-15 và MiG-17. Theo đánh giá của Không quân Mỹ, chiến đấu cơ MiG-19 là tiêm kích do Liên Xô sản xuất đầu tiên, có khả năng đạt tốc độ siêu âm khi bay ngang tầm và đây là điểm khác biệt quan trọng.
Là loại máy bay thiết kế sử dụng hai động cơ phản lực, lên MiG-19 có hình dáng lớn hơn hai chiến đấu cơ tiền nhiệm là MiG-15 và MiG-17; động cơ sử dụng cho MiG-19 cũng là loại động cơ mới, khi kết hợp lại, chúng tạo ra lực đẩy gần gấp đôi so với chiến đấu cơ MiG-17.
MiG-19 có bốn mấu cứng dưới cánh chính để mang bom, rocket hoặc thùng nhiên liệu; tuy nhiên hai trong số bốn mấu cứng này, chỉ dành cho thùng nhiên liệu phụ, vì vậy đã làm hạn chế số vũ khí mang theo của MiG-19.
Về vũ khí, MiG-19 chỉ được trang bị pháo hàng không chứ chưa được trang bị tên lửa (thực tế khi đó Liên Xô chưa chế tạo được tên lửa có điều khiển). Những phiên bản do Trung Quốc sản xuất về sau (J-6), đã được trang bị tên lửa không đối không tự dẫn bằng hồng ngoại.
Mặc dù lúc đầu MiG-19 chỉ được trang bị 3 khẩu pháo tự động 30 mm, nhưng với khả năng của những khẩu pháo hàng không này, cũng tạo ra lợi thế trong chiến đấu quần vòng hẹp, trước những chiếc F-4 Phantom của Không quân Mỹ, đặc biệt là trong chiến tranh Việt Nam.
Các nhà thiết kế Mỹ khi đó cho rằng, ở tốc độ Mach 1+, các trận không chiến và đấu súng kiểu Chiến tranh Thế giới thứ hai cổ điển sẽ không xảy ra. Nhưng điều mà các kỹ sư và nhà thiết kế không lường trước được, đó là khi chiến đấu quần vòng hẹp và tốc độ thấp, những máy bay mang pháo hàng không có lợi thế hơn hẳn.
Những chiếc F-4 hạng nặng của Mỹ (và hầu hết các máy bay Mỹ khi đó), đều thiếu khả năng cơ động ở tốc độ thấp. Do vậy, trong những trận không chiến, những chiếc MiG-15/17 và 19 chậm hơn, nhưng có khả năng cơ động tốt hơn, sẽ vượt trội hơn đối thủ Mỹ của chúng, khi những chiếc MiG chủ động "áp sát" và cho một "làn mưa" đạn nổ hoặc xuyên giáp.
Theo đánh giá của Không quân Mỹ, có thể có tới 10.000 chiếc MiG-19, với nhiều phiên bản khác nhau, được chế tạo bởi Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan và Tiệp Khắc. Nhiều quốc gia khác đã sử dụng MiG-19, bao gồm Cuba, Việt Nam, Triều Tiên, Iraq và hầu hết các quốc gia thuộc Khối Warszawa.
Không quân Trung Quốc là một trong những lực lượng sử dụng MiG-19 lớn nhất, mặc dù họ có một cái tên khác cho MiG-19 đó là Shinyang J-6.
Trước khi quan hệ Trung-Xô bị chia rẽ, Trung Quốc là đồng minh thân thiết của Liên Xô. Vì vậy Liên Xô đã chuyển giao cho Trung Quốc rất nhiều công nghệ, trong đó có công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu MiG-19.
Trung Quốc có thể sản xuất khá nhiều bản sao của MiG-19, và gọi phiên bản của họ là Shinyang J-6. J-6 cũng được xuất khẩu sang Triều Tiên, Pakistan, Anbani, Việt Nam. Nhưng hiện chỉ còn Triều Tiên là vẫn sử dụng khoảng 100 chiếc J-6.
Có lẽ Triều Tiên cũng là khách hàng nước ngoài lớn nhất của J-6 do Trung Quốc sản xuất và những chiếc J-6 này đều được Trung Quốc sản xuất vào thập niên 1970; nếu tính niên hạn sử dụng, đã trên 50 năm.
Mặc dù một thời là loại chiến đấu cơ tiên tiến, tuy nhiên những chiếc MiG-19 không thể đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, khi những chiếc MiG-19 chủ yếu được trang bị pháo hàng không và tên lửa tầm ngắn.
Tuy nhiên với điều kiện hiện tại, Triều Tiên chưa thể thay thế ngay những chiếc J-6 trong biên chế của họ; mặc dù biết không thể đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, nhưng Triều Tiên vẫn giữ MiG-19 lại trong biên chế, với mục đích tăng số lượng máy bay chiến đấu, tạo ưu thế về số lượng trước Không quân Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Pinterest.
Lãnh đạo Triều Tiên thị sát lực lượng không quân nước này với dàn tiêm kích MiG-19/J-6 vẫn tiếp tục trực chiến. Nguồn: KCNA.
Tiến Minh