Dân Tiến trên hành trình thoát nghèo

Từ một địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã Dân Tiến (Võ Nhai) đã từng bước vươn lên và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Cơ sở sản xuất gỗ bóc của anh Lê Văn Tâm, ở xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) tạo việc làm thời vụ cho 5-7 lao động.

Cơ sở sản xuất gỗ bóc của anh Lê Văn Tâm, ở xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) tạo việc làm thời vụ cho 5-7 lao động.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, xã Dân Tiến luôn duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân trên 10%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm trung bình trên 3%/năm... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 16,7%, hộ cận nghèo là 11%; thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người vào cuối năm 2022.

Đồng chí Lê Văn Hách, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, chúng tôi xác định lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, hàng năm, Đảng ủy xã đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo.

Theo đó, các giải pháp được tập trung thực hiện là khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là sử dụng các giống mới cho năng suất và chất lượng cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đem hiệu quả cao…

Để người dân có vốn sản xuất, Đảng ủy xã Dân Tiến đã chỉ đạo các đoàn thể tích cực nhận ủy thác nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Hiện nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn xã đạt gần 166 tỷ đồng.

Có thể kể đến như gia đình anh Lê Văn Tâm, ở xóm Tân Tiến, là một trong những hộ được hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách. Với số vốn vay gần 500 triệu đồng cùng nguồn lực sẵn có, gia đình anh Tâm đã đầu tư mở cơ sở chế biến gỗ bóc, tạo việc làm thời vụ cho 5-7 lao động.

Anh Tâm chia sẻ: Thời điểm này, sản xuất gỗ bóc đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nên cơ sở của tôi vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định.

Ông Lê Quý Hướng, Bí thư Chi bộ Tân Tiến, cho hay: Tận dụng thế mạnh về rừng sản xuất, ngoài gia đình anh Tâm, trên địa bàn xóm cũng có một số gia đình khác mạnh dạn mở cơ sở chế biến gỗ. Ngoài ra, một số hộ đầu tư trồng ngô lai, kết hợp chăn nuôi cho thu nhập khá. Trung bình mỗi năm, xóm có 3-5 hộ thoát nghèo.

Tại Làng Mười, Chi bộ xóm cũng tạo được dấu ấn trong lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là giảm nghèo. Xóm hiện có 187 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo là hơn 50 hộ. So với đầu nhiệm kỳ 2020-2025, xóm đã giảm được 14 hộ nghèo, cận nghèo.

Bí thư Chi bộ Làng Mười Nguyễn Thị Mây nói: Chi bộ có 15 đảng viên, mỗi người đều nhận nhiệm vụ giúp đỡ một nhóm hộ nghèo cụ thể. Trách nhiệm của đảng viên là thường xuyên nắm bắt tình hình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp làm thủ tục vay vốn nếu như hộ dân có nhu cầu. Nhiều hộ khi được động viên, giúp đỡ kịp thời đã có cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, xã Dân Tiến hiện đang định hướng đẩy mạnh chăn nuôi, với đàn gia súc gần 3.000 con và hơn 40.000 con gia cầm. Đồng thời phát huy lợi thế có diện tích rừng sản xuất lớn để mở rộng các cơ sở chế biến gỗ, kết hợp phát triển ngành nghề dịch vụ, mô hình hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng...

Bí thư Đảng ủy xã Dân Tiến Lê Văn Hách đánh giá: Chỉ sau nửa nhiệm kỳ, xã đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Để duy trì và phát triển kinh tế bền vững, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông và thủy lợi phục vụ sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích bà con nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại tập trung; phát triển các nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp như cơ khí, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/dan-tien-tren-hanh-trinh-thoat-ngheo-9326305/