Đàn tính - Biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày - Nùng Cao Bằng

Từ bao đời nay, cây đàn Tính không thể thiếu trong những làn điệu hát Then, ở các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đàn Tính góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, là linh hồn, là nét đẹp của cộng đồng người Tày, Nùng Cao Bằng.

Sự tích cây đàn tính ở các vùng miền, các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường... có nhiều dị bản, giai thoại khác nhau, song tất cả đều gắn bó mật thiết với cuộc sống, thể hiện một cách sinh động những cảm nhận, suy nghĩ của con người trước các hiện tượng tự nhiên, đồng thời biểu lộ tình cảm của họ với thiên nhiên, quê hương, đất nước.

Hình ảnh biểu tượng cây đàn Tính tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh tư liệu.

Hình ảnh biểu tượng cây đàn Tính tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh tư liệu.

Theo cuốn "Truyện dân gian Tày - Nùng Cao Bằng" của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sự tích cây đàn tính được kể như sau: Ngày xưa, có một chàng trai côi cút, cô đơn rất nghèo đến nỗi không một tấc đất cắm dùi. Một hôm trên đường đi ăn xin chàng gặp một ông cụ già tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào khỏe mạnh như một vị tiên giáng trần. Cụ mời chàng vào nhà, mời ở lại ăn cơm rồi thân mật hỏi chuyện về hoàn cảnh riêng tư của chàng. Chàng kể: cha mẹ mất sớm, không ruộng nương, nhà cửa, người thân, ngày ngày phải vào rừng đào củ mài, củ bình vôi để nuôi thân. Với tấm lòng nhân ái, ông cụ đem cho chàng một ống gạo, một cành lá dâu, năm hạt bầu và dặn:

Sau này anh sẽ có của ăn của để, nhưng anh phải làm theo mấy điều: Về nhà lấy năm hạt bầu này trồng, khi nào ra quả không được ăn non. Cành dâu anh trồng cho mọc, lá tỏa tán tứ phía anh không được chặt. Quả bầu khi về già để làm cái đàn bầu, còn gốc dâu thì đẽo làm cán. Lá để nuôi tằm, tơ để làm giống tạo thành một cây đàn tính réo rắt tiếng tơ.

Tính vuồn tính khát sai tả coóc

Then vuồn then hăn bjoóc dạn tom

Cáy vuồn cáy hăn non dạn khuế

Gần vuồn hăn nhân nghịa dạn giăng.

(Dịch: Tính buồn để năm dây bỏ xó/Ong buồn ong lánh nhụy hoa thơm/Gà buồn gặp sâu lười cũng bỏ/Người buồn gặp tình nghĩa không thưa).

Mấy câu ca làm cho chàng say đắm, quên cả đói mệt. Cả làng say sưa kéo đến nghe chàng tập hát, tập đàn. Một cô gái sống cuộc đời tần tảo yêu anh, làng xóm vun đắp cho mối tình của hai người. Cây đàn tính trước kia có năm dây tạo thành nhiều cung bậc trầm bổng, thánh thót, réo rắt quá làm cho nhiều người mê mẩn không thiết tha làm việc. Anh chàng đến gặp ông cụ già nhờ bỏ bớt hai dây đàn, giữ lại ba dây cho đến tận ngày nay. Ba dây đó gồm: dây tiền, dây hậu và dây trung. Tiền, hậu, trung có ý nghĩa là có trước, có sau và trung thủy, trung thành đừng bội bạc.

Theo lịch sử, vào khoảng thế kỷ XV - XVI khi hai tập đoàn phong kiến Lê và Mạc tranh chấp ngai vàng, vua nhà Mạc thất thế bèn đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình. Trạng chỉ nói gọn một câu: "Cao Bằng nhất thốn thổ khả dung sổ thể" (nghĩa là: Một tấc đất Cao Bằng có thể dung thân, ẩn náu vài đời). Nhà Mạc bèn lên chiếm cứ Cao Bằng, gây dựng triều đại phong kiến nhà Mạc, xây kinh đô ở Na Lữ, lập hậu cứ ở Lũng Hoàng Phja Ngả trên dãy liên sơn nối liền từ Phja Ngả vào Phiêng Sa, Lũng Vạ, chợ thì họp ở Thành, dân địa phương gọi là Háng Séng (chợ Cao Bình ngày nay). Do vùng đất này quá xa kinh đô sầm uất Thăng Long, cộng thêm tư tưởng chiến bại, vua quan nhà Mạc buồn bã, quân lính mệt mỏi nhớ nhà, vì thế họ cũng thấy có nhu cầu sinh hoạt văn hóa. Họ phát hiện vùng Cao Bằng từ xa xưa vốn đã có cây đàn tính, đang được nhân dân sử dụng làm cho đời sống văn hóa thêm phong phú, người dân thêm lạc quan... Nhà vua cho tuyển những cây đàn với nam thanh nữ tú lên cung đình phục vụ. Nhà vua cắt cử trạng nguyên Bế văn Phụng làm quản nhạc coi sóc các nhạc công, ca sĩ, kĩ nữ; cắt cử một danh sĩ tên Đạt họ Mã chuyên đặt lời cho đàn then. Đến khi triều đình nhà Mạc tan rã trước sức tấn công bền bỉ của vua Lê, các nhạc công, ca sĩ cung đình chia tay nhau trở về quê cũ.

Từ thời nhà Mạc khi lên đóng đô ở Cao Bằng đã coi đàn tính, hát then như là một loại nhã nhạc cung đình. Đàn tính có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Tày, Nùng. Nó là một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc, đồng thời được coi như linh hồn trong nghệ thuật dân ca dân vũ, là biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày - Nùng Cao Bằng.

Trải qua năm tháng lịch sử thăng trầm, nghệ thuật hát Then được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 12/12/2019. Đã nói đến hát Then thì không thể thiếu cây đàn tính, vì thế, việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống này luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bảo tồn. Đặc biệt là công tác bảo tồn vốn cổ về tư liệu sách, đạo cụ, trang phục; phát huy vai trò trao truyền của nghệ nhân; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Then, đàn tính ở các xã, phường, thôn bản; các trường học thành lập câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca Tày, Nùng", "Em yêu hát Then, đàn tính"...; các nghệ nhân dân gian mở lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Tất cả các hoạt động này đều nhằm tới một mục đích chung là bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính ở Cao Bằng.

Ngày nay, đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), chúng ta sẽ thấy biểu tượng đàn Tính. Biểu tượng gồm hình ảnh ba cây đàn Tính có kích thước bằng nhau được bố cục sắp xếp cao - thấp theo nhịp điệu chính - phụ. Cây giữa làm trụ để hai cây tiếp theo gắn kết bằng các dải mây cách điệu. Ba cây đàn biểu tượng cho số lượng nhiều, chỉ tính đa dạng, đồng thời nói lên tinh thần đoàn kết, thống nhất của cộng đồng các dân tộc anh em. Dải mây làm nhiệm vụ gắn kết và cũng là bệ đỡ tạo ra một khối thống nhất cho bố cục tổng thể chặt chẽ. Bệ là hình khối chữ nhật, khắc họa phù điêu hoa văn cách điệu, tạo dấu ấn văn hóa vùng miền rõ nét, sâu sắc. Bên dưới cùng là đế bệ được tạo hình tự nhiên mô phỏng hình ảnh ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Việt Nam.

Để bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính dân tộc Tày, Nùng trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ việc kết hợp trình diễn những làn điệu Then cổ và những sáng tạo mới, kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hơi thở hiện đại. Tại Cao Bằng, Then Tính là làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày, Nùng. Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng của người Tày, Nùng. Hát Then, đàn tính thường được biểu diễn trong các ngày lễ, tết, chúc thọ và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc. Lời then mượt mà, sâu lắng, cùng âm sắc cao vút của đàn tính đã thu hút, in đậm trong tâm trí của các thế hệ người dân tỉnh Cao Bằng và du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, tại các lễ hội, đàn tính được giới thiệu tại các gian hàng không gian sinh động và hấp dẫn về văn hóa, con người, sản phẩm chế tác đàn tính để quảng bá rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, khách trong và ngoài nước. Khi đó, cây đàn tính không chỉ là sản phẩm làm quà tặng cho các đoàn khách mà đàn tính còn có khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế không ít cho tỉnh nhà. Như vậy, hát Then, đàn tính sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức gìn giữ các phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày - Nùng Cao Bằng.

Hát then, đàn tính của người Tày - Nùng đã gắn bó, đi vào đời sống tinh thần từ lâu đời và đến nay vẫn được gìn giữ. Ảnh: M.H

Hát then, đàn tính của người Tày - Nùng đã gắn bó, đi vào đời sống tinh thần từ lâu đời và đến nay vẫn được gìn giữ. Ảnh: M.H

Nhằm giữ vững và phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần quan trọng làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh được thành lập năm 2011. Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh cho biết: Để bảo tồn và phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên lĩnh vực dân ca, Hội tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến truyền dạy dân ca, thành lập đội xung kích tuyên truyền. Hiện Hội có 2.192 hội viên, sinh hoạt tại 10 chi hội. 100% các huyện, Thành phố có câu lạc bộ dân ca. Đến nay, Hội tổ chức nghiên cứu, sưu tầm 45 bài hát dân ca các dân tộc; sáng tác, đặt lời mới 162 bài hát; xây dựng 56 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội cơ sở. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Truyền thông các huyện, Thành phố và Đoàn Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh với trên 6.800 lượt hội viên tham gia. Tích cực truyền dạy, phổ biến dân ca trong nhân dân, những năm qua, Hội tổ chức truyền dạy hát Then, đàn tính cho hơn 600 hội viên thuộc nhiều lứa tuổi. Chế tác, sản xuất hơn 2.000 cây đàn tính phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Tham gia tích cực và có chất lượng các hoạt động tư vấn, phản biện; đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến, đề án khoa học về bảo tồn dân ca, hát Then, đàn tính cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Tạo điều kiện cho văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, sáng tác các sản phẩm nghệ thuật dựa trên chất liệu dân ca.

Trân trọng và biết ơn các thế hệ nghệ nhân dân gian, những người con yêu văn hóa nghệ thuật, yêu những lời ca đằm thắm, mượt mà của điệu then và cây đàn tính. Chúng ta cần bảo tồn và phát huy làn điệu hát Then - đàn tính, bởi thông qua cây đàn tính mang đến sự kết nối mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc, khiến con người gắn bó, hòa hợp với nhau và đàn tính trở thành vật thiêng liêng, là linh hồn trong đời sống tâm linh, tình cảm của con người nơi quê hương cội nguồn cách mạng.

Đàn tính chính là biểu tượng văn hóa đặc sắc, đã và đang hòa nhập với dòng chảy văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại. Nhưng bản sắc riêng hát Then - đàn tính của dân tộc Tày - Nùng Cao Bằng sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.

Đỗ Thị Diễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dan-tinh-bieu-tuong-van-hoa-dac-trung-cua-dan-toc-tay-nung-cao-bang-3173812.html