Dân TP.HCM dùng smartphone biết điểm kẹt xe

Lần đầu tiên trên cả nước, TP.HCM đã triển khai thành công ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông.

Hệ thống camera giám sát đường hầm sông Sài Gòn - Ảnh: Đỗ Loan

Hệ thống camera giám sát đường hầm sông Sài Gòn - Ảnh: Đỗ Loan

“Mắt thần” giám sát các điểm kẹt xe

Tại lầu 3 Trung tâm Điều khiển của đường hầm Sài Gòn có rất nhiều màn hình treo trên tường và hệ thống máy tính quản lý. Các kỹ sư, nhân viên vận hành hệ thống máy móc nhanh chóng, chính xác là nhờ hệ thống camera hiện đại.

Mọi hoạt động diễn ra trong đường hầm, các tuyến đường có gắn camera đều được thu lại và truyền hình ảnh về đây. Khi chúng tôi đến, ca trực có 8 nhân viên đang chăm chú theo dõi trên màn hình máy tính.

Hiện cổng thông tin giao thông của TP có 525 nghìn lượt truy cập, trung bình mỗi ngày có 11 nghìn lượt truy cập. Cổng thông tin giao thông cung cấp các điểm kẹt xe, lô cốt… người dân chỉ cần vào kho ứng dụng của điện thoại tải về “TTGT” hoặc trên máy tính vào website:giaothong.hochiminhcity.gov.vn để biết tình trạng giao thông hiện tại trên địa bàn TP. Ngoài ra, cổng thông tin còn cung cấp các vị trí bãi đỗ xe trong 59 khu vực trung tâm TP, 42 tuyến đường được đậu xe và 114 vị trí nhà VSCC; 165 vị trí trạm xăng; 1.496 trạm y tế, bệnh viện…

Vừa ghi chép nhật ký hàng ngày, vừa theo dõi màn hình, một nhân viên phụ trách bộ phận điện trong đường hầm bỗng phát hiện một xe máy lưu thông về hướng quận 2 dừng xe trong hầm. Gặp tình huống này, nhân viên quản lý đường hầm đã chuẩn bị phương án cứu hộ để đưa chiếc xe ra khỏi hầm. Tuy nhiên, chỉ ba phút sau, chiếc xe kia đã nổ máy và đi ra khỏi hầm.

Quay sang hệ thống giám sát camera trên các tuyến đường của TP, chúng tôi thấy xuất hiện hình ảnh ùn tắc trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Ngay lập tức, nhân viên phụ trách đã cập nhật và truyền dữ liệu sang cổng thông tin giao thông. Tại cổng thông tin này, hình ảnh kẹt xe được cảnh báo người dân có thể truy cập để tìm hướng đi thông thoáng hơn. Trường hợp xảy ra ùn tắc lâu, nhân viên sẽ báo cho CSGT khu vực, đơn vị liên quan để phối hợp giải tỏa.

Anh Nguyễn Văn Trung, Đội trưởng Đội Vận hành đường hầm điều khiển giao thông cho biết, ngoài việc giám sát camera đường hầm, phòng điều hành còn tiếp nhận và xử lý các thông tin từ đường dây nóng 1022 sau khi người dân gọi điện phản ánh. Riêng trong tháng 3, trung tâm đã tiếp nhận từ tổng đài 57 tin về hạ tầng kỹ thuật, giao thông trên địa bàn TP và đã thông tin kịp thời đến các đơn vị liên quan để xử lý.

Anh Trung cho biết, trong tháng 3 trung tâm cũng đã ghi nhận 123 thông tin, trong đó 64 tin về TNGT, 59 thông tin về xe đông, di chuyển chậm. Các vị trí thường xảy ra ùn tắc như: Giao lộ Tân Kỳ Tân Quý, giao lộ Nguyễn Xí, đường Phan Văn Trị (đoạn cầu Hang Trong)…

Công khai chất lượng môi trường trên bảng thông tin TP

Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn là đầu mối giám sát giao thông qua 340 camera trên toàn địa bàn thành phố. Từ thông tin của camera, trung tâm đã kịp thời truyền tải, cung cấp thông tin về tình hình giao thông giờ cao điểm lên 48 bảng thông tin điện tử đặt khắp TP.

Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, hệ thống giao thông thông minh của TP cung cấp nhiều thông tin cho người dân, từ hình ảnh camera đến mật độ giao thông trên đường... để người dân chủ động hơn trong quá trình tham gia giao thông. Đồng thời, hệ thống này cũng giúp giảm đáng kể lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và chỉ can thiệp khi xảy ra tình trạng ùn tắc hay TNGT”.

Sắp tới, trung tâm sẽ triển khai việc kết nối 250 chốt tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính về trung tâm, phục vụ cho công tác điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên những tuyến đường chính. Việc này giúp giảm bớt ùn tắc, cũng như phối hợp với CSGT xử lý một số hành vi vi phạm giao thông thông qua hệ thống camera giám sát, ông Triết nói.

Ngoài việc cung cấp thông tin về giao thông, mới đây trung tâm đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP cung cấp các thông tin về kết quả quan trắc môi trường lên 48 bảng thông tin giao thông của TP. Bao gồm các thông tin về không khí, tiếng ồn, chất lượng môi trường như: NO2, CO, PH, DO, COD… Việc công bố này nhằm mục tiêu cung cấp thông tin về chất lượng môi trường (không khí, nước sông, kênh rạch) đến cộng đồng một cách nhanh chóng góp phần tác động đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ứng dụng thông minh cho người đi xe buýt

Trên tuyến xe buýt số 109 (Công viên 23/9 - Sân bay Tân Sơn Nhất), chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai người nước ngoài đang cầm điện thoại tìm kiếm lộ trình tuyến xe buýt thông qua phần mềm Busmap. Theo hai vị khách này, đến Việt Nam, họ chỉ sử dụng phương tiện công cộng xe buýt sau khi tải về phần mềm Busmap trong ứng dụng của điện thoại.

Tương tự, trên tuyến xe buýt số 86 (Hàm Nghi - ĐH Tôn Đức Thắng), hầu hết các sinh viên khi được hỏi, cho biết đều sử dụng Busmap để tìm lộ trình các tuyến xe buýt trên địa bàn TP.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, với Busmap, việc đi xe buýt ở TP HCM rất thuận tiện, tất cả mọi người có thể tra cứu để xem thông tin trên điện thoại smartphone. Nổi bật ở Busmap là dù điện thoại di động không có kết nối internet thì người dùng vẫn có thể tìm kiếm đường đi của xe buýt theo lộ trình có sẵn.

Hiện, phần mềm Busmap đã có 228 nghìn lượt tải về trên điện thoại di động, mỗi ngày có khoảng 12 nghìn lượt truy cập, hoạt động ổn định, được hành khách đánh giá cao. Ngoài ra, Trung tâm còn lập ra một phòng giám sát điều hành qua hệ thống camera để giám sát các tiếp viên, tài xế và phòng ngừa kẻ gian, móc túi trên 3.000 xe buýt của TP.

Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/dan-tphcm-dung-smartphone-biet-diem-ket-xe-d206510.html