Dân Trung Quốc tin chiến tranh lạnh với Mỹ là không thể tránh khỏi
Đa phần dân Trung Quốc tin chiến tranh lạnh với Mỹ là điều không thể tránh khỏi, dù các chuyên gia nhận định vẫn còn dư địa cho những nỗ lực ngoại giao.
John Mearsheimer là nhà phân tích chiến lược theo trường phái hiện thực tại Đại học Chicago. 15 năm trước, ông Mearsheimer dự đoán xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Thời điểm đó, không nhiều người ủng hộ dự đoán của chuyên gia người Mỹ.
Nói một cách công bằng, những năm đầu thế kỷ 21 được coi là "tuần trăng mật" trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ (2005-2006) Robert Zoellick thậm chí gọi Trung Quốc là "một bên có trách nhiệm".
Nhưng giờ đây, thế giới vừa trải qua một năm kinh hoàng, trật tự quốc tế có phần hỗn loạn, bởi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng ngày càng trầm trọng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Trong bối cảnh đó, một cuộc chiến tranh lạnh mới không còn là khái niệm viển vông, theo South China Morning Post.
Dân Trung Quốc nghĩ gì?
Tuần qua, Thời báo Hoàn cầu - chuyên trang thuộc sở hữu của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - đăng một thăm dò dư luận. Nó cho thấy người dân Trung Quốc nhìn nhận quan hệ với Mỹ đang đi tới chiến tranh lạnh.
Khảo sát thu hút 2.000 người sống tại 16 thành phố của Trung Quốc tham gia. Tới 56% tin rằng chiến tranh lạnh sẽ xảy ra hoặc không thể tránh khỏi. Thậm chí, 12% bi quan chiến tranh lạnh đã bắt đầu.
Cuộc thăm dò cũng mang tới kết quả đáng chú ý về tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao tại Trung Quốc. Xu thế này trùng hợp với chiến lược đẩy mạnh tuyên truyền chống Mỹ mà Bắc Kinh tiến hành những năm gần đây.
Động thái trên đi ngược lại quy tắc bất thành văn nhằm tránh rạn nứt về ý thức hệ giữa hai nước, kể từ khi Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1979.
Theo khảo sát, hơn 70% số người được hỏi nói Trung Quốc ngày càng có lợi thế trong cuộc đối đầu với Mỹ. Hơn 85% cho rằng Bắc Kinh cần "kiên quyết chống lại" hoặc "phản đối thẳng thừng" những điều mà người Trung Quốc coi là chủ nghĩa bá quyền của Mỹ.
Đối với phương Tây, những cuộc thăm dò dư luận do truyền thông nhà nước Trung Quốc tiến hành không khả tín, bởi người dân có thể tự kiểm duyệt câu trả lời của bản thân để tránh rắc rối, đặc biệt khi câu hỏi liên quan tới vấn đề chính trị nhạy cảm.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận cũng phản ánh thái độ ngày càng tiêu cực của người Trung Quốc về đối phương.
Ở mức độ nhất định, kết quả thăm dò là minh chứng cho cái nhìn bi quan của Mearsheimer đối với chính trị giữa các siêu cường, cụ thể là Trung Quốc.
Theo giáo sư Wang Jisi, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, góc nhìn của ông Mearsheimer nhận được sự quan tâm rộng rãi ở Trung Quốc.
Ông Mearsheimer cho rằng Trung Quốc là quốc gia "theo chủ nghĩa hiện thực triệt để", và nước này "không thể trỗi dậy hòa bình", bởi Mỹ sẽ không khoan nhượng khi xuất hiện kẻ thách thức xứng tầm.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại cho rằng Trung Quốc cần trở thành một "bá quyền" để ngăn chặn mọi thách thức và đe dọa từ các quốc gia khác.
"Trung Quốc bị xúc phạm trước ý tưởng rằng Mỹ là bên kiến tạo các nguyên tắc an ninh ở Đông Á. Họ muốn thay đổi nguyên trạng hiện nay. Trung Quốc đã làm rõ họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi nguyên trạng nếu cần thiết", ông Mearsheimer phát biểu hồi tháng 10.
Phụ thuộc vào Bắc Kinh
Ông Mearsheimer tuyên bố phát ngôn của ông không nhằm chỉ trích Trung Quốc. Chuyên gia người Mỹ cho rằng hành vi của Bắc Kinh về cơ bản giống với các cường quốc khác khi lợi ích bị đe dọa.
"Cấu trúc hệ thống quốc tế, chứ không phải Tổng thống Trump hay Chủ tịch Tập Cận Bình, là động lực thúc đẩy sự trỗi dậy của các nước bá quyền khu vực", ông Mearsheimer nói.
Giới chuyên gia Trung Quốc đa phần đồng ý quan hệ song phương Mỹ - Trung đang bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới, nhưng không cho rằng đối đầu trực diện hay thậm chí chiến tranh nóng là điều không thể tránh khỏi.
Cùng với giáo sư Wang, giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân Trung Quốc có chung nhận định: vẫn còn dư địa cho các nỗ lực ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh.
Thực tế cho thấy năm 2020 không mang lại thành công về đối ngoại cho Trung Quốc, bất chấp Bắc Kinh dành nhiều nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ y tế cho các nước trong bối cảnh dịch bệnh.
Nguyên nhân một phần xuất phát từ chiến thuật "ngoại giao chiến lang" của Bắc Kinh.
Theo thăm dò do Pew Research tiến hành hồi tháng 10, thái độ đối của người dân tại Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia với Trung Quốc đã đạt tới mức tiêu cực chưa từng có.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc va chạm với hàng loạt quốc gia láng giềng như Malaysia, Philippines và đặc biệt là Ấn Độ liên quan đến các vấn đề biên giới trên bộ và trên biển.
Đồng thời, quan hệ giữa Trung Quốc và Australia rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong bối cảnh ấy, việc tiếp tục để quan hệ song phương với Mỹ xấu đi sẽ chỉ "lợi bất cấp hại" cho Trung Quốc.
Nhiều học giả Trung Quốc hiếm khi nói về trách nhiệm của Bắc Kinh trong quan hệ đang lao dốc với Washington. Tuy nhiên, hai giáo sư Wang và Shi cho rằng tương lai quan hệ song phương Mỹ - Trung phụ thuộc lớn vào thái độ của Bắc Kinh.
Theo hai vị giáo sư, để cứu vãn quan hệ, Trung Quốc cần thể hiện thiện chí bằng cách giảm tông các luận điệu tuyên truyền chống Mỹ, kiềm chế cách hành động trên Biển Đông cũng như vấn đề Đài Loan.