Đan Trường nói gì khi MV bằng công nghệ AI bị chê?
Đan Trường đã có chia sẻ mới nhất khi MV ứng dụng công nghệ AI 'Em ơi ví dầu' bị chê bai về hình ảnh và bối cảnh.
Đan Trường lên tiếng về MV "Em ơi ví dầu"
Đan Trường gây chú ý khi phát hành MV "Em ơi ví dầu" nhờ ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Sau 4 ngày ra mắt, hiện MV đạt hơn 404.000 lượt xem trên YouTube.
Tuy nhiên, khi MV trình làng, vấp phải nhiều tranh luận về mặt hình ảnh và bối cảnh. "Gương mặt nhân vật cứng đơ, mắt không có hồn", "Hình ảnh AI không đẹp bằng anh Đan Trường ngoài đời", "Nhìn anh Bo khác quá, không nhận ra", "Bối cảnh MV là miền Tây nhưng có ruộng bậc thang, núi non trùng điệp là sao?", "Ca từ và hình ảnh, bối cảnh trong MV không khớp"... là một số bình luận của khán giả.
Thậm chí, có khán giả đặt câu hỏi liệu Đan Trường có đang lạm dụng công nghệ AI. "Nghệ sĩ giờ còn lười đóng cả MV của chính mình", một khán giả bình luận bên dưới MV.
Mới đây, trên trang cá nhân, Đan Trường lên tiếng về sản phẩm gây tranh luận. Anh cho biết: "Lâu rồi Đan Trường mới hát lại nhạc dân ca miền Tây Nam Bộ, mà lại là một bài rất ưng ý.
Như mọi lần, nếu không quay MV, ê-kíp chỉ ra bản audio ghép thêm một tấm hình và tiếng. Nhưng lần này, ê-kíp bỏ thời gian hơn hai tháng để áp dụng công nghệ AI vào MV làm cho bài hát thêm sinh động và nhiều cảm xúc.
Có thể lần này là bước khởi đầu, chưa ưng ý nhưng cả nhà yên tâm 1-2 năm nữa, công nghệ AI sẽ làm hình của Đan Trường y như thật 100%".
Trước đó Đan Trường nói rằng, đây là thử nghiệm đầu tiên của anh khi tạo ra hình ảnh trong MV dân gian từ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ê-kíp mất hai tháng để thực hiện, trải qua nhiều lần chỉnh sửa.
"Khâu khó nhất khi thực hiện MV là dùng AI tạo chuyển động, do các công cụ hiện tại chỉ hỗ trợ tạo các đoạn video dài 4 giây mỗi lần.
Để tạo ra một đoạn ngắn 4 giây, chúng tôi cần sử dụng từ 4 đến 16 tấm hình. Tôi và ê-kíp đã dùng các công cụ AI khác nhau để tạo hơn 600 hình ảnh", ca sĩ cho hay.
Ngoài ra, quản lý của nam ca sĩ cho biết thêm, với bản AI đã tung ra, hình ảnh không sống động, đẹp như bên ngoài, nhưng ê-kíp đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới. Ê-kíp muốn dành MV này để gửi tặng khán giả và người hâm mộ.
Âm nhạc ứng dụng AI đang diễn ra thế nào?
Đan Trường không phải nghệ sĩ đầu tiên áp dụng công nghệ AI vào sản phẩm âm nhạc. Ca sĩ Hà Anh Tuấn trước đó cũng áp dụng công nghệ AI kết hợp 3D vào MV "Hoa hồng", nhưng sản phẩm này dạng visualizer nên chất lượng hình ảnh tốt.
Tháng 3/2023, Ann - ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam cũng từng gây xôn xao với MV "Làm sao nói thương anh". Sản phẩm khi đó gây tranh cãi bởi khán giả cho rằng giọng hát không ấn tượng, giống những bản cover trên mạng xã hội.
Sản phẩm của Ann hiện đạt hơn 222.000 lượt xem sau hơn một năm ra mắt. Đây là một con số kém ấn tượng, thậm chí nhiều khán giả vẫn chưa biết đến sự tồn tại của ca sĩ ảo. Từ đó đến nay, Ann cũng không có thêm bất cứ sản phẩm nào khác.
Trên thế giới, mô hình ca sĩ ảo phát triển khá thịnh hành trong nhiều năm qua. Tờ CNN bình luận: "Ngành công nghiệp thần tượng ảo đang bùng nổ và cùng với nó là một nền kinh tế hoàn toàn mới hình thành.
Những thần tượng này có lợi thế lớn vì không bao giờ già, không có bất kỳ vụ bê bối nào và hoàn hảo về ngoại hình - điều mà một quốc gia bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp luôn khao khát".
Hiện, chưa có thống kê cụ thể về số lượng thần tượng ảo trên thế giới. Tuy nhiên, có thể nhắc đến Lucy của Hàn Quốc, Lil Miquela của Mỹ, Lu của Brazil, Lạc Thiên Ý của Trung Quốc, Hatsune Miku của Nhật Bản…
Các nhân vật đều mang những đặc điểm riêng của châu lục, chủng tộc và công việc mà nhà sản xuất mong muốn. Đa số các giọng hát AI đều gây được sự chú ý với thị trường ở thời gian đầu, nhưng sau đó nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Bất chấp lợi thế, giới chuyên môn nhận định, rất khó để thần tượng ảo thay thế con người thật. Bởi, việc đầu tư cho thần tượng ảo không hề dễ dàng. Như chia sẻ của đại diện công ty Shanghai Henian, dàn dựng một buổi hòa nhạc của nghệ sĩ ảo tốn nhiều nguồn lực hơn.
Tiết lộ với SCMP, phía Shanghai Henian nói rằng, để chuẩn bị show trong hai giờ của Lạc Thiên Y, đội ngũ khoảng 200 người từ Trung Quốc và Nhật Bản làm việc suốt 6 tháng.
Mọi chuyển động, nét mặt phải được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp chuyển động và mô hình 3D phức tạp.