Đạn vẫn bay đến bây giờ...
Tên bài viết này chính là một câu thơ trong bài Cơn mê in trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi, Nhà Xuất bản Lao Động năm 1992: 'John Baca bóp cò hai mươi năm về trước/ Đạn vẫn bay đến bây giờ'.
Bài thơ viết tặng John Baca, một cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam.Trong một lần cùng đồng đội mình ở trong boongke cát, một quả lựu đạn của du kích ném vào boongke. John Baca đã lấy mũ sắt của mình úp quả lựu đạn và nằm đè lên để che cho đồng đội. Lựu đạn nổ. Bụng John Baca như vỡ tung. John được đưa ra hạm đội 7 và chuyển tới Nhật cấp cứu. John Baca thoát chết và được Quốc hội Mỹ trao tặng mề đay cao quí nhất. Ông trở thành “anh hùng” của nước Mỹ. Mấy năm trước tôi thấy John Baca ngồi xem bóng chày với Tổng thống Barack Obama.
Mấy chục năm sau chiến tranh, John Baca cùng một nhóm cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam để bỏ tiền quyên góp được xây dựng lại trạm xá Yên Viên, Hà Nội như một cách sám hối cho việc tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Ngày đó tôi được nhờ làm phiên dịch cho đoàn cựu binh này. Ngày ngày, John Baca cùng các cựu binh khác tham gia chuyển gạch, vôi để xây trạm xá.
Năm 1993, tôi cùng nhà thơ Lê Minh Khuê đến Mỹ tham dự hội thảo văn học mùa hè. Và chúng tôi đã đến thăm John Baca. Ông sống trong một ngôi nhà hơn 10 mét vuông tự dựng bằng những đồ phế thải ở bang Maryland. John Baca đã nói với tôi: “Tôi đã rời chiến trường Việt Nam về nước, nhưng những viên đạn tôi bắn ở Việt Nam vẫn bay đến bây giờ trong tâm trí tôi”. Mấy chục năm sau chiến tranh, John Baca vẫn không có khả năng trở lại cuộc sống bình thường. Ông không thể đi tới hôn nhân. Cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục trong con người ông. Những cơn ác mộng về chiến tranh luôn hành hạ ông. Ông nói với tôi ông chỉ sống với một con chó. Khi ông đau đớn bởi vết thương cũ và khi ông hoảng loạn trong đêm bởi những cơn ác mộng về chiến tranh, con chó an ủi ông bằng cách liếm lên ngực ông cho tới khi ông tỉnh lại.
Hồi đó, có một cựu binh Mỹ tên là Jack đã phải bỏ dở việc xây dựng trạm xá Yên Viên trở về nước. Tiếng xe máy chạy trong đêm trên đường Nguyễn Văn Cừ qua nhà khách nơi nhóm cựu binh Mỹ nghỉ làm Jack không thể ngủ được. Không phải vì tiếng ồn mà với Jack tiếng xe máy giống như từng loạt súng đang nổ. Jack có thể đóng kín cửa hay bịt tai để có thể không nghe được tiếng xe máy vọng vào căn phòng. Nhưng thực ra tiếng súng vang lên từ trong ký ức Jack. Khi tôi tiễn Jack ra sân bay, Jack đã khóc và nói lời xin lỗi.Nhiều năm sau gặp lại John Baca, tôi hỏi thăm Jack. John buồn rầu nói Jack trầm trọng hơn trước. Tiếng súng vang lên mỗi ngày một nhiều hơn và một to hơn trong đầu Jack. Jack đã bỏ nhà đi lang thang như một người vô gia cư và nhóm cựu binh xây dựng trạm xá Yên Viên không có tin tức gì từ Jack đã rất lâu.
Mấy tháng trước, tôi nhận được tin buồn một người bạn của tôi đã mất ở tuổi 72. Đó là cựu binh, nhà văn danh tiếng của nước Mỹ -Larry Heinemann. Tiểu thuyết Chuyện chàng lính Paco của ông giành Giải thưởng Sách Quốc gia của Mỹ, được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Mấy năm trước Larry sang Việt Nam, ông nói với tôi: “Ám ảnh chiến tranh Việt Nam vẫn như một cái xác chưa được chôn trong nhiều gia đình cựu binh Mỹ. Một câu nói vô cùng ám ảnh. Sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, Larry làm nghề lái xe bus. Nhưng ông bỏ nghề đó sau mấy tháng bởi ông luôn cảm thấy máu cuốn vào bánh xe của ông. Sau này ông đã viết về cảnh đó trong một cuốn sách như là tự truyện của ông. Ông có một cậu con trai bị tự kỷ. Ông đau khổ nhưng ông nói với tôi ông đau khổ hơn nhiều lần bởi chính ám ảnh chiến tranh làm cho ông thay đổi và ảnh hưởng đến đứa trẻ. Ông bước vào con đường viết văn bởi nghĩ rằng chỉ bằng cách đó ông mới có thể thoát được hội chứng chiến tranh Việt Nam. Viết văn và những chuyến trở lại Việt Nam làm việc với các nhà văn Việt Nam cho Larry thoát được những ám ảnh chiến tranh thường xuyên hành hạ ông trước đó.
Nhưng ông có một người bạn cùng tiểu đội trong thời gian tham chiến ở Việt Nam đã mất mà không thể nào thoát ra khỏi cơn hội chứng về chiến tranh Việt Nam. Người cựu binh với cái tên thường gọi trong thời gian ở chiến trường Việt Nam là Bob. Bob mong ước trở lại Việt Nam để đi qua cái khúc ngoặt ven một quả núi Tây Ninh, để chắc chắn rằng sau khúc ngoặt đó, không có tiếng súng nào vang lên và tiếng đổ vật xuống của một lính Mỹ bị trúng đạn phục kích. Tiểu đội của Bob thường thường tuần tra và họ phải đi qua khúc ngoặt nơi chân núi. Và hầu như lần nào cũng có một tiếng súng vang lên và một lính Mỹ bị bắn gục.
Sau đó, tiểu đội của Bob không dám đi qua khúc ngoặt ấy nữa. Khúc ngoặt ấy trở thành nỗi ám ảnh kinh hãi với Bob và những lính Mỹ khác. Mỗi khi gọi điện cho Larry, Bob lại nói về khúc ngoặt đó và khao khát trở lại Việt Nam để thử đi lại một lần xem sao. Larry đã trở lại Tây Ninh và đi lại khúc ngoặt đó. Ngay đêm đó, Larry gọi cho Bob và nói rằng mình đã đi qua khúc ngoặt đó và mọi chuyện bình yên. Không có tiếng súng nào mà chỉ có những ngôi nhà mọc lên sau chiến tranh và một cánh đồng lúa rộng chạy dài dọc theo chân núi. Nhưng Bob vẫn mang cảm giác nghi ngờ và sợ hãi. Bob vẫn muốn trở lại để chính Bob cảm nhận được những gì Larry kể. Nhưng Bob không trở lại được. Ông mất vài năm sau đó và mang theo nỗi kinh hãi về một khúc ngoặt trong chiến tranh.
Có một người phụ nữ rất nổi tiếng ở Mỹ. Bà được gọi là “Bà mẹ của phong trào phản chiến”. Đó là nhà văn Grace Palley. Khi bà mất năm 2014, một số tờ báo ở Việt Nam có đưa tin và nói một trong những cây đại thụ của văn chương Mỹ đã ra đi. Hồi còn trẻ sống ở New York, sáng sáng bà ra một ngã tư đứng đó với một biểu ngữ chống chiến tranh Việt Nam. Bà kể mỗi tối trở về người bà ướt và hôi nồng nặc mùi nước bọt của những người Mỹ đi qua nơi bà đứng biểu tình nhổ vào bà. Nhưng nửa năm sau, hàng ngàn người Mỹ đứng bên bà để chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bà là người Mỹ được chọn vào Việt Nam để đón một số phi công Mỹ bị bắt lần đầu tiên được trao trả trong thời gian chiến tranh. Bà không phải là một cựu binh Mỹ nhưng lần nào tôi đến gặp bà, bà cũng hỏi tôi một câu: “Việt Nam đã hết chiến tranh chưa”. Một cái gì đó không bình thường đang diễn ra trong bà. Nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen nói với tôi bà chỉ hỏi những người Việt Nam câu hỏi ấy. Có lẽ khi hai từ Việt Nam vang lên thì ngay lập tức toàn bộ cuộc chiến tranh trở về và xâm chiếm tâm trí bà. Sau khoảnh khắc đó, bà trở lại là một nhà văn danh tiếng thông tuệ và hài hước.
Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Quan hệ Việt Nam và Mỹ đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng với không ít những cựu binh Mỹ, những viên đạn họ bắn ra trong cuộc chiến tranh ấy vẫn bay đến bây giờ như John Baca, một người hùng của nước Mỹ.
Mấy năm trước Larry sang Việt Nam, ông nói với tôi: “Ám ảnh chiến tranh Việt Nam vẫn như một cái xác chưa được chôn trong nhiều gia đình cựu binh Mỹ". Một câu nói vô cùng ám ảnh.
Larry nói với tôi ông chỉ sống với một con chó. Khi ông đau đớn bởi vết thương cũ và khi ông hoảng loạn trong đêm bởi những cơn ác mộng về chiến tranh, con chó an ủi ông bằng cách liếm lên ngực ông cho tới khi ông tỉnh lại.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/dan-van-bay-den-bay-gio-1649415.tpo