Dân vận để tập hợp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022), mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị luôn gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khẳng định tầm quan trọng công tác dân vận

Cách đây 92 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và nghị quyết về công tác vận động quần chúng. Từ đó, các cơ quan chuyên môn về các giới vận động của Đảng được thành lập, mở ra một trang mới trong công tác dân vận của Đảng. Ngày 31/8/1947, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về xây dựng Đảng đoàn và các ban chuyên môn, trong đó có Ban Dân vận. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận”, đăng trên báo Sự Thật, nội dung bài báo có thể coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng và Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm Ngày Dân vận cả nước.

Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" (thay thế Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X). Quyết định số 23-QĐ/TW có nhiều điểm mới, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đối với công tác dân vận: "Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo quy định của Đảng và Nhà nước; gương mẫu thực thi công vụ, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân".

Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức tuyên dương điển hình, mô hình “Dân vận khéo”. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức tuyên dương điển hình, mô hình “Dân vận khéo”. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cùng với đó, nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực công tác dân vận, các giới, các giai tầng xã hội như: công đoàn, công nhân; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; người Việt Nam ở nước ngoài; công tác giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng, miền... được ban hành đồng bộ, là nền tảng để công tác dân vận ngày càng phát huy vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát huy phong trào “Dân vận khéo”

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, đối với tỉnh Sóc Trăng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, xem nhân dân là hậu phương, là căn cứ của cách mạng vững chắc, tạo thành sức mạnh vĩ đại đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở Sóc Trăng giành được thắng lợi. Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 32.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, nhờ hiệu quả và sự lan tỏa của phong trào đã góp sức đưa thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Trao đổi về kết quả thực hiện công tác dân vận, đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Tím - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành (Sóc Trăng) thông tin, thời gian qua phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn luôn sôi nổi và hiệu quả, góp phần quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đến nay có 6/7 xã đạt chuẩn (còn lại xã Thuận Hòa đạt 17/19 tiêu chí). Ban Dân vận đang tập trung phối hợp thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, vận động nguồn lực giúp xã Phú Tâm được công nhận đạt chuẩn đầu năm 2022 và phấn đấu đưa xã Hồ Đắc Kiện đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Tâm quyết tâm nâng cao các tiêu chí, chú trọng nâng cao chất lượng nông thôn mới trên địa bàn từng ấp, từng khu dân cư, từng tuyến đường, từng hộ gia đình, tạo nền tảng vững chắc xây dựng xã nông thôn mới.

Đồng chí Trầm Kim Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận xã Phú Tâm chia sẻ: “Địa phương đang tiếp tục phát huy công tác dân vận để xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, vận động nhà ở cho hộ nghèo, cầu nông thôn, quà cho hộ khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương vận động xây dựng 3 cây cầu trị giá hơn 1 tỷ đồng; thành lập 3 tổ vận động nhà ở, qua đó đã xây dựng được 1 căn nhà cho hộ bức xúc nhà ở; vận động gần 1.000 phần quà nhân dịp lễ, Tết”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, sự quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của Nhà nước, năm 2022, hoạt động kinh tế - xã hội cơ bản đã trở lại bình thường và tăng tốc, nhân dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, quyết sách quan trọng, trong những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận. Ban dân vận các cấp quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” để hưởng ứng và thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/dan-van-de-tap-hop-tang-cuong-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-60851.html