Dân vạn đò sau hơn 10 năm lên bờ
Hơn một thập kỷ được lên bờ, dân vạn đò sông Hương đã ổn định cuộc sống nhưng nhiều người vẫn bộn bề lo toan
Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai đưa người dân vạn đò sông Hương, sông Đông Ba ở TP Huế lên bờ. Đây được xem là cuộc di dân lịch sử của Huế với hơn 1.000 hộ dân vạn đò được đưa tới tái định cư (TĐC) trong các khu nhà liền kề hoặc chung cư tại 2 phường Hương Sơ và Phú Hậu, TP Huế và xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (nay thuộc TP Huế).
"An cư lạc nghiệp rồi"
Khu TĐC người dân vạn đò sông Hương ở thôn Lại Tân, xã Phú Mậu nằm nép mình bên Tỉnh lộ 2 nay đã khang trang với những ngôi nhà cao ráo, xây cất bề thế. Hơn 10 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo lên bờ, cư dân vạn đò ở Vỹ Dạ làm nghề sông nước được về Lại Tân còn lắm gian truân, công việc bấp bênh thì nay đã ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, khi dân vạn đò mới đến đây, chính quyền xã, thôn đau đầu vì suốt ngày phải hòa giải các vụ vợ chồng cãi vã, đánh nhau hoặc xử lý những vụ việc mất an ninh trật tự. "Nay thì khác, dân đã có cuộc sống khá ổn định, nhiều người xây cất nhà lầu. Con cái họ học hành tới nơi tới chốn, nhiều người vào đại học, nay ra trường có việc làm ổn định" - ông Trai cho biết.
Ngược ra phường Hương Sơ, đến những khu nhà liền kề, khu chung cư của dân vạn đò, chúng tôi chứng kiến cuộc sống của họ đã đổi thay. Người dân không còn cảnh lênh đênh sông nước, cơ cực như ngày nào.
Sau cơn lũ dị thường đầu tháng 4-2022, anh Nguyễn Đình Đức và vợ là chị Huỳnh Thị Bi tiếp tục công việc đan lồng chim bán, kiếm tiền nuôi gia đình. Khi chúng tôi hỏi lũ lụt có ảnh hưởng gì không, anh Đức cười chân chất: "Nước chỉ thấm dột vài chỗ trong nhà".
Anh Đức cho rằng nếu cơn lũ vừa rồi xảy ra mà gia đình còn ở dưới đò như ngày xưa thì sẽ rất vất vả. "Cứ mưa bão là chồng chèo vợ chống, đưa thuyền đi nấp từ chỗ này sang chỗ khác. Đêm hôm phải thức trông con nhỏ, không để rớt xuống sông. Giờ thì chỉ sợ lũ quá lớn như năm 2020, chứ mấy cơn bão lũ khác chẳng nhằm nhò gì. Chúng tôi đã an cư lạc nghiệp rồi" - anh Đức khẳng định.
Vợ chồng anh Đức lên bờ về Hương Sơ khi họ đã có 3 con. Thấm thoắt đã hơn 10 năm, họ sinh thêm 3 đứa nữa. Con đầu của họ đã đi làm ở một tiệm bánh nổi tiếng tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, lương 5 triệu đồng mỗi tháng nên thường gửi về đỡ đần cha mẹ, lo cho các em ăn học.
Anh Đức vốn ở phường Phú Bình, TP Huế, có 6 anh chị em, từ nhỏ tới lớn theo gia đình cùng con thuyền nhỏ trôi dạt trên sông Đông Ba. Chị Bi sinh ra trên chiếc bè là nhà, lấy sông Hương đoạn chảy qua phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP Huế làm bến đậu. Chị bảo gia đình chồng dù nghèo nhưng vẫn khá hơn nhà chị.
Lớn lên, họ gặp nhau rồi trở thành vợ chồng. Ngày đám cưới chỉ có vài ba bàn tiệc, họ nhờ người thân kết đò rước dâu từ Bao Vinh lên sông Đông Ba để chị Bi về sống chung với gia đình anh Đức trên con đò cũ nát.
Năm 2009, TP Huế triển khai di dân vạn đò, cả gia đình 13 người được phân một căn nhà liền kề chừng 40 m2 làm chỗ ở chung. Ngày lên bờ, vợ chồng anh Đức chẳng có một đồng làm vốn sinh nhai. Chiếc đò cũ tháo dỡ làm bàn thờ tạm, rước tổ tiên lên bờ. Năm đó, mùa đông mưa gió lạnh lẽo. Anh Đức gắng sức đạp xe chở mẹ về nhà người bà con ở miệt biển Thuận An vay mượn ít tiền lên sinh sống.
Hằng ngày, anh Đức - chị Bi đạp xích lô vào chợ Đông Ba bốc vác, chở hàng thuê nuôi gia đình. Giờ đây, họ làm thêm nghề đan lồng chim, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng lo cho con cái ăn học.
Đi quanh khu TĐC của người dân vạn đò ở Hương Sơ, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay. Cuộc sống của họ đã ổn định với sự tấp nập của các cửa hàng tạp hóa. Quán ăn mọc lên như nấm. Nhiều gia đình mở doanh nghiệp hay hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Tập nay chỉ ở nhà giữ cháu để con cái làm việc, tiền ăn uống trong gia đình không phải lo lắng. Cách đây 2 năm, gia đình ông bỏ ra vài trăm triệu đồng để sửa chữa nhà khang trang hơn.
Nhiều người còn bộn bề lo toan
Tại các khu TĐC dân vạn đò sông Hương, không phải tất cả gia đình đều khấm khá, ổn định. Trong hơn 1.000 hộ dân vẫn còn nhiều gia đình khốn khó, bộn bề lo toan về nhà cửa, kế sinh nhai.
Những gia đình này cho rằng do xuất phát điểm của họ quá nghèo. Khi lên bờ, mỗi hộ hơn 10 nhân khẩu chỉ được mua một căn nhà rộng chừng 40 m2. Năm tháng trôi qua, con cái lớn dần, lập gia đình mới nên thiếu nhà ở. Nhiều hộ phải chia nhỏ căn nhà để gia đình sinh sống. Phía sau căn nhà của vợ chồng anh Đức tại khu TĐC Hương Sơ có khá nhiều trường hợp như vậy. Những căn nhà ở đây rộng chừng 12 m2 nhưng có đến 5-6 người sinh sống.
Trưa nắng gắt, mùi hôi thối từ dưới mương thoát nước giữa 2 dãy nhà bốc lên nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh vẫn đứng cạnh đó để nấu ăn. Tưởng chúng tôi là cán bộ đô thị phường đến kiểm tra, chị cười như muốn nhận được sự cảm thông. "Chú thông cảm. Nhà tôi lấn mương nước thật, vậy là sai rồi nhưng khổ cực lắm nên đành làm vậy" - chị bày tỏ.
Dẫn chúng tôi đi giới thiệu chỗ ở của mình, chị Hạnh cho biết đây là phần bếp căn nhà liền kề của cha mẹ chồng, được xây vách để ngăn phần chính, rộng chừng 10 m2. Đó là nơi ở của vợ chồng chị cùng 3 người con.
"Khi lên bờ, gia đình chúng tôi có 4 cặp vợ chồng, thêm con cái nữa là 15 người nhưng nhà chỉ rộng 40 m2 thì làm sao ở? Vợ chồng tôi phải ra đây che tạm chỗ ở cho tiện bề sinh hoạt" - chị Hạnh giải thích.
Vợ chồng anh Lê Văn Điệp với 3 con cũng xin phần bếp của nhà chồng làm căn phòng vài mét vuông để ở, vì khi lên bờ, gia đình có đến 13 người. Theo anh Điệp, dù ảnh hưởng cuộc sống vì mưa là ngập, nắng lên là hôi thối nhưng chẳng có tiền để xây nhà mới. Cuộc sống gia đình trông chờ vào nghề phụ hồ của anh Điệp và từ việc bán cá thuê tại chợ đầu mối của vợ anh.
Mong được xóa khoản nợ mua nhà
Năm 2008, TP Huế xây và mua lại tổng cộng 424 căn nhà liền kề, căn hộ chung cư ở 2 phường Hương Sơ, Phú Mậu để bố trí cho các hộ dân vạn đò lên bờ TĐC.
Đối với căn hộ chung cư, người dân được mua với giá 170-186 triệu đồng, tùy theo tầng; nhà liền kề khoảng 55 triệu đồng/căn. Mỗi hộ mua nhà, căn hộ được chính quyền hỗ trợ 15 triệu đồng, số tiền còn lại họ sẽ trả trong vòng 30 năm - 10 năm đầu không tính lãi, những năm sau tính theo lãi suất thị trường. Số tiền được chia nhỏ ra từng tháng để người dân dễ trả. Ngoài ra, chủ các căn hộ còn nộp phí bảo trì chung cư là 2% giá trị căn nhà.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tiển, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày nhận nhà nhưng đến nay, rất ít hộ dân trả tiền mua. "Việc thu tiền rất khó khăn nên chúng tôi giao cho phường đứng ra thuê. Số tiền thu được có trích phí trả cho người đi thu nhưng vẫn khó thu được tiền" - ông Tiển cho biết.
Tại chung cư ở phường Phú Hậu, nhiều căn hộ đã xuống cấp sau vài năm sử dụng khiến người dân bất an. Trần nứt, nước thấm dột khi trời mưa đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ.
Ông Tiển giải thích các căn hộ được đưa vào sử dụng năm 2008 - 2010 nên xuống cấp theo thời gian, mặt khác do người dân cơi nới, sửa chữa làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình; cần khoảng 2 tỉ đồng để sửa chữa. "Theo quy định thì các chung cư đều có 2% quỹ bảo trì để sửa chữa. Song, vì rất ít người nộp tiền nên chúng tôi đang xin cơ chế của tỉnh để bố trí kinh phí sửa chữa" - ông Tiển cho hay.
Người dân ở chung cư Phú Hậu bảo rằng họ biết vậy nhưng do quá khó khăn, chỉ mong chính quyền tạo điều kiện để căn hộ được sửa chữa cũng như xóa khoản nợ mua nhà.
Chi phí nhiều quá
Bà Hà Thị Xin cho biết năm 2008, gia đình bà gồm 14 người được đưa lên bờ TĐC và mua một căn hộ chung cư với giá 180 triệu đồng. Căn hộ nằm ở tầng 1, rộng hơn 30 m2, chỉ có một phòng ngủ và một phòng vệ sinh nên bà phải làm thêm gác lửng bằng gỗ để thờ ông bà, phía sau làm chỗ ngủ cho các con. "Tôi bán chiếc đò cũ mới có tiền làm gác lửng. Ở dưới đò người ta cho điện, nước sử dụng, khi lên đây phải trả tiền, chi phí nhiều quá" - bà Xin tâm sự. Về số tiền mua căn hộ, bà Xin cho biết lúc đầu bà nộp được vài tháng. Sau đó, thấy chẳng mấy ai nộp tiền và cuộc sống quá khó khăn nên bà cũng không đóng.
Theo bà Trần Thị Lọt, chủ một căn hộ ở chung cư Phú Hậu, lên bờ cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp nên bà cũng không có tiền để nộp khoản còn thiếu khi mua nhà.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dan-van-do-sau-hon-10-nam-len-bo-20220423202105259.htm