Dân vận khéo là gắn bó với nhân dân - nghe dân nói, nói dân tin
Gắn bó với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng ta. Trong bản di chúc Bác Hồ đã đúc kết: 'Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác'. Bài học muốn có sức mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù nhất thiết phải làm tốt công tác dân vận, phải gắn bó với nhân dân. Điều này không chỉ đúng và có giá trị suốt 94 năm qua mà còn dẫn đường, chỉ lối cho chúng ta đi tới những thắng lợi trong tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Đảng phải gần dân, tin dân, trọng dân, học dân để lãnh đạo dân. Người đặt ra 5 yêu cầu đối với cán bộ đảng viên. Trước tiên, cán bộ, đảng viên muốn nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, nghĩa là biết: “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Trung, hiếu vốn là phẩm chất hàng đầu của đạo đức nho giáo cũng như chuẩn mực giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nối dòng lịch sử, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp ấy, đồng thời nâng lên một tầm cao mới có ý nghĩa xã hội to lớn. Người dạy: “Ngày xưa trung là trung với vua, hiếu là hiếu với cha mẹ mà thôi”, còn ngày nay: “Trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân, lấy dân làm gốc”. Với đạo đức trung hiếu với cách mạng như vậy, người cán bộ, đảng viên nhất định sẽ được dân tin, dân phục, dân yêu. Đối với những chiến sĩ bộ đội và công an, Người yêu cầu phẩm chất đạo đức hàng đầu là “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thứ hai, muốn phát huy sức mạnh của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu và có uy tín cao trong nhân dân. Vì vậy, Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác dân vận, bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, ở đâu cũng phải tự mình nêu gương trước nhân dân. Nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người chỉ rõ: “Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy ví dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn mình lại cứ chén tì tì thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa, mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?”.
Thứ ba, cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hằng ngày của mọi người, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người cho rằng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền cần phải luôn trau dồi và gương mẫu về đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Những hành động, việc làm cụ thể đó chính là dân vận khéo, sẽ là cơ sở để người cán bộ thuyết phục nhân dân, tổ chức tập hợp lực lượng quần chúng xung quanh mình để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình, không ngừng rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục các thói tệ của chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng. Phải thấm nhuần sâu sắc và bền bỉ thực hiện lời dạy của Bác: “Vô luận trong hoàn cảnh nào người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi nào lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục vụ lợi ích của Đảng”.
Thứ năm, để thắt chặt mối quan hệ gắn giữa Đảng với dân, với cán bộ, đảng viên phải liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn, tổ chức nhân dân thành lực lượng, phong trào hành động cách mạng, từ đó phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên với mong muốn Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái. Luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Chính vì thế người cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước nhân dân, trước quần chúng, tránh mọi thói tật tham ô, nhũng nhiễu nhân dân.