'Dân vận khéo' phát huy sức mạnh của nhân dân
'Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong' - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh khắc ghi, cụ thể hóa bằng phong trào thi đua 'Dân vận khéo'. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình có sức lan tỏa trong cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mang đến những mùa xuân no ấm, hạnh phúc.
ón xuân Nhâm Dần năm nay, người dân Ngọc Chiến, huyện Mường La vui hơn khi diện mạo nông thôn đổi mới sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng với tên gọi “Miền quê cổ tích” được du khách đặt cho nơi đây. Câu chuyện đầu xuân của Ngọc Chiến luôn được nhắc đến, chính là bắt nguồn từ việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, nói với chúng tôi mỗi lần trở lại vùng đất này: Dân vận khéo, tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy nhân dân làm gốc với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” là “chìa khóa” phát huy nội lực trong dân. Quan trọng nhất là các chủ trương, công việc đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân; thực hiện theo đúng phương châm “Ý Đảng, lòng dân”.
Chỉ tính 2 năm trở lại đây, người dân các bản hiến đất, góp công đổ bê tông 116 tuyến đường lớn, nhỏ, với chiều dài hơn 54 km. Người dân gọi đây là “Dự án 0 đồng”, bởi toàn bộ việc giải phóng mặt bằng đều do bà con tự nguyện đóng góp, hiến đất, tự mang máy xúc, ô tô đến thi công. Cùng với đó, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến còn tuyên truyền, vận động nhân dân trồng gần 19.000 cây ban, mai anh đào dọc tuyến đường trung tâm xã; mỗi bản đã xây dựng 1 sân vận động 1.500 m² trở lên; xây dựng 19 cổng chào của các bản làm bằng gỗ pơ mu hoặc xây bằng đá cuội, mỗi cổng cao 6 m, rộng 8 m; các bản lắp gần 2.200 chiếc cột điện… với tổng trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Thế mới biết, huy động được sức mạnh của nhân dân, thành công lớn đến nhường nào.
Thật khó có thể kể hết những mô hình “Dân vận khéo” đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phong trào “Dân vận khéo” được cụ thể hóa qua mô hình các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tự quản. Với phương châm “Mỗi gia đình là một pháo đài”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, góp sức, góp của, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Toàn tỉnh đã thành lập 5.347 tổ Covid cộng đồng và 1.818 tổ tự quản, với hơn 21.000 thành viên tham gia. Cùng với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp người dân đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, đồng sức, đồng lòng và chiến thắng đại dịch Covid-19”; lời kêu gọi “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19” của Trung ương MTTQ Việt Nam, toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận trên 23 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Phù Yên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, hơn 600 tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, là “cánh tay nối dài” cùng các lực lượng góp sức ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đồng chí Cầm Vĩnh Chi, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Yên, đánh giá: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các tổ Covid-19 cộng đồng nắm rõ, thông thuộc ngõ xóm và tình hình dân cư tại cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời phát hiện các trường hợp trở về địa phương có hành vi tránh chốt, không khai báo y tế; quản lý, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng truy vết nhanh, triệt để các trường hợp F1, F2, hoặc có tiếp xúc gần với người trở về từ vùng có dịch, hoặc nghi nhiễm Covid-19 để xử lý theo quy định, các tổ Covid-19 cộng đồng đã trở thành “lá chắn” vững chắc không để dịch lan rộng trong cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh duy trì 2.665 mô hình “Dân vận khéo”, gồm 1.921 tập thể và 744 cá nhân. Các mô hình thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thực sự đi vào cuộc sống khi xuất hiện đều khắp ở các địa bàn trong tỉnh. Các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và gắn liền công tác an sinh xã hội, cuộc sống của người dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân; xuất phát từ dân và chăm lo lại cho dân; huy động nhân dân chung sức đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Kha Mạnh Sâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, khẳng định: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia với nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Kết quả của phong trào góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò điều hành và sức chiến đấu của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Qua đó, củng cố niềm tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.