Dân vận khéo, thực tiễn từ Trực Ninh
Phong trào 'Dân vận khéo' ở huyện Trực Ninh (Nam Định) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, nhiều năm liền được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với những giải pháp đồng bộ. Thông qua những mô hình 'dân vận khéo' trong từng lĩnh vực công tác đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh nhân dân địa phương, phát triển kinh tế,tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Trực Ninh (Nam Định) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, nhiều năm liền được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với những giải pháp đồng bộ. Thông qua những mô hình “dân vận khéo” trong từng lĩnh vực công tác đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh nhân dân địa phương, phát triển kinh tế,tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Phát huy nội lực phát triển kinh tế
Thực tế cho thấy để phát động thi đua "Dân vận khéo" trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị, xã hội phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.Trong đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, phát động phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức - Bí thư Huyện ủy Trực Ninh, Nguyễn Thị Thu Thủy trao đổi.
Nhiều năm liền, công tác dân vận trên địa bàn Trực Ninh đã hướng mạnh và tạo động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ðây cũng là lĩnh vực có nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các xã. Trong huyện đã xuất hiện hàng loạt mô hình như: "Tổ nông dân liên kết góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế"; "Nhân dân hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới"; "Dồn điền, đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa, giống mới"; "Chuyển đổi cây trồng vật nuôi"; "Tích tụ ruộng đất, giảm tình trạng ruộng bỏ hoang".
Các mô hình "Dân vận khéo" trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, hợp tác xã,... đã thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nổi bật như: Công ty TNHH Cường Tân sản xuất giống lúa lai F1 tại xã Trực Hùng với tổng diện tích canh tác 305 ha, sản lượng hằng năm từ 1.000 đến 1.200 tấn thóc giống, bảo đảm chất lượng cung ứng cho thị trường các tỉnh trong cả nước. Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Cường tại xã Trực Ðạo, với diện tích sáu héc-ta đang trồng cây dược liệu (trạch tả, sài đất, bạch chỉ). Công ty TNHH Minh Dương tại xã Trực Chính với mô hình trồng 20 mẫu khoai tây tại vùng bãi, sản lượng hơn 100 tấn/vụ; Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải sản xuất ổn định với 1.200 con lợn nái sinh sản, cung cấp hơn 20 nghìn con lợn giống/năm cho các trang trại chăn nuôi lợn thịt. Trang trại hộ ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái; bà Ngô Thị Thắm xã Trực Thuận, hai trang trại đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP...
Công tác dân vận đã vận động nông dân đi vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, thực hiện liên danh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm... Mô hình "Chăn nuôi đa dạng sinh học, sản xuất theo chuỗi giá trị" của hộ ông Nguyễn Văn Thục, ở xã Trực Thái; Mô hình "Sản xuất rau củ, quả sạch" của ông Lâm Văn Lưu, ở xã Trực Hùng; Mô hình "Sản xuất lúa lai liên kết với Công ty Cường Tân" của ông Vũ Trung Trực ở xã Trung Ðông; Mô hình "Cải tạo máy nông cụ phục vụ sản xuất trong nông nghiệp" của ông Trịnh Văn Diện, ở xã Trực Chính; Mô hình "Liên kết với Công ty Toản Xuân sản xuất gạo sạch" tại xã Trực Thuận... góp phần hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường.
"Dân vận khéo" ở Trực Ninh đã vận động nhân dân tạo động lực, sức mạnh xây dựng nông thôn mới. Phong trào trong toàn huyện đã huy động nhân dân tự nguyện đóng góp 256 tỷ đồng và hiến hơn 321 ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; huy động sức dân xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 546 km đường giao thông, trong đó có 95 km đường liên xã, trục xã, tập trung cải tạo, nâng cấp 5.365 công trình thủy lợi, nạo vét hơn hai triệu mét khối kênh mương cấp 3 nội đồng. Năm 2017 huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn huyện hiện nay không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt hơn 97%... Các mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới ở Trực Ninh đã thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống người dân.
Tăng cường mối quan hệ Ðảng - Dân
Thực tế cho thấy, để phát triển phong trào "Dân vận khéo", huyện Trực Ninh có nhiều giải pháp tuyên truyền và định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng thời coi trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực. Trong hệ thống chính trị, nội dung "Dân vận khéo" gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri, công tác tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân… Ðể đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh Lưu Văn Dương trao đổi, cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình "Dân vận khéo" gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại với nhân dân. Một số cơ quan, đơn vị được chỉ đạo đăng ký thực hiện những nội dung về: bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường; giải quyết những bức xúc, nổi cộm của nhân dân, không để xảy ra điểm nóng…
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội trong huyện coi trọng đổi mới tác phong công tác, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.Tiêu biểu là các mô hình: "Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính"; "Ðăng ký xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, phấn đấu giữ danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa"; "Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới"; "Tuyến đường xanh, sạch đẹp do chi hội phụ nữ tự quản"; "Nhóm cha mẹ tại cộng đồng";"Chi tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe cộng đồng"; "Tuyên truyền vận động nhân dân giữ vững an ninh ở cơ sở"...
Ðến nay, toàn huyện đã triển khai xây dựng 795 mô hình tập thể và cá nhân hoạt động "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có 27 mô hình kinh tế, 67 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, 13 mô hình về quốc phòng - an ninh và 688 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Ðức Ngọc trao đổi, về tổng thể, các mô hình hướng vào mục tiêu kết hợp giữa vận động với việc chăm lo lợi ích quần chúng, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Thực tế Trực Ninh cho thấy để "Dân vận khéo" có sức lan tỏa trong đời sống, đạt được hiệu quả phải có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Gắn liền với đó, công tác xây dựng các phong trào, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và có sự thống nhất về nội dung, phương pháp triển khai. Phong trào phải đa dạng về nội dung và hình thức vận động quần chúng. Việc xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho địa phương, đơn vị và nhân dân, tạo được sự chuyển biến thực chất trong mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân.