Dân vận khéo trong công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Để bà con nhân dân trong tỉnh tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế là công việc khó khăn, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an là nòng cốt.
Nhận diện rõ tình hình
Tuyên Quang là địa bàn có điều kiện tự nhiên nhiều rừng núi, tập trung tại các huyện vùng cao. Một số dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Mông) có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật rừng nhằm cải thiện cuộc sống, bảo vệ mùa màng… Hiện nay, tập quán đó không còn nữa nhưng vẫn còn số ít trường hợp lén lút sử dụng súng hoặc không giao nộp nhằm lưu giữ làm kỷ niệm. Ngoài ra vẫn còn một số người có sở thích sử dụng súng săn bắn giải trí nên cố ý che giấu việc tàng trữ, sử dụng, ít tham gia nghe tuyên truyền, vận động, các biệt còn cất giấu vũ khí ở trên rừng trong các hang, hốc đá gây khó khăn cho công tác vận động thu hồi.
Trước thực trạng này, từ năm 2017 đến nay, lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã tham mưu, tổ chức 4.480 buổi tuyên truyền cho hơn 450.000 người về các quy định của pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo tại các cuộc họp thôn, khu dân cư, các buổi ngoại khóa tại các trường học... Công an các huyện, thành phố xây dựng nội dung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, thôn; tổ chức ký 275.222 bản cam kết đối với tổ dân phố, hộ gia đình, hộ kinh doanh, học sinh, sinh viên và đối tượng có biểu hiện hoạt động vi phạm.
Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng công an toàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Báo cáo của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ: 5 năm qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã thu hồi hơn 4.087 khẩu súng các loại, 7.711 viên đạn; 127 công cụ hỗ trợ, 318 vũ khí thô sơ, 406 linh kiện để lắp ráp vũ khí và 185 quả lựu đạn, bom, đầu đạn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đồng chí Đặng Đình Cường – Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là công việc khó khăn, nhất là khi đối tượng vi phạm lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại các địa bàn vùng cao của tỉnh, nơi đời sống của nhân dân và giao thông đi lại còn khó khăn. Dẫn chứng thực tế cho thấy, trong tổng số hơn 4.087 khẩu súng đã thu hồi thì có 3.224 khẩu súng các loại thu được trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 79% toàn tỉnh). Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thu nộp vũ khí vật liệu nổ phải đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, từ năm 2021, Chi bộ Đội Đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang đã đăng ký thực hiện mô hình Dân vận khéo về "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; pháo, đèn trời và đồ chơi nguy hiểm bị cấm" nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác này.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Chi bộ đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về một số thông tin, kiến thức có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm, các luật, văn bản có liên quan tại 04 cơ quan, địa bàn cho hơn 1.000 người nghe (Nhà máy Z129, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và xã Kiến Thiết (Yên Sơn). Trong 6 tháng đã phát hiện, xử lý 02 vụ với 02 đối tượng vi phạm về sử dụng vũ khí (súng săn), phạt tiền 30 triệu đồng; vận động thu hồi 08 khẩu súng, 07 công cụ hỗ trợ và 04 viên đạn.
Nói về con số người dân tự nguyện giao nộp vũ khí sau vận động, đồng chí Đặng Đình Cường chia sẻ: Được một hộ tự nguyện giao nộp vũ khí đã là một thành công. Bởi điều này chính là sự thay đổi về nhận thức của người dân. Và một hộ thay đổi, sẽ có thêm những hộ tiếp sau mà kết quả là đã có nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ người dân tự giác giao nộp cho thấy những chuyển biến tích cực sau khi được vận động, thuyết phục.
Tuy nhiên, theo đồng chí Đặng Đình Cường, để công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt kết quả hơn nữa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau. Trong đó, công tác triển khai thực hiện các quy định về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được đặt dưới sự chỉ đạo, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Vì thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo thì nơi đó thực hiện hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần tiến hành thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng khu dân cư, nhóm đối tượng với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, phong phú. Lực lượng nghiệp vụ, Công an cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động rà soát, lập danh sách đối tượng theo 4 nhóm đối tượng gồm:
Đồng bào dân tộc, người còn lưu giữ vũ khí làm kỷ vật, đối tượng trước đây được trang bị nay theo quy định không được trang bị, đối tượng ngoài xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả. Tập trung sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, phân loại, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không chấp hành, chống đối, cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa; kết hợp tốt giữa công tác xử lý cá biệt và tuyên truyền giáo dục chung; kiên quyết không để tình trạng tái vi phạm các quy định về vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ xảy ra trong thời gian tiếp theo.