'Dân vận khéo' trong xây dựng, bảo vệ môi trường ở Bình Lục
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ (HPN) huyện Bình Lục luôn chú trọng duy trì, nhân rộng nhiều mô hình 'Dân vận khéo' có nội dung phù hợp với đời sống cộng động dân cư, nhất là nội dung về xây dựng cảnh quan, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Qua đó, không chỉ giúp cán bộ, hội viên phụ nữ (CBHVPN) thực hiện tốt phong trào thi đua (PTTĐ), xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hoàn thành tiêu chí về vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Để giúp CBHVPN chủ động, tự giác xây dựng môi trường, cảnh quan nhà ở xanh, sạch, đẹp, tiết kiệm kinh phí cho gia đình, qua đó hưởng ứng phong trào xây dựng huyện NTM nâng cao, các cấp HPN ở Bình Lục luôn chú trọng phát động, hướng dẫn HVPN tham gia PTTĐ “Dân vận khéo” với những phần việc cụ thể, thiết thực, gần sát thực tế đời sống.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Lục, thiết thực hưởng ứng PTTĐ “Dân vận khéo”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn hội LHPN các xã, thị trấn nghiên cứu lựa chọn đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo” với nội dung phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh việc cụ thể hóa nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tới CBHVPN. Từ sự phát động, chỉ đạo, hướng dẫn tích cực, sâu sát đồng bộ của các cấp hội, toàn huyện đã có 1.500 CBHVPN đăng ký tham gia thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Trong giai đoạn 2021 - 2023, các cấp hội LHPN từ huyện đến cơ sở ở Bình Lục đăng ký xây dựng 15 mô hình “Dân vận khéo” thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh…
Thực tế cho thấy, các mô hình đều đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như các mô hình: “Ủ rác thành phân hữu cơ bằng thùng compost, thùng bokasi”, “Câu lạc bộ dân vũ thể thao”, “Nhà sạch, vườn đẹp, đường không rác”, “Nhà sạch, bếp sạch, ngõ đẹp”, “Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Tổ hợp tác phụ nữ sản xuất nông sản sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”…
Theo đó, năm 2021, Hội LHPN huyện Bình Lục đăng ký thực hiện nội dung “Dân vận khéo” với việc xây dựng mô hình “Ủ rác thành phân hữu cơ bằng thùng compost” và thí điểm tại bốn xã: Ngọc Lũ, Bình Nghĩa, Vũ Bản, An Đổ đạt hiệu quả tích cực. Tiêu biểu nhất là mô hình của Hội LHPN xã Ngọc Lũ (đơn vị làm điểm được Hội LHPN tỉnh Hà Nam và huyện Bình Lục huy động nguồn lực xã hội hóa mua tặng 108 thùng compost trị giá 250.000đồng/thùng). Thông qua thực hiện mô hình, Hội LHPN xã Ngọc Lũ đã tuyên truyền, vận động 300 hội viên tham gia ủ rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng; đồng thời tái chế trên 20 tấn rác hữu cơ, tạo ra 5 tấn sản phẩm sau ủ, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học được khoảng 20 triệu đồng…
Một tuyến đường trục xã ở An Nội có sự tham gia vệ sinh, bảo vệ cảnh quan của cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: Nguyễn Hằng
Từ mô hình điểm tại xã Ngọc Lũ, đến nay Hội LHPN huyện Bình Lục đã nhân rộng ra toàn huyện với 17/17 cơ sở hội thành lập mô hình, qua đó mô hình “Ủ rác thành phân hữu cơ bằng thùng Bokasi” đã có gần 2.500 hộ tham gia, vừa tạo ra sản phẩm từ mô hình, vừa góp phần thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại gia đình. Các cấp HPN trong huyện cũng duy trì hoạt động 211 mô hình “Tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhiệm”, 38 mô hình “Tuyến đường xanh- sạch- đẹp do phụ nữ tự quản”. Các cấp hội còn vận động CBHVPN, nhân dân định kỳ tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày 17, 27 hằng tháng và thông qua mô hình “Ngày thứ bảy với dân”, “Ngày chủ nhật xanh”. Chị Trần Thị Hường (người dân thôn 2, Ngọc Lũ, Bình Lục) cho biết: Các cấp HPN đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế dùng túi nilon; sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu hợp lý trong nông nghiệp, không vứt vỏ chai, lọ đựng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, mương, không xả chất thải bừa bãi ra môi trường.
Năm 2022, Hội LHPN huyện Bình Lục xác định tập trung đăng ký thực hiện nội dung “Dân vận khéo” thông qua phát động, triển khai đồng loạt mô hình “CLB dân vũ thể thao” tại 100% địa bàn cơ sở. Kết quả đến nay toàn huyện đã thành lập 88 điểm mô hình “CLB dân vũ” với trên 3 nghìn thành viên tham gia tại 17/17 xã, thị trấn. Mô hình không chỉ tạo sức lan tỏa về phong trào rèn luyện sức khỏe thông qua tập luyện một số điệu dân vũ mà còn góp phần gắn kết phụ nữ cùng tham gia xây dựng, bảo vệ môi trường tại các thôn, tổ phố.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong cụ thể hóa nội dung công tác “Dân vận khéo”, năm 2023, Hội LHPN huyện Bình Lục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai mô hình “10 hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp, đường không rác”, “Nhà sạch, bếp sạch, ngõ đẹp, an toàn” góp phần xây dựng NTM nâng cao. Mô hình được tiến hành làm điểm tại xã Bình Nghĩa. Cùng với đó, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí cụ thể gồm: “5 không” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học); “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Cuộc vận động đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, ý thức trách nhiệm vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng tinh thần tương thân tương ái, qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hoàn thành tiêu chí về vệ sinh môi trường.
Được xây dựng điểm tại thôn 2 Cát Lại (Bình Nghĩa) với 15 hộ tham gia, hiện nay mô hình đã nhân rộng ra toàn xã Bình Nghĩa với 400 hộ thực hiện. Mô hình cũng được chỉ đạo nhân rộng tại nhiều xã, nhất là những xã đặt chỉ tiêu phấn đấu “về đích” NTM nâng cao năm 2023 (gồm: Đồng Du, La Sơn, Đồn Xá, An Lão, Bình Nghĩa, Tràng An, Bồ Đề, Vũ Bản, Trung Lương…). Để tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng, nhân rộng mô hình, Hội LHPN huyện Bình Lục đã hỗ trợ các gia đình cam kết tham gia thực hiện một số vật dụng ban đầu như: Men vi sinh (để ủ rác), thùng (để phân loại rác và ủ phân hữu cơ), làn đi chợ (để hạn chế sử dụng túi nilon)… với tổng kinh phí 82 triệu đồng (bằng nguồn lực xã hội hóa và nguồn vận động của hội).
Cùng với xây dựng, nhân rộng các mô hình trên đây, 3 năm qua các cấp HPN huyện Bình Lục đã tổ chức 20 lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa; kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình cho gần 3.500 lượt cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt các đoàn thể khu dân cư và HVPN. Các cấp hội LHPN huyện cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức trồng, chăm sóc 38 tuyến đường hoa, cây bóng mát; ra mắt 5 CLB “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, 10 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, đường không rác”; tặng 200 túi thân thiện với môi trường, trên 500 thùng ủ phân compost, 30 thùng đựng rác, 450 gói men vi sinh cho hộ CBHVPN ủ phân hữu cơ, xử lý rác thải tại nguồn; tặng 500 làn nhựa cho chị em đi chợ để hạn chế việc sử dụng túi nilon; ra mắt 12 “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu gây quỹ vì phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, tặng 68 suất quà (trị giá trên 20 triệu đồng)…
Những phần việc cụ thể, thiết thực, gần sát thực tế đời sống thông qua duy trì, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của đông đảo CBHVPN trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, động viên chị em hăng hái, chủ động, tích cực tham gia góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Bình Lục.