Dân vận khéo việc gì cũng thành công

Trong bài báo 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật cách đây 73 năm, Người đã nêu lên một luận điểm như một chân lý đối với cách mạng: 'Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'. Người luôn ý thức 'Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không có gì quý bằng dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân'. Đến nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam xuyên suốt trong thực hiện công tác dân vận, mang lại hiệu quả thiết thực, huy động sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước.

Từ Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã hiến đất, đóng góp làm đường giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Kỳ I:“Dân vận khéo” để khơi gợi sức dân

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong thực hiện đổi mới phương thức công tác dân vận và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội, các hội quần chúng, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều mô hình, điển hình được duy trì, nhân rộng, có sức lan tỏa, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.

Tiền đề vững chắc để thực hiện phong trào

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày 15/10 hàng năm là “Ngày dân vận của cả nước”. Ngày 22/8/2000, Ban Dân vận Trung ương đã triển khai Kế hoạch số 03-KH/BDVTW “Về việc tiến hành Ngày dân vận của cả nước và Kỷ niệm 70 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng” với các nội dung, hình thức, phương pháp “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước nhằm khơi dậy sức dân, tạo sự lan tỏa rộng lớn, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố QP-AN.

Năm 2002, Phú Thọ là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội thi “Cán bộ dân vận khéo” các cấp, tạo tiền đề thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch số 70- KH/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân vận, trong đó có nội dung chỉ đạo, triển khai phong trào “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, gắn triển khai thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các cuộc vận động, phong trào thi đua do các tổ chức chính trị xã hội phát động.

Hệ thống camera an ninh ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê được lắp đặt từ việc khéo dân vận, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Những tấm gương khéo làm dân vận

Là người có uy tín trong cộng đồng ở thôn Quán, xã Thượng Long, huyện Yên Lập, đảng viên Triệu Văn Tiên (dân tộc Dao) đã vận động người dân tích cực đóng góp tiền, công sức để đưa thôn Quán là một trong hai thôn đầu tiên của xã đạt khu dân cư NTM, góp phần đưa xã trở thành xã NTM. Là đảng viên, cán bộ hưu trí, đồng chí Tiên luôn khắc sâu lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, bởi vậy luôn xác định bản thân phải gương mẫu, đi đầu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để vận động người dân trong thôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, dần xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa.

Đồng chí Tiên cùng với Ban công tác mặt trận và người có uy tín trong cộng đồng đã vận động 35 hộ dân hiến 2.450m2 đất làm đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng nhà văn hóa; vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn ủng hộ tiền, công lao động xây tường rào, đổ sân bê tông, xây dựng cổng vào thôn, giữ gìn môi trường, mua sắm cơ sở vật chất của nhà văn hóa, xây dựng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn...Ở mỗi địa phương, mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh, những người làm công tác dân vận lại vận dụng những kỹ năng khác nhau để vận động, thuyết phục để dân hiểu, dân tin, dân làm theo.

Đối với đồng chí Nguyễn Thị Lịch- Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu Tiền Phong, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, để vận động người dân trong khu đồng thuận với chủ trương di dời nhà ở, phần mộ của người thân, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án phố đi bộ - khu nhà ở đô thị Tiên Cát- dự án trọng điểm của tỉnh có diện tích 14,2ha là phải vận động gia đình, dòng họ nhà mình trước, sau mới đến bà con làng xóm, vận động đảng viên trong khu gương mẫu thực hiện sau mới đến người dân, để mọi người cùng thực hiện.

Năm 2002, bình quân mỗi Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng một mô hình “Dân vận khéo”; năm 2010 có 877 mô hình; giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã có hơn 6.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; văn hóa- xã hội; quốc phòng- an ninh; xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Lịch chia sẻ: GPMB dự án này là điều không dễ vì trong diện tích thực hiện dự án có một phần đất nghĩa trang, nhiều gia đình không muốn di chuyển do yếu tố tâm linh. Bản thân gia đình tôi, cả bên nội, ngoại đều có phần mộ cần di dời, tôi phải họp gia đình, vận động người thân trước, sau mới đến làng xóm. Thông qua tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình đồng thuận với chủ trương này, đến nay đã có hơn 800 ngôi mộ được di chuyển lên Nghĩa trang thành phố để dự án khởi công đúng thời gian. Có những dòng họ đã đồng ý di chuyển hàng trăm ngôi mộ để thực hiện dự án. Sau khi khởi công, chúng tôi tiếp tục vận động, đã có thêm nhiều gia đình đồng thuận di chuyển mộ vào cuối năm nay để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công của dự án.

Đến nay, đã có hàng ngàn điển hình “Dân vận khéo” đóng góp công sức, khéo dân vận để khơi dậy nội lực trong nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh như đồng chí Phùng Quang Tú, khu Xuân Áng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng khéo vận động người dân thực hiện mô hình “Ngọn đèn an ninh; ông Hoàng Xuân Thủy, khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập vận động các thành viên trong dòng họ thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; bà Nguyễn Thị Thanh Hà- xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ khéo dân vận trong hòa giải ở cơ sở; anh Phan Ngọc Tiến ở khu Quang Trung 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê vận động nhân dân hiến đất làm đường...

>>> Kỳ II: Lan tỏa phong trào trong cộng đồng

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/dan-van-kheo-viec-gi-cung-thanh-cong/185103.htm