Dân văn phòng học múa ballet sau giờ làm

Sau 4 tháng học múa ballet, Khánh Uyên đành từ bỏ. Trước đó, cô chi tiền triệu để học và mua nhiều dụng cụ, quần áo tập, nhưng bộ môn đòi hỏi sự kiên trì và theo đuổi lâu dài.

 Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền học múa ballet để trải nghiệm.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền học múa ballet để trải nghiệm.

Khánh Uyên (24 tuổi, Hà Nội) đăng ký khóa học múa ballet chỉ sau vài phút thấy bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội. Trước đây, nhân viên văn phòng này từng gắn bó thời gian dài với gym và yoga bay, cô mong muốn được trải nghiệm một bộ môn mới.

2 buổi/tuần, sau giờ làm, Khánh Uyên đến lớp học múa thư giãn với các động tác tập cơ bản. Tuy nhiên, cô đánh giá đây không phải là một bộ môn dễ dàng.

"Học ballet có vẻ mềm mại và nhẹ nhàng hơn so với các môn thể thao khác. Tuy nhiên, môn học này cũng đòi hỏi người học phải thật sự cố gắng mới có thể múa đẹp được. Vì điều này nên tôi khá áp lực", cô nói thêm.

Duy trì học được 4 tháng, sau 3 khóa, Khánh Uyên xin nghỉ vì không đủ thời gian theo đuổi và xác định chưa đủ đam mê để gắn bó lâu dài.

Chi tiền triệu

Chia sẻ với Zing, Khánh Uyên cho biết một khóa học ballet căn bản sẽ rơi vào khoảng 1,3 triệu đồng cho 10 buổi. Tùy vào tên tuổi và mức độ khó của chương trình học, từng trung tâm và giáo viên sẽ đưa ra mức học phí khác nhau.

Sau khi đã trải qua nhiều bộ môn luyện tập, cô cho rằng đây là một mức chi phí hợp lý cho những ai muốn có thêm hoạt động, thư giãn đầu óc, cơ thể sau giờ làm việc.

Tuy nhiên, học viên trẻ này lại khá đau đầu trong việc chọn lựa mua trang phục.

"Tôi là người cuồng đồ tập, rất thích mặc đồ đẹp nên phân vân chọn đồ lắm, vì không biết có thể theo đuổi bộ môn này lâu dài hay không", cô kể lại.

Thế nhưng, Uyên vẫn bấm bụng mua đầy đủ đồ tập chuyên dụng cho bộ môn ballet bao gồm áo tico, tà váy, quần tất, giày múa. Tổng chi phí gần 2 triệu đồng cho một bộ trang phục đầy đủ và đẹp.

 Nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để học múa ballet, mua đồ tập chuyên dụng để có nhiều cảm hứng hơn.

Nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để học múa ballet, mua đồ tập chuyên dụng để có nhiều cảm hứng hơn.

Tương tự Khánh Uyên, Minh Ngọc (23 tuổi, TP.HCM) cũng vừa đăng ký học ballet cách đây không lâu. Ngọc thừa nhận cô muốn tập thử bộ môn này vì xem được một vài người nổi tiếng đang bắt đầu chú ý đến ballet.

Minh Ngọc lại tốn kém hơn Khánh Uyên vì chưa tìm được chỗ tập ưng ý. Cô đăng ký ở trung tâm đầu tiên với giá 1,2 triệu đồng cho 8 buổi tập luyện. Tuy nhiên, do vội vàng, cô quên mất rằng việc di chuyển từ công ty ở quận 7 đến phòng tập ở quận Bình Thạnh là quá xa xôi. Cô từ bỏ sau 3 buổi tập và mất số tiền đã đóng trước.

"Tôi đã tìm được chỗ học mới, giá tương đương với trung tâm cũ, nhưng lần này tôi chọn lớp học 1:1 để học nhanh hơn".

Uyên cho biết giá học kèm 1:1 hoặc 2:1 với giáo viên cao hơn nhiều so với lớp đại trà 10 học viên. Nhưng do môn ballet khó tiếp cận, yêu cầu rèn luyện kỹ thuật cao nên cô chấp nhận để học thử.

 Thanh Thúy xác định múa ballet là bộ môn cô theo đuổi cả đời.

Thanh Thúy xác định múa ballet là bộ môn cô theo đuổi cả đời.

Khác với mọi người, Thanh Thúy (24 tuổi, TP.HCM) đã tiếp xúc với ballet từ 4 năm trước, nhưng đến 4/2022 cô bắt đầu muốn chuyển sang hướng học bài bản và nâng cao hơn.

Với Thanh Thúy, cô lựa chọn việc học tại các lớp đại trà, một phần vì vui khi gặp được nhiều người cùng đam mê, mặt khác có thể tiết kiệm được tối đa chi phí.

Tuy nhiên, cô cũng đánh giá sự đầu tư cho việc học và tập múa ballet là không có giới hạn, nó tùy thuộc vào mức độ chịu chi của mỗi người.

"Ngoài học phí, giày múa là điều bắt buộc, giày có giá giao động khoảng 200.000 đồng/đôi, không quá đắt. Nhưng ai muốn mua đồ tập chuyên biệt hoặc dụng cụ ép dẻo dành riêng cho bộ môn này sẽ phải tốn kém hơn", cô kể.

Khó theo đuổi lâu dài

Sau 4 tháng học múa, Khánh Uyên đã xin nghỉ.

"Tôi phải công nhận học ballet rất khó, người học cần kiên trì lắm. Ngoài ra, không có bí quyết nào để bạn 'trông đẹp' cả. Đối với tôi, đó là nỗi áp lực vô hình. Ngoài ra, tập ballet không phải là một môn để giảm cân, nên tất nhiên ngoại hình của bạn sẽ không có nhiều thay đổi", Uyên nhận xét.

 Khánh Uyên quay trở lại tập yoga bay vì cảm thấy đây là bộ môn phù hợp với cơ thể hơn.

Khánh Uyên quay trở lại tập yoga bay vì cảm thấy đây là bộ môn phù hợp với cơ thể hơn.

Tuy nhiên, cô không thể phủ nhận những lợi ích mà bộ môn này mang lại cho cơ thể. Sau khi đã tập gym và yoga bay, cô nhận ra múa ballet giúp cơ thể cô dẻo dai hơn trước kia rất nhiều. Bộ môn này cũng giúp Khánh Uyên hạn chế tình trạng chuột rút ngón chân khi tập yoga bay.

"Nếu có thời gian, tôi sẽ cố duy trì vì mỗi bộ môn đều có lợi thế riêng. Nhưng cuộc sống văn phòng quá bận rộn nên tôi không thể sắp xếp thêm", cô tiếc nuối kể lại.

Riêng Minh Ngọc, người vừa chỉ tập ballet được vài buổi, lại chưa thể xác định lâu dài với bộ môn này.

"Nói chung, mỗi môn tôi đều muốn học thử cho biết, sau đó tôi sẽ lựa chọn gắn bó lâu dài với một môn phù hợp. Nhưng nếu như ai đó hỏi tôi lựa chọn hàng đầu bây giờ, có lẽ tôi vẫn chọn đi tập gym".

Ngọc đánh giá tập gym vẫn là môn thể thao dễ tiếp cận và mang lại nhiều sự thay đổi nhất. Cô không tốn kém tiền thuê PT riêng mà chỉ cần xem những bài tập trên mạng, đọc nhiều sách về dinh dưỡng, chế độ giảm cân khi tập luyện…

"Cái khó của những bộ môn đặc thù như múa ballet, múa cột, yoga… đó chính là bạn đều cần người dạy, theo sát từng buổi", cô nói.

Riêng Thanh Thúy, cô xác định ballet sẽ là môn mình theo đuổi cả đời. Cô đã từng đi tập gym, nhưng không quá hứng thú với những thanh xà ngang hay quả tạ. Múa là một nghệ thuật, và nghệ thuật là thứ thôi thúc Thúy gắn bó với bộ môn này.

 Niềm đam mê nghệ thuật thôi thúc Thúy gắn bó với việc múa mặc dù công việc văn phòng khá bận rộn.

Niềm đam mê nghệ thuật thôi thúc Thúy gắn bó với việc múa mặc dù công việc văn phòng khá bận rộn.

"Múa cũng như điện ảnh hay thanh nhạc, nó là cách bạn thể hiện, dẫn dắt, kể chuyện. Những người đam mê nghệ thuật sẽ hiểu cảm giác được hòa mình vào vở diễn, được đứng trên sân khấu là một dạng trải nghiệm gây nghiện", cô hào hứng kể.

Chia sẻ với Zing, Thanh Thúy cho biết học ballet rất đau do đó ít người có thể theo đuổi lâu dài vì cường độ ngày càng nặng.

Bộ môn này đòi hỏi người học phải ép dẻo kết hợp siết cơ song song. Ngoài xây dựng khối cơ chuyên để múa thì còn phải vặn cấu trúc xương, ví dụ như bẻ cong mu bàn chân. Đây là điều không hề dễ dàng.

"Việc kết hợp hai yếu tố nghệ thuật - nhịp điệu và sức mạnh chính là điều mình cảm thấy ballet rất hấp dẫn", Thúy cho hay.

Hiện tại, cô chỉ còn gặp khó khăn ở việc làm các chi tiết thật chuẩn, cổ chân phải đủ khỏe để làm trụ thăng bằng cho toàn cơ thể. Tuy nhiên, cô cũng nhận định rằng 2 yếu tố này phải tốn rất nhiều thời gian để rèn luyện.

Giáo viên bận rộn với những lớp nghiệp dư

My Đỗ (26 tuổi, Hà Nội) bắt đầu giảng dạy ballet từ năm 2016. Thời điểm đó, học múa ballet ở người lớn chưa thịnh hành như thời điểm hiện tại. Giờ đây, lớp học của cô đã có nhiều học viên hơn với độ tuổi dao động từ 16-50 tuổi.

Theo giáo viên này, để học múa ballet tốt hơn, người học phải duy trì từ 6-12 tháng luyện tập liên tục.

"Nếu thời gian học quá ngắn, bạn sẽ không thấy những lợi ích mà ballet mang lại. Bộ môn này giúp cơ thể chúng ta dẻo dai, thon gọn, mềm mại và đẹp hơn", cô nhận xét.

 My Đỗ bận rộn mỗi ngày với 2-3 ca dạy. Nhưng cô cho biết công việc đem lại cho mình niềm vui.

My Đỗ bận rộn mỗi ngày với 2-3 ca dạy. Nhưng cô cho biết công việc đem lại cho mình niềm vui.

Ở lớp học của cô, giáo viên cam kết sau khi hoàn thành một khóa học cơ bản, học viên có thể nắm được những động tác cơ bản nhất của bộ môn múa ballet. Một số người còn có thể sửa được một số khuyết điểm trên cơ thể như gù lưng, đứng bị lệch vai…

Phương Thu (24 tuổi, TP.HCM) là một diễn viên múa và giáo viên giảng dạy tại một trung tâm nghệ thuật.

Chia sẻ với Zing, cô cho biết mình xuất phát điểm với nghiệp múa khá muộn, đó là lý do cô muốn mở lớp dạy múa cho những người lớn, đã đi làm và bận rộn.

Ở lớp học của mình, giáo viên này chia ra những khóa học bao gồm cơ bản, sơ cấp, trung cấp và nâng cao. Học viên tại lớp của Phương Thu sẽ chi trả học phí từ 250.000-300.000 đồng/buổi học và cần học đủ 24 buổi để hết một khóa.

Tuy nhiên, muốn lên học lớp trình độ cao hơn, người học phải học đủ 3 khóa cơ bản.

"Tôi khẳng định không ai có thể nói múa được ballet sau 3 tháng. Do đó, tôi không dạy những lớp ngắn hạn, không cho học viên nhảy lớp. Tất cả những điều này nhầm mang lại trải nghiệm tốt nhất và các buổi học chất lượng cho các bạn", cô nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phương Thu cũng khẳng định học là một chuyện, múa được và múa đẹp lại là một chuyện khác.

"Không phải ai học ballet cũng có thể múa đẹp được. Học múa bao gồm rất nhiều yếu tố từ khả năng thiên phú, cơ thể dẻo dai, tinh thần vững chắc nên rất khó để xác định một ai đó có thể gắn bó lâu dài hay không", cô nói.

 Phương Thu khẳng định múa ballet là môn rất khó, cần người học có sự kiên trì và quyết tâm nếu muốn theo đuổi lâu dài.

Phương Thu khẳng định múa ballet là môn rất khó, cần người học có sự kiên trì và quyết tâm nếu muốn theo đuổi lâu dài.

Nữ giáo viên cho biết múa ballet mang rất nhiều lợi ích nếu học viên học đúng và đủ. Nếu đã nghiêm túc với bộ môn này, người học sẽ có những cải thiện về hình thể, hiểu được cơ thể, tác động lên các nhóm cơ, giúp cơ thể săn chắc, cân đối. Không chỉ tác động đến sức khỏe, múa ballet còn là liều thuốc tinh thần cho người trẻ sau một ngày dài làm việc.

Tuy nhiên khi giảng dạy ballet cho người lớn, Phương Thu cũng đối diện với nhiều khó khăn.

"Lịch làm việc của tôi chủ yếu vào buổi tối vì phải dạy sau giờ các bạn đi làm, đi học về. Các học viên của tôi lại có công việc khác nhau, thậm chí một số còn có gia đình, do đó việc sắp xếp được những buổi học rất khó khăn", cô tâm sự.

Song song với đó, cô cũng luôn phải động viên học viên của mình kiên nhẫn và nghiêm túc ngay từ những phút đầu làm quen với ballet.

Nhận định về xu hướng người trẻ ngày càng tìm kiếm các bộ môn mới lạ như múa cột, yoga bay, pilates, ballet, Phương Thu cho biết cô rất vui vì điều này.

"Các bạn trẻ đang quan tâm rất nhiều đến sức khỏe, hình thể, cải thiện cuộc sống và trau dồi đời sống tinh thần. Họ đã đủ lực về kinh tế để phục vụ cho điều mình thích và mình đam mê. Có vẻ đẹp hình thể và một đời sống tinh thần tốt sẽ góp phần giúp họ có thêm những mối quan hệ lành mạnh, điều đó khiến tôi rất phấn khởi", cô cười và nói thêm.

Mỹ Trinh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-van-phong-hoc-mua-ballet-sau-gio-lam-post1360468.html