Dân vật vờ chờ tái định cư sau xả lũ thủy điện Bản Vẽ
Hơn 30 hộ dân xã Lượng Minh bị ảnh hưởng do thủy điện xả lũ phải gồng mình sống trong những túp lều tạm bợ chênh vênh bên sườn núi, sông suối...
Gần 1 năm qua, hơn 30 hộ dân ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) phải gồng mình sống trong những túp lều tạm bợ, mỏi mòn chờ tái định cư, trong khi mùa mưa bão đang đến gần.
Những túp lều tạm bợ chênh vênh bên sườn núi
Từ TP Vinh ngược QL7 hơn 200km, men theo TL534B dọc sông Nậm Nơn (đoạn qua xã Lượng Minh) có khá nhiều căn lều tạm bợ được bà con dựng dọc sông suối hay chênh vênh bên núi để sinh sống. Đây là hệ quả của việc Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng lớn trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, khiến nhiều hộ dân với hàng trăm nhân khẩu rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Tại đây, những căn nhà kiên cố bên dòng sông Nậm Nơn trước kia hiện chỉ còn là những đống gạch vữa đổ nát, hoang tàn. May sao, trước khi thủy diện xả lũ, 34 hộ dân dọc sông Nậm Nơn ở bản Lạ, bản Minh Phương, bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh) đã kịp di dời. Tuy nhiên, gần một năm nay, 34 hộ dân này vẫn phải sống thấp thỏm, chờ tái định cư. Hiện tại, cuộc sống của họ phải dựa vào nguồn cứu trợ từ chính quyền địa phương.
Ngồi thẫn thờ trong căn lều tạm bợ nằm chênh vênh bên sườn núi, bà Lô Thị Lân (SN 1964, trú bản Minh Phương) thở dài: “Sống dưới chân đập thủy điện vẫn biết là phó mặc cho “hà bá”, nhưng giờ đất không có thì biết đi mô. Gần một năm qua, không có cách nào khác gia đình tôi phải dựng tạm căn lều bên đường chờ tái định cư”.
Còn trong căn lều tạm chắp vá rộng khoảng 20m2, nằm sát con đường vào bản Lả là nơi che mưa, che nắng của gia đình ông Lô Văn Toàn. “Năm 2018, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ cuốn hết nhà cửa nên gia đình tôi phải chuyển lên đây dựng lều ở tạm. Vào ngày nắng căn lều nóng như lò ấp, còn ngày mưa thì dột tứ bề. Cuộc sống “màn trời chiếu đất” khổ lắm, mong Nhà nước quan tâm để người dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, mùa mưa bão sắp tới lại thấp thỏm...”, ông Toàn buồn bã.
Cùng cảnh ngộ với ông Toàn, bà Lân, nhiều hộ dân ở xã Lượng Minh phải dựng lán, trại ở tạm bên các sườn núi hoặc bên đường đi vì khu quy hoạch tái định cư chưa hoàn thành. Trong khi đó, một số hộ khác vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân. Không có đất để dựng lều ở tạm, bà Lô Thị E. (SN 1969, ở bản Minh Phương) đành bám trụ lại ở căn nhà nằm chênh vênh với nhiều vết nứt ngang, dọc trên tường bên dòng Nậm Nơn. Theo bà E., do không có đất để di dời nên đành ở lại lấy mép sông dựng nhà để ở. Năm 2018, thủy điện xả lũ lớn, căn nhà của gia đình suýt bị cuốn trôi.
Mòn mỏi chờ tái định cư
Năm 2018, sau 2 đợt xả lũ của thủy điện, xã Lượng Minh có 65 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại, trong đó, đợt 1 có 31 hộ dân, đợt 2 có 34 hộ dân. Những hộ dân này được UBND tỉnh đưa vào Dự án “Di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất”. Dự án được đầu tư với số vốn 14,8 tỷ đồng với các hạng mục giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, đường điện thắp sáng.
Mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để đưa 34 hộ dân tại cụm bản Lạ và bản Minh Phương, xã Lượng Minh ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún nhà nguy hiểm, ổn định đời sống cho người dân. Theo phương án đã được thỏa thuận, để đền bù dự án cho 34 hộ dân, Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn sẽ chi 2,5 tỷ đồng, tỉnh cấp 4,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, ông Cụt Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: Hiện tại, huyện mới làm xong mặt bằng tái định cư cho 17/31 hộ tại bản Xốp Mạt, nhưng do diện tích nền hẹp nên dân chưa đồng tình chuyển lên. Còn 34 hộ dân khác được sắp xếp tái định cư phía sau trụ sở UBND xã Lượng Minh. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, gần 1 năm nay mới thi công xong đường lên khu tái định cư. “Đối với 31 hộ dân, huyện, tỉnh và thủy điện hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ để di dời nhà lên khu tái định cư mới. Còn 34 hộ, xã muốn đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm ổn định cuộc sống trước mùa mưa lũ tới, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ của nhà thầu”, ông Ninh nói.
Còn ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: Hiện tại khu tái định cư cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bởi Thủy điện Nậm Nơn, được quy hoạch xây dựng san nền gần 39.900m2, cùng với hệ thống nước sinh hoạt, điện với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân được 3/13 tỷ đồng. Vừa qua trong cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản, huyện cũng có kiến nghị và được UBND tỉnh chấp thuận giải ngân thêm 5 tỷ đồng, huyện sẽ cố gắng hoàn thiện sớm công tác san nền để di dân. Còn khu tái định cư ở bản Xốp Mạt cho 17 hộ ở bản Minh Phương trị giá 7 tỷ đồng, chỉ mới đạt 70% khối lượng san nền.
“Huyện cũng đang tích cực thúc giục nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện mặt bằng để người dân kịp chuyển lên trước mùa mưa bão sắp tới”, ông Hải nói.