Hệ thống Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam có 9 bảo vật quốc gia được lưu giữ, bảo quản và trưng bày. Trong số đó, có 4 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Còn 5 bảo vật quốc gia khác lần lượt được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Hậu cần, Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Quân khu 7.
Đầu tiên là máy bay tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324, thuộc biên chế của Trung đoàn 921, Sư đoàn không quân 371. Trong thời gian hoạt động từ năm 1965 đến năm 1967, với 69 lần cất cánh, chiếc máy bay huyền thoại đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại.
Chiếc máy bay vinh dự được gắn 14 ngôi sao đỏ ở đầu, biểu thị cho thành tích số máy bay địch bị bắn hạ, 8 trong số 9 phi công lái chiếc máy bay này, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 là bảo vật quốc gia.
Bảo vật thứ hai là máy bay MiG-21 số hiệu 5121, của Trung đoàn 921 (Trung đoàn Không quân Sao Đỏ), Sư đoàn 371. Trong quá trình tham gia chiến đấu, các phi công máy bay này đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc pháo đài bay B-52.
Chiếc máy bay gắn liền với chiến công của Anh hùng, phi công Phạm Tuân vào đêm 27/12/1972, bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bằng máy bay MiG. Tháng 10/2012, chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Thứ ba là bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, do các cán bộ Cục Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các cán bộ Bộ Tham mưu tác chiến sử dụng trong thời gian từ ngày 15-21/4/1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết, tỉnh Bình Phước.
Bản đồ thể hiện 5 hướng tấn công của Quân Giải phóng vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch, duyệt và ký vào bản đồ ngày 22/4/1975. Bản đồ được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 1/2015.
Thứ năm là xe tăng chủ lực T-54B số hiệu 843, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/1975, xe tăng số 843 là chiếc xe tăng đầu tiên đánh chiếm dinh Độc Lập, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tháng 10/2012, xe tăng số hiệu 843 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tiếp theo là xe tăng T-59 số hiệu 390, thuộc Đại đội xe tăng 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203. Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khoảnh khắc cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng của ta húc đổ, được coi là biểu tượng chiến thắng oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Chiếc xe tăng được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012.
Tàu vận tải quân sự HQ-671, trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chiến lược trên biển, tàu HQ-671 đã chở hàng nghìn cán bộ, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí, góp phần chi viện cho các chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tàu đã trực tiếp đưa vũ khí và bộ đội ra quần đảo Trường Sa. Tàu HQ-671 đã hai lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tháng 8/2018, con tàu được công nhận là bảo vật quốc gia.
Xe tải có tên "International" có nghĩa là "Quốc tế", được sử dụng để chở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số chuyến công tác tại Chiến khu Việt Bắc và một số khách quốc tế, đặc biệt có ông Léo Figùeres, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đến thăm căn cứ địa Việt Bắc năm 1950.
Chiếc xe tải được gọi là “Quốc tế” vì nó được lắp ráp bằng các bộ phận của nhiều hãng xe nước ngoài, có niên đại năm 1949, minh chứng cho tinh thần vượt khó vươn lên của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chiếc xe đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2018.
Pháo phòng không 37mm của Tiểu đội 3, Đại đội 8, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, gắn liền với sự hy sinh dũng cảm của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Trong lúc đưa pháo vào trận địa, anh đã dũng cảm lấy thân mình chèn pháo, không cho khẩu pháo lao xuống vực sâu.
Khẩu pháo này đã được Đại đội 827 sử dụng, bắn rơi 13 máy bay, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khẩu pháo phòng không 37mm được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2012.
Sách hoạt động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cuốn sách được các cán bộ điều hành của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sở Chỉ huy Tiền phương Căm Xe, tỉnh Bình Dương sử dụng để ghi lại diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 25/4 đến ngày 1/5/1975. Cuốn sách đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012. Nguồn ảnh: TheArchive.
Những kỷ lục vô tiền khoáng hậu của tiêm kích MiG-21 trong biên chế Không quân Việt Nam. Nguồn: QPVN.
Thái Hòa