Dân xã đảo gặp khó vì thuyền dân sinh hết đăng kiểm
Từ khi tạm ngừng các phương tiện thuyền dân sinh ra vào xã Nhơn Châu do hết đăng kiểm, người dân xã đảo gặp khó khăn trong việc đi lại.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, Bình Định) thông tin về việc từ khi UBND TP Quy Nhơn tạm dừng hoạt động tuyến đường thủy nội địa Hải Cảng - Nhơn Châu, việc qua lại với đất liền của người dân địa phương trở nên khó khăn hơn.
Xã đảo này cách đất liền khoảng 30 km, trước đây hầu hết các hoạt động giao thương của người dân xã đảo với đất liền đều phụ thuộc vào năm thuyền dân sinh trên tuyến đường thủy nội địa này. Hiện nay, việc di chuyển của người dân phần lớn phụ thuộc vào các ca nô du lịch với giá cao hơn rất nhiều nhưng cũng không phải muốn đi là đi được.
Vất vả tìm ca nô vào đất liền
Từ cuối tháng 3-2023, năm phương tiện của tuyến đường thủy trên bị tạm ngừng hoạt động do không đủ điều kiện về đăng kiểm đăng ký phương tiện.
Bà Trần Thị Phú, một người dân làm nghề buôn bán ở xã Nhơn Châu, cho biết trước kia khi các thuyền dân sinh còn hoạt động, việc đi lại của người dân xã đảo với đất liền cũng dễ dàng. Từ khi tạm dừng hoạt động các phương tiện trên thì việc qua lại với đất liền của người dân địa phương trở nên khó khăn. Giờ người dân muốn vào đất liền là phải phụ thuộc vào các ca nô phục vụ khách du lịch và giá vé cao hơn so với thuyền dân sinh trước đây.
“Từ khi thuyền dân sinh ngừng hoạt động, muốn mua hàng tôi phải gửi nhờ người khác mua giúp. Giờ muốn sang đất liền cũng khó, vì giá mỗi lần đi về cũng mấy trăm ngàn đồng, mà cũng không dễ có ca nô để đi” - bà Phú nói.
Theo ghi nhận của PV, trưa 22-5 có rất nhiều người dân xã đảo ra bãi để đợi ca nô sang đất liền. Khoảng 12 giờ, một ca nô du lịch khởi động để chuẩn bị chở khách du lịch rời xã đảo, nhiều người dân chạy theo chen chân xin đi cùng nhưng rất ít người được lên ca nô.
Tương tự, đến 14 giờ cùng ngày, ca nô của công ty du lịch vừa chuẩn bị xuất bến, nhiều người dân cũng ra bãi để xin được đi cùng.
Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân sống trên đảo, cho biết khi các thuyền dân sinh còn hoạt động thì người dân chỉ bỏ ra khoảng 35.000 đồng/lượt để đi, việc qua lại cũng dễ dàng. Nhưng giờ muốn qua lại phải bỏ 150.000 đồng/lượt, cả đi lẫn về là 300.000 đồng/người nhưng rất khó tìm được ca nô còn trống chỗ để đi.
Cũng theo ông Minh, trước đây khi có việc cấp thiết như đưa người đi cấp cứu, người nhà chỉ bỏ khoảng 2 triệu đồng để thuê một thuyền dân sinh. Nay nếu có việc cần, phải thuê ca nô với giá khoảng 7 triệu đồng để đi là quá đắt đỏ. Hơn nữa, nếu đi lại trên ca nô thì việc vận chuyển hàng hóa là không thể vì ca nô chủ yếu phục vụ du lịch.
“Việc đi lại giữa đảo với đất liền là nhu cầu cần thiết của người dân nhưng với tình hình hiện tại thì việc đi lại bằng ca nô du lịch là rất khó cho người dân. Ca nô du lịch thì giá cả, số chỗ ngồi phải theo quy định rồi, khi có ghế trống thì họ mới chở thêm cho đủ người. Cái này người dân cũng rất thông cảm với công ty du lịch. Rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm giải quyết tình trạng trên” - ông Minh nói.
Hỗ trợ 50% giá vé cho người dân
Ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết trước đây có năm thuyền hoạt động tuyến Nhơn Châu - Hải Cảng để chở người dân và hàng hóa qua lại. Tuy nhiên cuối tháng 3-2023, UBND TP Quy Nhơn đã cho dừng hoạt động đối với các phương tiện này.
“Việc dừng năm phương tiện trên là do hết đăng kiểm, cho đến nay vẫn chưa đăng kiểm lại. Việc tạm dừng hoạt động của các phương tiện trên dẫn đến việc đi lại của người dân xã đảo Nhơn Châu vào đất liền gặp một số khó khăn. Hiện nay, phía địa phương cũng có một số kiến nghị đến cơ quan cấp trên để tháo gỡ những khó khăn này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi” - ông Lệ thông tin.
Theo ông Lệ, trước đó UBND TP Quy Nhơn tạm thời gỡ khó cho xã Nhơn Châu bằng cách chọn một trong năm tàu đã bị dừng hoạt động trước đó để sử dụng vào việc vận chuyển hàng hóa tạm thời cho người dân từ xã đảo vào đất liền và ngược lại.
“Thuyền này chỉ sử dụng chở hàng hóa cho người dân, hai ngày một chuyến, được chính quyền hỗ trợ 1 triệu đồng/chuyến. Đối với việc đi lại của người dân, chính quyền địa phương đã liên hệ với một chủ phương tiện đường thủy có ca nô 70 chỗ chạy bằng máy dầu để hỗ trợ người dân. Người dân trả 100.000 đồng/lượt nhưng đối với những người sinh sống tại xã Nhơn Châu sẽ được hỗ trợ lại 50%” - ông Lệ nói.
Cũng theo lãnh đạo xã Nhơn Châu, chính quyền địa phương cũng đề nghị đối với năm chủ thuyền dân sinh tiếp tục hoàn thiện việc đăng ký, đăng kiểm để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các chủ thuyền cũng than khó vì số tiền để thực hiện việc đăng kiểm này lớn mà người dân thì không có khả năng để thực hiện. Các chủ thuyền cũng kiến nghị các cấp hỗ trợ 50% kinh phí để họ thực hiện, tuy nhiên việc này rất khó.
Ông Lệ cho biết UBND xã cũng đã có báo cáo lên Phòng Quản lý đô thị đề xuất UBND TP Quy Nhơn kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, cùng các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để các chủ thuyền có thể hoạt động trở lại, hỗ trợ người dân trong việc đi lại.
Đã liên hệ tàu và hỗ trợ chi phí đi lại cho người dân
Về vụ việc tuyến đường thủy ở xã Nhơn Châu, UBND TP Quy Nhơn đã tổ chức họp cùng các ban ngành, lãnh đạo xã Nhơn Châu và các chủ thuyền để tìm hướng giải quyết khó khăn.
Hiện TP đã liên hệ tàu và hỗ trợ chi phí đi lại cho người dân xã Nhơn Châu. TP cũng mong các chủ thuyền dân sinh nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký để sớm hoạt động trở lại.
Ông NGUYỄN CÔNG VỊNH, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn
Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-xa-dao-gap-kho-vi-thuyen-dan-sinh-het-dang-kiem-post735971.html