Giữa lòng thủ đô, có một khu trọ nghèo của những lao động ngụ cư. Cuộc sống của họ chủ yếu bám vào chợ Long Biên. Trong đợt nóng kỷ lục của Hà Nội, chủ trọ “hét” giá điện 5.000 đồng/ số. Với những phòng chỉ dùng quạt, đèn, nồi cơm, hóa đơn điện cũng lên tới 200.000 đồng/ tháng
Làm việc xuyên đêm, họ chỉ trở về nhà trọ lúc 6 giờ sáng. Nhưng nhiều ngày nay, những người lao động tại đây cho biết, dù mệt nhưng họ không ngủ nổi vì quá nóng. Căn phòng 10m2 lợp mái tôn nóng hầm hập. Chiếc quạt cây duy nhất trong phòng gần như chỉ làm cảnh.
Trốn cái nóng oi ả trong căn phòng 10m2, cho quạt cây “nghỉ ngơi”, người dân xóm trọ đành ra ngoài hiên cho đỡ ngột ngạt
Chưa đầy 1 tháng chuyển đến khu trọ cuối ngõ 127 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), chị Lê Thị Bính (quê Vĩnh Phúc) nhẩm tính: “Có cái quạt bật nửa ngày, nồi cơm cắm theo bữa đã mất 20 số điện, thành tiền là 100.000 đồng. Hỗ trợ COVID-19 hay gì xóm này không biết đâu”. Chị Bính cho biết, tiền điện trung bình của các phòng tại đây là 100.000 – 200.000 đồng/tháng. Số ít người lắp điều hòa thì mất tới cả triệu tiền điện.
Dàn nóng điều hòa hiếm hoi trong khu trọ nghèo
Căn phòng “hạng sang” ở khu trọ nghèo với quạt nước, quạt cây và một chiếc tủ lạnh nhỏ, tất cả hết 500.000 – 600.000 đồng tiền điện/ tháng. Người thuê cho biết, giá đắt thì cùng phải dùng, nếu không thì không chịu nổi nắng nóng.
Chỉ lên những tấm ván gác ngang mái tôn, anh Lê Đình Học (quê Phú Thọ) goi vui: Đây là điều hòa của xóm
Tấm ván lót giữa các thùng hàng, xin được từ chợ Long Biên, anh Học chế tạo “điều hòa” cho khu trọ. Anh Học cho biết, những tấm ván này anh xin được của chủ hàng ở chợ Long Biên. "Họ dùng kê hàng. Dùng xong, tấm nào nguyên vẹn thì tôi xin về lắp chống nóng"
Thâm niên 16 năm lao động ở chợ Long Biên, từng ấy năm sống qua nhiều khu trọ tương tự, anh Học cho biết, đã nhiều lần kiến nghị chủ trọ về giá điện, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Muốn giá nhà nước thì bỏ tiền kéo đường, kéo trạm về đây. “Không hộ khẩu, nay đây mai đó, cái đấy xóm này chịu”, anh Học nói
Việt Linh