DANAFF III: Những câu chuyện lần đầu được kể
Tại DANAFF III, các nhà làm phim Việt Nam và quốc tế đã gặp gỡ, chia sẻ hành trình nghệ thuật và cùng nhau mở ra những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Đạo diễn phim "Truyền thuyết Quán Tiên" Đinh Tuấn Vũ giao lưu cùng báo chí tại DANAFF III. (Ảnh: Diệu Linh)
Gắn kết từ những mạch nguồn sáng tạo
Mới đây, trong khuôn khổ, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III), chương trình Giao lưu báo chí diễn ra tại Đà Nẵng đã quy tụ đại diện của 10 đoàn phim đến từ Việt Nam và các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia.
Không khí buổi giao lưu sôi nổi khi đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất chia sẻ những câu chuyện hậu trường chưa từng tiết lộ, những trăn trở về nghề cũng như mong muốn được kết nối sâu rộng hơn với điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn phim Out of order Alden Richards. (Ảnh: Diệu Linh)
Đáng chú ý, ba tác phẩm lần đầu ra mắt quốc tế đã chọn DANAFF III làm điểm dừng chân đầu tiên: How to forget you (Nhật Bản), Out of order (Philippines) và Love in the Vietnam (Việt Nam - Ấn Độ).
Việc nhiều bộ phim chọn DANAFF để giới thiệu lần đầu với khán giả không chỉ khẳng định uy tín của liên hoan phim mà còn cho thấy sức hút ngày càng lớn của Đà Nẵng với tư cách là điểm đến văn hóa – nghệ thuật mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Khán giả Việt Nam là những người đầu tiên trên thế giới được xem Out of order”, đạo diễn trẻ Alden Richards (Philippines) xúc động nói. Với câu chuyện phức tạp về một luật sư trẻ phải bào chữa cho người cha bị cáo buộc giết người, bộ phim là tuyên ngôn điện ảnh đầu tay đầy táo bạo của Alden. Anh kỳ vọng sự ra mắt tại DANAFF sẽ mở ra cơ hội cộng tác với các nghệ sĩ Việt trong tương lai.

Đạo diễn Yu Sakudo trả lời báo chí. (Ảnh: Diệu Linh)
Cũng không giấu nổi niềm vui, đạo diễn Yu Sakudo (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi muốn How to forget you là một bộ phim chữa lành, không chỉ cho nhân vật mà còn cho khán giả”. Lựa chọn chủ đề mất mát và sự ám ảnh hậu sang chấn, đạo diễn người Nhật Bản Sakudo mang đến một tác phẩm giàu cảm xúc, mở ra hành trình khám phá nội tâm con người thông qua điện ảnh.
Việt Nam trong mắt các nhà làm phim quốc tế
Không chỉ là điểm đến để công chiếu phim, Việt Nam và đặc biệt là Đà Nẵng đang dần trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà làm phim quốc tế trong việc ghi hình, hợp tác sản xuất. Với đạo diễn Ấn Độ Kazmi Rahat, Love in the Vietnam không đơn thuần là một dự án hợp tác song phương mà còn là lời tri ân dành cho đất nước, con người Việt Nam - nơi ông cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên cùng sự thân thiện, cởi mở từ cộng đồng.

Đoàn làm phim Love in the Vietnam. (Ảnh: Diệu Linh)
“Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ, nhất là trong cách gìn giữ giá trị gia đình. Tôi muốn kể một câu chuyện tình yêu vượt qua mọi biên giới văn hóa”, Rahat nói về lý do ông chọn Việt Nam làm bối cảnh chính cho bộ phim, với sự góp mặt của diễn viên Khả Ngân.
Không chỉ dừng lại ở một dự án, nhiều đạo diễn bày tỏ mong muốn quay lại Việt Nam để tiếp tục sáng tạo. Đạo diễn Sharma Abhilash Kumar, người mang đến DANAFF III bộ phim In the name of fire đánh giá cao sự chuyên nghiệp của ban tổ chức và sự hiếu khách của người dân địa phương. Ông chia sẻ, kế hoạch quay một bộ phim mới tại Đà Nẵng và kỳ vọng sẽ quay lại DANAFF trong những mùa tới.

Đạo diễn Sharma Abhilash Kumar. (Ảnh: Diệu Linh)
Trong khi đó, đạo diễn Indonesia Loeloe Handra (phim Tale of the land) đã sớm lên kế hoạch mang dự án tiếp theo của mình đến pitching tại Chợ dự án phim nghệ thuật của DANAFF nhằm tìm kiếm nhà đầu tư quốc tế.
Bước tiến và thách thức của điện ảnh Việt
Sự kiện giao lưu không chỉ là dịp để các nhà làm phim quốc tế bày tỏ thiện chí hợp tác mà còn là không gian để các nghệ sĩ Việt Nam nhìn lại hành trình sáng tạo của mình. Những tác phẩm như Mưa trên cánh bướm, Đèn âm hồn, Trạng Quỳnh nhí, Út Lan, Truyền thuyết Quán Tiên mang đến những sắc thái rất khác nhau của điện ảnh Việt – từ hoạt hình, kinh dị, chính kịch đến phim chiến tranh lịch sử.

Đoàn làm phim "Mưa trên cánh bướm". (Ảnh: Diệu Linh)
Đạo diễn Diệu Linh, người từng giành hai giải tại Liên hoan phim Venice với Mưa trên cánh bướm cho biết, chị vẫn hồi hộp khi đưa phim đến với khán giả trong nước. “Mỗi khán giả có một cách cảm nhận khác nhau và chính điều đó dạy tôi nhiều hơn bất kỳ lớp học nào”, chị nói. Trong khi đó, nữ diễn viên kỳ cựu Tú Oanh chia sẻ: “Phim này chạm vào những giá trị rất Việt. Tôi tin người xem sẽ thấy một phần của mình trong đó”.
Ở một thái cực khác, bộ phim Đèn âm hồn của đạo diễn Lê Hoàng Nam dù vấp phải tranh cãi về chất lượng diễn xuất nhưng vẫn đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. “Tôi mong khán giả công tâm hơn với các diễn viên trẻ”, anh chia sẻ, đồng thời tiết lộ kế hoạch thực hiện hai dự án mới: Bà đừng buồn con (phim Tâm lý gia đình) và Em bé Mỹ lai (phim chiến tranh lịch sử).

Đạo diễn Lê Hoàng Nam (giữa) giới thiệu các dự án mới. (Ảnh: Diệu Linh)
Với Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đã mang đến niềm tự hào cho hoạt hình Việt Nam khi bộ phim được chọn vào hạng mục Phim Việt Nam dự thi. Dù doanh thu chưa đạt kỳ vọng, nhưng theo anh, đó là bước đệm để thay đổi cách nhìn của nhà đầu tư đối với hoạt hình nội địa. Anh trăn trở: “Tôi lo rằng 10 năm nữa sẽ không ai còn biết hát ru là gì. Làm phim với tôi là cách để gìn giữ những giá trị đó”.
Nối dài kỳ vọng từ DANAFF
Không gian giao lưu báo chí tại DANAFF III không chỉ phản ánh sự đa dạng về thể loại và nguồn gốc tác phẩm mà còn cho thấy khát vọng chung của các nhà làm phim: kể những câu chuyện thật, chạm vào trái tim khán giả, và cùng nhau xây dựng một cộng đồng điện ảnh bền vững, vượt qua ranh giới quốc gia.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ giao lưu cùng báo chí. (Ảnh: Diệu Linh)
Từ đạo diễn Việt kiều Trần Trọng Dần với dự án Út Lan: Oán linh giữ của – nơi anh kết hợp yếu tố kinh dị thương mại với kinh nghiệm học hỏi từ điện ảnh quốc tế – đến đạo diễn Đinh Tuấn Vũ với mong muốn phục dựng dòng phim chiến tranh thông qua tác phẩm Truyền thuyết Quán Tiên, mỗi câu chuyện đều là một nỗ lực để điện ảnh Việt bước ra thế giới bằng chính bản sắc của mình.
Chia sẻ tại sự kiện, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng lớp khán giả trẻ ngày nay đang ngày càng quan tâm tới đề tài lịch sử. Đây là động lực để anh thực hiện dự án phim lịch sử mới trong năm 2026, bất chấp những khó khăn về tài chính và phân phối. “Chỉ cần có người dám làm, dám đi tới cùng thì sẽ có nhà đầu tư đồng hành”, anh khẳng định.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/danaff-iii-nhung-cau-chuyen-lan-dau-duoc-ke-319934.html