Đăng ảnh xấu lên mạng
Thay vì những bức ảnh được chỉnh sửa kỹ càng, ngày càng nhiều người trẻ thích đăng tải các hình ảnh đời thường thậm chí được xem là 'xấu' lên mạng xã hội, nhất là trong đại dịch.
Nếu lướt qua tài khoản Instagram của nhiều người nổi tiếng vài năm trước, không khó để bắt gặp những hình ảnh về căn phòng khách sang trọng, ảnh chụp tạp chí hay cốc cà phê đang được pha hoàn hảo bên một cuốn sách đang mở.
Làm điều tương tự bây giờ, nhiều khả năng người theo dõi sẽ bắt gặp một biển số ôtô ngẫu nhiên, vài món đồ ăn nhanh được chụp vội hay thứ gì đó kỳ lạ như một con côn trùng nhỏ bên đường, theo VICE.
Nhiều người dùng mạng xã hội đang đăng những bức ảnh xấu xí có chủ đích, không chỉ người nổi tiếng, người có ảnh hưởng mà cả những người bình thường.
Đã qua rồi cái thời một bức ảnh chụp bữa sáng cũng phải dùng các ứng dụng chỉnh màu hay chèn bộ lọc, hình nền. Thay vào đó, nhiều người bắt đầu bị thu hút bởi những hình ảnh mộc mạc, không filter thậm chí là trông "dị".
Jane Macfarlane, giám đốc nghệ thuật tại công ty sáng tạo The Digital Fairy, cho rằng xu hướng "phản thẩm mỹ" này có thể được xem như sự tiến triển tự nhiên của trào lưu chia sẻ các bức ảnh đời thường mộc mạc. Trào lưu này nổi lên mạnh mẽ trong những ngày đầu đại dịch, khi mọi người muốn ghi lại những hình ảnh đời thường của cuộc sống.
"Mọi người muốn lưu giữ những khoảnh khắc lộn xộn hoặc trần tục trong cuộc sống mà bản thân vốn không trân trọng trước đại dịch. Những bức hình cũng giống như một lời khoe khoang khiêm tốn của chủ sở hữu: 'Ngay cả những hình ảnh chưa qua chỉnh sửa của cuộc đời tôi cũng trông thật tuyệt'".
Trân trọng sự mộc mạc
Về nguyên nhân mọi người chuyển hướng từ những thứ bóng bẩy sang đời thường chân thực, Macfarlane cho rằng điều này không liên quan nhiều đến "xu hướng" mà thiên về sự phát triển của cách chúng ta sử dụng Internet nói chung. Đặc biệt, những người trẻ tuổi dường như coi trọng tính xác thực hơn là hơn là sự bóng bẩy trực tuyến.
"Mọi người đang trở nên quen với các nền tảng như TikTok, tôn vinh một phong cách nội dung cá nhân, thô mộc hơn. Những xu hướng thẩm mỹ trên Instagram từng bóp nghẹt người dùng không còn phù hợp nữa và với các hình ảnh giản dị hiện tại, cảm giác như người dùng không còn muốn đi theo hướng truyền thống nữa".
Mark Bage, giám đốc điều hành của công ty sáng tạo Not Studio, đồng ý rằng sự "xấu xí" mới này nói lên mong muốn trở nên cá nhân và chân thực hơn.
Tuy nhiên, thật khó để phủ nhận rằng phong cách phản thẩm mỹ, ít nhất là một phần, bản thân nó cũng là một phong cách thẩm mỹ được cân nhắc kỹ lưỡng. Rất nhiều bài đăng dạng này có thể kỳ dị, ngẫu hứng hoặc không bắt mắt nhưng không bao giờ thực sự xấu xí.
Ví dụ, mọi người không đăng hình chiếc cằm hai ngấn hay ngón chân bị nhiễm nấm của mình. Thay vào đó, chúng ta có thể thấy hình ảnh một người trông thu hút với gương mặt mộc hay phong cách ăn mặc của ai đó thông qua bức ảnh tự chụp trước gương.
Như Macfarlane giải thích, phản thẩm mỹ cũng chính là muốn nói rằng “ngay cả khi tôi trông kỳ lạ nhất và không có filter, cuộc sống của tôi vẫn trông thật tuyệt và thú vị”.
Dylan Holden-Sim (22 tuổi, kỹ sư phần mềm) thường thích đăng những bức ảnh chế hay bức hình kỳ quặc, cho rằng chúng giống như một liều thuốc giải độc cho những hình ảnh bóng bẩy bản thân chia sẻ trong quá khứ.
Còn J Whitehead (26 tuổi) hiếm khi đăng ảnh selfie. Thay vào đó, cô chia sẻ những khung hình như thùng rác cũ trên đường phố, mẩu rác nhựa hay vài miếng bim bim bị vứt đi. Đối với cô, việc tìm kiếm những thứ vớ vẩn đăng lên mạng thú vị hơn là tỉ mỉ chọn một công thức chỉnh màu hoàn hảo.
“Tôi nghĩ rằng một phần của sự lôi cuốn ở đây là không cần phải nỗ lực nhiều”, cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-anh-xau-len-mang-post1295011.html