Đảng bộ Bình Phước lãnh đạo công cuộc đổi mới

NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Sau gần 26 năm từ ngày tái lập tỉnh và thực hiện công cuộc đổi mới phát triển, kinh tế tỉnh Bình Phước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Những năm vừa qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, nền kinh tế tỉnh còn một số mặt tuy phát triển chưa vững chắc song đã tạo tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tạo đà đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước hăng hái đẩy mạnh phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực công tác và đời sống xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đề ra, tạo đà cho công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn, thách thức chung trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Đó là nền kinh tế sản xuất hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước vẫn còn mới mẻ; cơ sở vật chất còn yếu kém, đời sống nhân dân nhiều nơi vẫn khó khăn; tích lũy từ nội bộ nền kinh tế không đáng kể. Kế thừa và tổng kết quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trên địa bàn tỉnh từ khi tái lập, Tỉnh ủy Bình Phước đã đánh giá những thành tựu đạt được và chưa được, rút ra nguyên nhân, bài học, cả ưu và khuyết điểm của công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong các nhiệm kỳ qua. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh với tinh thần tự lực, tự cường, xác định cơ cấu kinh tế và đầu tư đúng hướng, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trở ngại, nỗ lực phấn đấu bước đầu giành được những thành tựu to lớn và quan trọng.

Từ khi tái lập tỉnh, nền kinh tế của tỉnh đã tập trung phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. Tổng sản phẩm (GDP) hằng năm đều tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,25%. Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đều đạt tốc độ tăng trưởng; các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, năng lực sản xuất các ngành đều tăng. Trong đó, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 43%, ngành dịch vụ chiếm 36,5%. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ ngày càng nhiều.

Hoạt động thương mại có tiến bộ, các doanh nghiệp bước đầu thích ứng với cơ chế quản lý mới; thương nghiệp tư nhân phát triển nhanh, đa dạng; kinh tế đối ngoại được mở rộng có đổi mới, tiến bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kinh tế nhiều thành phần dựa trên sự tồn tại và đan xen nhiều hình thức sở hữu bước đầu khơi dậy các nguồn lực, tạo ra sự năng động thúc đẩy kinh tế chung của tỉnh cùng tăng trưởng ổn định. Quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng mở rộng, đến cuối năm 2020 đạt 68.000 tỷ đồng, tăng 1,64 lần so với năm 2015; cơ cấu chi cho đầu tư phát triển của tỉnh ngày càng tăng mạnh từ 19% năm 2016 lên 52% năm 2019.

Cùng với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, việc thực hiện chính sách xã hội và xã hội hóa một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú ý và có những tiến bộ rõ rệt, đạt nhiều kết quả khả quan…

Lĩnh vực khoa học và công nghệ bước đầu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất nông - lâm kết hợp của tỉnh; các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ, đổi mới công nghệ đã và đang tác động đến các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng hơn về nội dung, hình thức và thể loại, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Về đời sống, nhờ sản xuất, dịch vụ phát triển đã giải quyết được vấn đề việc làm cho hàng vạn lao động địa phương trong tỉnh. Từ đó đời sống nhân dân được cải thiện, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Chính sách an sinh xã hội, xây dựng miền núi, biên giới được tỉnh quan tâm đầu tư. Tỉnh đã thực hiện công tác giảm nghèo theo các hướng tập trung nguồn lực, xây dựng giải pháp cụ thể, đầu tư có trọng điểm nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng biên giới. Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình kinh tế theo các dự án quốc gia như chương trình xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số…

Thời gian qua, các lực lượng vũ trang nhân dân cùng với toàn dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đi đôi với củng cố, xây dựng lực lượng và thế trận phòng thủ của địa phương, góp phần ổn định chính trị, phục vụ công cuộc đổi mới…

Công tác đổi mới xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên toàn địa bàn tỉnh những năm gần đây có chuyển biến đáng kể, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các tổ chức đảng và quần chúng trong công cuộc đổi mới; các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó tình trạng mất đoàn kết nội bộ cơ bản được khắc phục...

Tuy vậy, những chuyển biến trong công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng chưa đồng đều. Hiện tượng mất đoàn kết nội bộ có lúc, có nơi chưa đấu tranh triệt để; tinh thần tự phê bình và phê bình trong nội bộ chưa cao; tình trạng né tránh không dám đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực còn khá phổ biến. Công tác tổ chức còn một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng có biểu hiện quan liêu, dân chủ hình thức, kỷ luật lỏng lẻo…

Một số kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ các cấp trong những năm vừa qua, để việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng và đảng bộ các cấp cần thực hiện tốt một số kinh nghiệm sau:

Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải nắm vững nhiệm vụ trọng tâm, đi sâu, đi sát giải quyết vấn đề trọng điểm then chốt nhất, đặc biệt là biện pháp tổ chức thực hiện phải chú trọng công tác đánh giá, bố trí và sử dụng đúng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, ngành và các đơn vị kinh tế trọng yếu là yếu tố hàng đầu quyết định việc ổn định và phát triển mọi mặt của tỉnh; chú ý chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là trong cấp ủy, trong cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải thực sự dựa vào dân…

Tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế hàng hóa phát triển nhanh chóng, ổn định, lành mạnh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có bước tiến đáng kể về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Khai thác tối đa khả năng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, mở rộng nhanh quan hệ kinh tế với bên ngoài, hướng mạnh xuất khẩu và nhập khẩu để đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có sức cạnh tranh.

Triển khai đồng bộ việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước đi đôi với đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, thực sự mở rộng dân chủ, gắn liền thực hiện nghiêm minh kỷ luật, kỷ cương, chống tệ tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đề cao cảnh giác và chủ động đối phó với mọi tình huống, trọng tâm là làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển, từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH; phát huy tiềm năng và nâng cao hoạt động của các thành phần kinh tế. Mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài bằng việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và tăng khả năng xuất khẩu; phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và môi trường; đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài…

Lãnh đạo phát triển kinh tế phải gắn với nhiệm vụ xây dựng vững chắc quốc phòng, an ninh hướng tới nhiệm vụ cấp bách là làm thất bại âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; tập trung chấn chỉnh công tác quản lý người nước ngoài; tăng cường công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, văn hóa tư tưởng. Củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng Đảng để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ vững chắc…

Đẩy mạnh công tác nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tiếp tục củng cố xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, trọng tâm là cải cách hành chính nhà nước, khắc phục thiếu sót, yếu kém, xây dựng chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực sự của dân, do dân, vì dân. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, lấy dân làm gốc, làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đảm bảo quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của mặt trận, đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, khắc phục bệnh quan liêu, hành chính hóa, cứng nhắc, thụ động, từng bước nâng cao trình độ nhân dân và thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138770/dang-bo-binh-phuoc-lanh-dao-cong-cuoc-doi-moi