Thường trực Ban Bí thư: Không giáo điều, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc

Làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nêu rõ, cần kiên định, bảo vệ nhưng phải đi đôi với vận dụng đổi mới và phát triển sáng tạo; không giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc.

Chiều 3/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã có cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đồng chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, Ban đã tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ban Tuyên giáo Trung ương là một trong những cơ quan được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá là cơ quan chủ động triển khai nhiều đề án nhất, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Ban đã tổ chức 9 hội nghị lớn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng.

Theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, Ban Tuyên giáo Trung ương (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương) đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các cấp tăng cường định hướng, quản lý báo chí, truyền thông, Internet, mạng xã hội; đẩy mạnh thông tin tích cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu...

Ban quan tâm chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, báo chí xuất bản, thông tin đối ngoại. Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, dân tộc với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Bộ TT&TT quản lý Nhà nước về 4 lĩnh vực tuyên truyền gồm báo chí, truyền thông, xuất bản, thông tin cơ sở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Về báo chí, Bộ trưởng cho biết hiện có khoảng 41.000 người làm trong lĩnh vực này với 793 cơ quan báo chí. Số lượng báo giảm khoảng 40% so với trước khi thực hiện quy hoạch báo chí. Ngân sách Nhà nước chi cho báo chí năm 2023 chỉ chiếm 0,47% tổng ngân sách Nhà nước, hiện đang là mức thấp.

Quy hoạch báo chí đã làm xong phần sắp xếp, hiện đang tích cực làm phần phát triển. 6 cơ quan báo chí chủ lực đang làm đề án trở thành cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện.

Về xuất bản, hiện có 57 nhà xuất bản, hàng năm xuất bản khoảng 33.000 đầu sách nhưng chủ yếu là sách giáo khoa, sách phổ thông (chiếm 60%). Số lượng sách đọc trên đầu người/năm không nhiều. Vì vậy cần tuyên truyền mạnh mẽ văn hóa đọc.

Về thông tin cơ sở, có khoảng 200.000 tuyên truyền viên cấp xã, hệ thống loa truyền thanh tới từng xã. Đây là hệ thống tuyên truyền gần dân nhất, trực tiếp và có khả năng truyền thông hai chiều. Bộ TT&TT đang chỉ đạo để hiện đại hóa thông tin cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: “Mặt trận chính của thông tin tuyên truyền hiện nay là không gian mạng, thắng hay bại là ở đây”. Quản lý Nhà nước về thông tin trên không gian mạng thì cần hoàn thiện thể chế, công cụ số, nhân lực số, kỹ năng số của người dân.

Bám sát 4 kiên định

Phát biểu kết luận, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhận định, Ban Tuyên giáo Trung ương đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, sự chỉ đạo của Trung ương mà thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động triển khai một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề khó, mới. Ông Lương Cường đánh giá "đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tổ chức nghiên cứu, học tập các nghị quyết ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 đảm bảo thực chất. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư lưu ý tình trạng có đảng viên không nắm được nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu tại cuộc làm việc.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu tại cuộc làm việc.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã rất chủ động, kịp thời, sáng tạo trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch...

Trong lĩnh vực tuyên giáo, ông Lương Cường nhận xét, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, trong đó nổi bật là chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí xuất bản, thông tin đối ngoại. Việc này đã bảo đảm giữ vững nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước, lợi ích của quốc gia, dân tộc; không để xảy ra các sai sót, sơ hở để thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Thường trực Ban Bí thư biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Ban Tuyên giáo Trung ương đạt được. Ban cũng đã thẳng thắn, nhìn nhận đánh giá hạn chế, khuyết điểm để khắc phục.

Giao nhiệm vụ, Thường trực Ban Bí thư lưu ý Ban Tuyên giáo Trung ương cần tiếp tục "tạo sự thống nhất cao trước hết trong Đảng, trong toàn dân và bạn bè quốc tế", "xây đồng thời phải chống".

Cần tập trung nắm chắc tình hình liên quan đến công tác tuyên giáo, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh nguyên tắc "phải kiên định và vận dụng sáng tạo, mục tiêu không thay đổi nhưng cách làm mềm dẻo".

"Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên định, bảo vệ nhưng phải đi đôi với vận dụng đổi mới và phát triển sáng tạo; không giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Đẩy mạnh hơn nữa bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của thế lực thù địch; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo; quan tâm đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ làm công tác tuyên giáo.

Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường giao Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi làm việc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi làm việc.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác của mình, với tinh thần làm tốt rồi, phải làm tốt hơn nữa.

Trong đó, phải bám sát đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, thực hiện 4 kiên định như Tổng Bí thư đã nói và Thường trực Ban Bí thư đã nhắc nhở. Phải quyết tâm thực hiện được phương châm công tác tuyên giáo trong Nghị quyết 13, đó là tính đảng, tính chiến đấu phải cao hơn, tính giáo dục, tính thuyết phục và hiệu quả trong thực tiễn phải tốt hơn nữa.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-khong-giao-dieu-nong-voi-doi-moi-vo-nguyen-tac-2297994.html