Đảng bộ Bộ Công Thương: Khẳng định vai trò lãnh đạo, dẫn dắt tư duy trong hội nhập kinh tế quốc tế
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương trong thúc đẩy hội nhập kinh tế không chỉ ở phương diện chỉ đạo mà quan trọng hơn là dẫn dắt tư duy hội nhập.
Vai trò dẫn dắt tư duy hội nhập trong toàn ngành Công Thương
Trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động khó lường, căng thẳng địa chính trị có xu hướng gia tăng, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng gay gắt cùng với sự thay đổi trong chính sách kinh tế của một số nước lớn, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đòi hỏi sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt và linh hoạt từ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong đó, Đảng bộ Bộ Công Thương giữ vai trò then chốt, vừa là lực lượng chính trị nòng cốt, vừa là trung tâm lãnh đạo tư tưởng, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi đường lối hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Trên cơ sở xác định hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu tất yếu và chiến lược phát triển quốc gia, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và gần đây nhất là Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, trong đó khẳng định hội nhập kinh tế là trung tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

Đảng bộ Bộ Công Thương phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi các kế hoạch, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế
Quán triệt sâu sắc các chủ trương, định hướng về hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên của Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn, cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi các kế hoạch, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập ngày càng sâu rộng, đồng thời khẳng định vai trò của ngành Công Thương trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Năm 2024, Việt Nam trở thành ngôi sao tăng trưởng của Đông Nam Á với mức tăng GDP đạt 7,09%, nâng quy mô nền kinh tế lên mức 11.511,9 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 476 tỷ USD, thuộc top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thuộc top 20 về thương mại quốc tế, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 45 về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Dấu ấn nổi bật thể hiện vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương trong thời gian qua chính là việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách mới phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ, nhiều đề án và báo cáo quan trọng mang tính định hướng dài hạn đã được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng chuyên môn cao, phục vụ thiết thực cho hoạt động hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể kể đến những đề án, báo cáo tiêu biểu như: Đề án tổng kết Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới; Đề án Tổng kết đánh giá việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2012-2023 và kiến nghị phương hướng hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA, các thỏa thuận thương mại tự do thời gian tới; Báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đánh giá về quá trình thực hiện hội nhập quốc tế về kinh tế giai đoạn vừa qua và tham mưu, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với giai đoạn mới.
Các đề án này đã được báo cáo, trình Bộ Chính trị và Chính phủ, là cơ sở để Đảng và Chính phủ ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (nội dung về kinh tế), Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đến năm 2030, tầm nhìn 2035...
Các cơ chế chính sách trên thấm nhuần vào tư tưởng của các cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, là kim chỉ nam cho việc chủ động “ứng nhất biến, ứng vạn biến” trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đầy biến động, khó lường. Kết quả nổi bật là: Sau 9 tháng đàm phán và 7 tháng hoàn thiện thủ tục, Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã ký kết thành công CEPA; Việt Nam đã chủ động xử lý khôn khéo và nhanh chóng vấn đề thuế thương mại đối ứng công bằng, cân bằng với phía Hoa Kỳ.

Ngày 28/10/2024, tại Dubai, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chứng kiến lễ trao văn kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) đã được ký bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi
Một điểm sáng khác trong vai trò chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương chính là việc chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức tuyên truyền trực tuyến, đồng thời tận dụng các nền tảng công nghệ để duy trì kết nối và lan tỏa thông tin chính sách đến các đối tượng mục tiêu.
Bên cạnh đó, việc biên soạn và phát hành các ấn phẩm chuyên đề, xây dựng cơ sở dữ liệu hội nhập trực tuyến theo ngành và lĩnh vực cũng được đẩy mạnh, góp phần hình thành hệ sinh thái thông tin tích hợp, phục vụ hiệu quả cho cả công tác điều hành của cơ quan quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc cung cấp thông tin nhanh và kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thị trường, tăng cường tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các hạn chế từ các cam kết hội nhập kinh tế và đặc biệt là các FTA thế hệ mới đem lại.
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng Bộ Bộ Công Thương, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước. Bộ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán các FTA, mở rộng mạng lưới FTA của Việt Nam hiện nay lên tới 19 FTA, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với việc thực hiện hiệu quả Chiến lược xuất nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng qua các năm, đến nay đã trải qua 9 năm xuất siêu liên tiếp.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương không chỉ thể hiện ở phương diện chỉ đạo, mà quan trọng hơn là vai trò dẫn dắt tư duy hội nhập trong toàn ngành
Đặc biệt, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt mốc 786 tỷ USD, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch Chính phủ giao, tăng 15,08% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD. Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD. Những kết quả này đã đưa Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Nhìn lại những kết quả nổi bật trong thời gian qua, có thể khẳng định, vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ thể hiện ở phương diện chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, mà quan trọng hơn là vai trò dẫn dắt tư duy hội nhập trong toàn ngành.
Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt trong hội nhập kinh tế
Trong giai đoạn tới, khi quá trình hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu và gắn liền với những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn, môi trường, lao động, chuyển đổi số và phát triển bền vững, vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương càng trở nên then chốt.
Để đáp ứng kỳ vọng, Đảng bộ cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập, tăng cường phối hợp liên ngành, đồng thời duy trì cơ chế giám sát, phản hồi chính sách để đảm bảo quá trình hội nhập không chỉ là quá trình mở cửa thị trường, mà còn là động lực để nâng cao chất lượng thể chế, năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giai đoạn 2025 - 2030, Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục là trung tâm hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả và vì lợi ích quốc gia - dân tộc
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Bộ Công Thương - dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ đã và đang khẳng định vị trí tiên phong, vững vàng trong tiến trình hội nhập. Trong giai đoạn tới, khi hội nhập bước sang giai đoạn mới với yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi số, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương càng phải được tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao.
Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục là trung tâm hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả và vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng bộ Bộ Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt mốc 786 tỷ USD, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch Chính phủ giao, tăng 15,08% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD. Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD. Những kết quả này đã đưa Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.