Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ
Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại buổi tọa đàm với chủ đề 'Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới' do Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Các cơ quan (CCQ) tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng 19/7.
Buổi tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở gần 60 điểm cầu cơ sở, với hơn 1.100 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tham gia. Tại điểm cầu chính có các đồng chí: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ CCQ tỉnh; bí thư hoặc phó bí thư các chi, đảng bộ cơ sở...
Buổi tọa đàm đã nhận được 15 tham luận, trong đó có 11 ý kiến tại buổi tọa đàm, đưa ra nhiều quan điểm, nhìn nhận sâu sắc liên quan đến việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Đảng bộ CCQ tỉnh.
Thiết thực, kịp thời
Trình bày báo cáo đề dẫn tọa đàm, đồng chí Thân Minh Quế, Bí thư Đảng ủy CCQ tỉnh cho biết, mục đích chính của buổi tọa đàm nhằm quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 2/6/2023 của BTV Tỉnh ủy về “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” đến mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của toàn Đảng bộ. Đây cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn để từ đó nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả trong từng cơ quan, đơn vị.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy, đặc thù của Đảng bộ CCQ tỉnh hầu hết đảng viên là cán bộ công chức, viên chức. Nhiều đồng chí giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị... Vì vậy, thường xuyên chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ là việc cần thiết, tất yếu, khách quan.
Được biết, Đảng bộ CCQ tỉnh hiện có 73 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 4.805 đảng viên. Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.
Tuy nhiên, một số ít cấp ủy, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một số cán bộ, công chức, viên chức. Cá biệt, một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự.
Các đại biểu tham luận đồng tình cho rằng, Chỉ thị 26-CT/TU như một “cú hích” nhằm giúp cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức, viên chức “tự soi”, “tự sửa”; nâng cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “công bộc” của dân.
Phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu
Các ý kiến tham luận đã tập trung vào 2 nhóm vấn đề, đó là vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26-CT/TU.
Đồng chí Nguyễn Quang Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, qua kiểm tra về kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy còn hạn chế như: Thủ trưởng một số cơ quan chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đối với việc kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; còn cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự chủ động trong công việc, chờ việc hoặc thụ động trong công tác làm ảnh hưởng đến kết quả lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cấp, các ngành.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu vừa qua cho thấy, có 12,2% trả lời “có một số công chức gây phiền hà, sách nhiễu”, có 0,61% trả lời “có nhiều công chức gây phiền hà, sách nhiễu”; tình trạng phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết có 5,36% trả lời “có một số người”, có 1,44% trả lời “có nhiều người”.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai, thực hiện tốt phương châm “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung) đối với cán bộ, đảng viên; “3 hơn”(quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn) đối với người đứng đầu; “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả) đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo phải nhận thức rõ về trách nhiệm bản thân đối với công việc, phải có trách nhiệm và quyết tâm cao với công việc được giao.
Bên cạnh đó, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là các việc khó. Kịp thời cho ý kiến, động viên, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU; đưa các nội dung thực hiện Chỉ thị vào nội dung kiểm tra, giám sát hằng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, những tổ chức đảng có vấn đề nổi cộm, bức xúc, những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Thân Minh Quế nhấn mạnh, để Chỉ thị số 26-CT/TU sớm đi vào cuộc sống, thời gian tới các ban, cơ quan của Đảng ủy CCQ tỉnh và các cấp ủy cơ sở, tổ chức đoàn thể cần phối hợp với tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình, tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc Chỉ thị này.
Rà soát hệ thống các văn bản đã ban hành liên quan đến tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm xây dựng hoặc bổ sung các chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức… nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần cụ thể hóa quan điểm “3 dám”, “3 hơn” và “5 rõ”; chú ý công tác kiểm tra, giám sát, đưa kết quả thực hiện Chỉ thị thành tiêu chí quan trọng trong kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy CCQ tỉnh cũng đề nghị các chi, đảng bộ cơ sở quan tâm duy trì có nền nếp chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, nhất là tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, tọa đàm trao đổi để hiểu sâu sắc nội dung Chỉ thị số 26-CT/TU. Trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chú ý đến kết quả thực hiện Chỉ thị này đối với từng cán bộ, đảng viên.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam