Đảng bộ huyện Bù Đăng - 30 năm xây dựng và phát triển

Huỳnh Hữu Thiết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù ĐĂNG

BP - Huyện Bù Đăng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, có quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên và vùng Đông - Tây Nam bộ. Bù Đăng là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Phước Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi diễn ra trận đánh mở màn của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long và giành thắng lợi vào ngày 14-12-1974, làm tiền đề cho chiến thắng Phước Long ngày 6-1-1975, góp phần mở ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đại thắng.

Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 11-1976, Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long. Năm 1988, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, huyện Bù Đăng được tái lập, tách ra từ huyện Phước Long theo Quyết định số 112/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Ngày mới tái lập, huyện có 7 xã, dân số khoảng 30 ngàn người, trong đó gần 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì; không có điện sinh hoạt, không có thông tin liên lạc; giao thông khó khăn, nắng bụi, mưa lầy, thường bị ách tắc trong mùa mưa; các cơ quan không có chỗ làm việc. Nền kinh tế chủ yếu là thuần nông lúa rẫy, canh tác lạc hậu; diện tích cây điều chỉ khoảng hơn 2.500 ha; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, hằng năm có trên 60% hộ thiếu đói giáp hạt, Nhà nước phải hỗ trợ lương thực. Mặt bằng dân trí thấp, những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan phát triển; toàn huyện chỉ có 10 ngôi trường với 85 phòng học, đa số là tranh tre; chỉ có 1 trường cấp 2-3 với vài chục học sinh; học sinh phải học ca ba. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân khó khăn, thiếu thốn; dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là bệnh sốt rét.

Lãnh đạo huyện Bù Đăng cắt băng khánh thành tuyến đường D1 nối dài thị trấn Đức Phong - Ảnh: Xuân Túc

Có thể nói, trong những ngày đầu tái lập huyện, Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Đăng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Song, với truyền thống của quê hương anh hùng, sự nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tiềm năng và nội lực, 30 năm qua, với 7 nhiệm kỳ đại hội Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bù Đăng đã từng bước đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Về kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Từ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa rẫy và hoa màu thì đến nay đã chuyển sang trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như điều, cao su, cà phê; trong đó điều là cây trồng chủ lực với diện tích gần 59.000 ha. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; lưới điện quốc gia đã về tất cả xã, thị trấn trong huyện, đến nay có trên 97% số hộ sử dụng điện. Các tuyến đường liên xã cơ bản được nhựa hóa, 100% thôn có đường sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa hoặc bê tông.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành quả quan trọng. Hệ thống trường, lớp phát triển nhanh và từng bước được kiên cố hóa. Đến nay, toàn huyện có 73 trường học, trong đó 90% số phòng học kiên cố hóa, 13,7% trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, có 3,7 bác sĩ/vạn dân; 62,5% số xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Các chính sách xã hội, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo thực hiện hiệu quả, số hộ nghèo hiện nay còn 5,17% (theo tiêu chí mới). Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát huy; 100% số xã có hệ thống phát sóng FM; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo hoàn thành giai đoạn 1 trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương. Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu bảo tồn trong dịp khánh thành - Ảnh: Minh Luận

Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo hoàn thành giai đoạn 1 trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương. Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu bảo tồn trong dịp khánh thành - Ảnh: Minh Luận

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và kiện toàn qua các kỳ đại hội và bầu cử HĐND. Đảng bộ huyện đã trưởng thành cả về chất lượng và số lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đảng viên. Từ 360 đảng viên sinh hoạt ở 23 cơ sở đảng, nay số lượng đảng viên của huyện tăng lên trên 3.700 đồng chí, sinh hoạt ở 64 cơ sở đảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được quan tâm, từng bước chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với những thành tích xuất sắc và sự hy sinh to lớn của Đảng bộ, quân và dân trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Bù Đăng vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 5 xã là: Đồng Nai, Thống Nhất, Bom Bo, Đắk Nhau, Nghĩa Trung; 2 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ Điểu Ong và liệt sĩ Đoàn Đức Thái.

Những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh là sự nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện; phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong huyện. Đặc biệt, với vai trò lãnh đạo, cấp ủy các cấp đã luôn tuân thủ nguyên tắc của Đảng; vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế địa phương. Do vậy đã phát huy được trí tuệ của tập thể, lãnh đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Để đạt được những kết quả như hôm nay, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau: Đảng bộ huyện thường xuyên coi trọng công tác xây dựng đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực; giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ; thực sự gắn bó với nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hệ thống chính trị của huyện. Trong quá trình lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ, các tổ chức đảng luôn tuân thủ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phát huy dân chủ, tạo điều kiện khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, động lực sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; khơi dậy, cổ vũ và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào hành động cách mạng do địa phương phát động và tích cực góp ý xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Với những thành quả đạt được trong 30 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và nội lực xây dựng huyện phát triển ngày càng giàu đẹp.

H.H.T

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dang-bo-huyen-bu-dang---30-nam-xay-dung-va-phat-trien-53129