Đảng bộ huyện Tánh Linh: Tạo bước đột phá về nông nghiệp sạch
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tánh Linh đã thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII đề ra. Trong đó, từ khi có Kết luận 158 của Huyện ủy, nổi bật nhất là chương trình tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đảng bộ huyện Tánh Linh
Đột phá từ Kết luận 158
Ngày 12/3/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kết luận số 158-KL/HU về thực hiện một số chương trình trọng tâm trong tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, tạo lượng hàng hóa lớn, bảo đảm đủ điều kiện để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng thời tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, tạo sự đột phá để thu hút đầu tư, gắn đầu ra sản phẩm theo hướng an toàn, hiệu quả.
Kết luận 158 của Huyện ủy nêu ra nhiều chương trình hành động, trong đó nổi bật là tập trung hiệu quả 4 chương trình trọng tâm, gồm các chương trình như sản xuất lúa chất lượng cao theo quy mô cánh đồng lớn; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cải tạo cây điều và phát triển cá thát lát trên hồ Biển Lạc. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện một số chương trình trong phát triển nông nghiệp như sản xuất lúa giống, trồng ớt xuất khẩu, phát triển đồng cỏ, chuyển đổi phát triển cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả… Đến cuối năm 2020, trên vùng lúa quy hoạch chất lượng cao 3.000 ha được tập trung sản xuất theo hướng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đột phá trong khâu giống, nhất là việc liên kết và khoanh vùng chuyên sản xuất lúa giống được 250 ha nên nâng được tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận toàn huyện lên trên 90%, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Hàng năm sản xuất hơn 200 tấn gạo thành phẩm đạt chất lượng gạo an toàn gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh với giá cao gấp 2 - 2,5 lần so với gạo thường. Lãnh đạo huyện Tánh Linh cho biết, địa phương hiện đã mời gọi được 2 doanh nghiệp liên kết đầu tư, thu mua sản phẩm hạt giống rau các loại và đậu bắp, ớt cho nông dân với diện tích 88 ha/năm. Đa số các loại cây trồng chuyển đổi ngoài việc tiết kiệm được nguồn nước tưới, tăng thu nhập còn giải quyết được nguồn lao động tại chỗ.
Xứng tầm vựa lúa phía Nam tỉnh
Tánh Linh vừa có vụ thu hoạch đông xuân thắng lợi, kể cả năng suất, sản lượng và giá cả, năng suất lúa bình quân vụ đông xuân đạt 76,7 tạ/ha, với giá lúa tươi tại ruộng từ 5.200 - 6.000 đồng/kg. Lẽ thường, đây là kết quả nhiều năm qua huyện nhà vẫn đạt được, không có gì lạ. Nhưng đặc biệt, ở vụ đông xuân 2019 - 2020, trong điều kiện toàn tỉnh gặp hạn hán, không sản xuất được, thì Tánh Linh lại góp phần lớn “gánh” chỉ tiêu sản lượng lương thực của toàn tỉnh, với 73.810 tấn, tăng trên 1.000 tấn so cùng kỳ.
“Để có được kết quả nổi bật thời gian qua, tôi hiểu, công sức và tâm huyết của “người cầm trịch” ngành nông nghiệp huyện cũng không ít”, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, ông Võ Văn Ty – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Tánh Linh nhớ lại: Trước đây, việc đầu tư phát triển nông nghiệp ở địa phương còn dàn trải, chưa định hình rõ sản phẩm chủ lực có lợi thế. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu và giao thông nội đồng đã được hoàn thiện khá tốt, tạo thuận lợi cho sản xuất. Đặc biệt, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống thủy lợi đập dâng Tà Pao, vùng thung lũng sông La Ngà đã được phát huy, mở rộng diện tích. Từ đó, đưa vụ đông xuân trở thành vụ sản xuất chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Khi cây lúa đạt năng suất cao, huyện lại tìm giải pháp làm thế nào để nâng cao chất lượng lúa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ở Tánh Linh, theo lộ trình xây dựng cánh đồng lớn, hàng năm từ nguồn kinh phí theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, địa phương đã hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để cải tạo đồng ruộng. Song song, triển khai áp dụng việc sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, thực hiện gieo sạ đồng loạt, tập trung theo lịch thời vụ để thuận lợi cho việc điều tiết nguồn nước. Hơn thế, chính quyền và nông dân đang từng bước, cùng tạo ra sản phẩm đồng bộ về chất lượng. Qua đó, tích cực mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích này.
Ông Giáp Hà Bắc - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh phấn khởi cho biết: Đến cuối năm 2020, diện tích thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn toàn huyện ước đạt 1.150 ha. Trong đó, tập trung tại các xã Đức Phú, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Đồng Kho, Lạc Tánh và Gia An, đạt 104,5% kế hoạch Huyện ủy và chiếm 38,3% tổng diện tích vùng lúa chất lượng cao.
Chuỗi giá trị gia tăng chất lượng cao từ sản phẩm nông nghiệp sạch đã tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để Tánh Linh xây dựng nông thôn mới bền vững. Người nông dân đã thực sự đổi đời khi nghị quyết của Huyện ủy đã thực sự đi vào cuộc sống, thành quả ấy rất đáng trân trọng của Tánh Linh trong nhiệm kỳ VIII.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 -2025 diễn ra từ ngày 22 - 24/7/2020. Trong nhiệm kỳ mới, đại hội đã xác định 2 khâu đột phá là mở rộng nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng các cụm công nghiệp ở xã Gia An, Suối Kiết và đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái… Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tánh Linh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trần Thi - Kiều Hằng